Chuyên đề
Chật vật "xóm" chạy thận
Rẽ phải trên đường bê-tông dẫn vào nhà thờ tộc Võ Như làng Quảng Lăng, phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), thoáng thấy một thanh niên giơ tay vẫy chào. Đó là Võ Như Trọng, một trong những người chạy thận “thâm niên” ở Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đà Nẵng.
Sức khỏe yếu, anh Võ Như Trọng chỉ còn biết giúp mẹ trong những công việc nhẹ nhàng. |
“Thâm niên” chạy thận
Ngôi nhà cấp 4 có mái tôn đã bị hoen gỉ gần hết, bức tường gạch loang lổ nhiều chỗ. Nhìn đống cát trong sân, dễ nghĩ rằng chủ nhà sắp sửa xây lại nhà mới. Nhưng không, bà Huỳnh Thị Phương - mẹ Trọng, giải thích đó là vật liệu để cậu trai út của bà đúc chậu kiểng. Một thanh niên chạy xe máy từ sau nhà ra, khẽ chào chúng tôi rồi mất hút sau bụi tre ngoài cổng. “Hắn 27 tuổi rồi mà chưa có chi hết, làm đủ chuyện để nuôi tui với thằng Trọng. Chừ hắn chạy đi lấy nước cơm cho heo”, giọng bà Phương đượm buồn.
Trọng hồi 8 tháng tuổi đã bị đủ thứ bệnh, chữa riết một hồi lại chuyển qua bị phù thận. Bà Phương đưa con chạy chữa khắp các bệnh viện Hội An, Điện Bàn, xem qua gia cảnh bà, bác sĩ khuyên nên đưa về, chứ chữa trị cái bệnh thận này tốn kém lắm. Còn nước còn tát, bà nghĩ, không thể cam tâm ngồi nhìn con mình ngày một héo hon dần. Bà quê ở Thanh Lộc Đán, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng; nghe bà con ngoài đó chỉ bảo, năm 2000, bà đưa Trọng ra chạy thận ở Bệnh viện Đà Nẵng.
Bà bị bệnh tim, năm 1999, bà con ở Thanh Lộc Đán góp được 100 triệu đồng, hai vợ chồng bà đem “sổ đỏ” thế chấp căn nhà vay thêm được 75 triệu đồng nữa. Bà định gom góp đi mổ tim thì con đổ bệnh, bà đem “trút” hết cho con. Lúc đó chưa có BHYT nên tiền bạc đổ vào bệnh cứ hết vèo, bà phải bán thêm miếng đất bên nhà gần 300m2 lúc đó chỉ được 13,5 triệu đồng. Năm rồi, chồng bà bị tai biến qua đời, cảnh nhà càng thêm túng bấn.
Trọng ra bệnh viện chạy thận tuần 3 lần, mỗi lần gần 4 tiếng đồng hồ, lúc thì đi xe máy, lúc xe buýt, có lúc đi nhờ xe một người đồng bệnh tên là Nguyễn Quốc Hùng ở Hội An, hai anh em cùng đèo nhau cho đỡ tốn kém. Thỉnh thoảng có đoàn từ thiện đến thăm, tặng mỗi người 50.000-100.000 đồng, cũng đỡ tiền xăng xe.
Trọng chưa phải là người chạy thận “thâm niên” nhất ở Khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Đà Nẵng, từ khi khoa này còn chưa tách ra khỏi Khoa Hồi sức Cấp cứu. Theo bác sĩ (BS) Trưởng khoa Nguyễn Hữu Đa, “kỷ lục” này hiện thuộc về bệnh nhân Lê Thanh Khiêm, nhà ở đường Trường Chinh, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ.
Khiêm đến khoa trước Trọng nửa năm, sau khi đứa con gái út của anh vừa chào đời được 3 tháng và đứa con đầu mới vào lớp 1. Lúc đầu, nghe mọi người nói chạy thận mất núi tiền, Khiêm một hai không đi bệnh viện, “lo hết cho mình thì con cái tính răng?”. Nhưng rồi, khi đứa con đầu thủ thỉ “con không muốn ăn chi hết, chỉ muốn ba hết bịnh thôi”, anh cảm thấy như tim mình có ai bóp nghẹt, không chữa chạy thì có lỗi với vợ con.
Khổ nỗi, vợ Khiêm cũng bị bệnh tim. Hai vợ chồng dành dụm mua được miếng đất, còn thừa đâu được 30-40 triệu đồng để cho vợ mổ tim. Nay thì cả đất lẫn tiền đều đổ hết vào hai trái thận của chồng nên trái tim của vợ vẫn phập phồng những cơn đau chết người. Nhiều bữa Khiêm chạy thận xong, vừa về tới nhà lại phải hối hả đưa vợ đi cấp cứu. Có lần, vợ anh nằm viện một tháng trời để đốt điện sinh lý trị chứng tim đập nhanh, thế là anh lâm vào một cảnh ba quê: vừa chạy thận, vừa lo cho vợ và cả ba đứa con ở nhà.
“Trường học” không có học sinh tốt nghiệp
13 năm làm trưởng khoa, BS Nguyễn Hữu Đa gần như biết rõ hoàn cảnh từng bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Trước đây đã có không ít người khánh kiệt vì bệnh suy thận mãn, “dính” vào căn bệnh này chẳng khác nào bị “kêu án” chung thân với bệnh viện.
Anh Nguyễn Văn Dũng ở phường Thanh Hà, thành phố Hội An, 8 năm chạy thận. Vợ bán bún, con hết hè này lên lớp 7. Anh đứng coi ngó công trình xây dựng cho một người cậu ruột, trời hè khát cháy cổ mà không dám uống một ngụm nước, sợ bị phù thận. Tiền công không bao nhiêu, nhưng anh quyết không nhờ vợ: “Mình rứa còn đỡ, chứ nhiều người còn khó khăn hơn nữa”.
Bà Nguyễn Thị Thanh ở phường Tân Chính, quận Thanh Khê, ly dị chồng, không nhà cửa, không thu nhập. Đứa con gái ở nhà chồng, không thể đem mẹ về nuôi. Được địa phương cấp thẻ BHYT người nghèo, bà nương thân ở khu nhà nghỉ của bệnh viện. Có lần con không kịp mang cơm đến, bà nhịn đói vừa chạy thận được một lát thì lên huyết áp, ngừng thở.
Bác sĩ đưa bà đi cấp cứu, may mà còn kịp.
Nói về những cảnh đời của bệnh nhân chạy thận, chị Phan Thị Thanh Vân, điều dưỡng Khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Đà Nẵng, kể hoài không hết, bởi hiện có 274 bệnh nhân đang điều trị bệnh suy thận mãn, tăng gấp rưỡi so với cách đây 3 năm. Chị thuộc vanh vách từng tên bệnh nhân và cả gia cảnh của họ. Mỗi khi có đoàn, nhóm từ thiện đến thăm, chị lại đứng ra “đạo diễn” để không phải tặng quà “nhầm đối tượng”.
Con cái học giỏi là nguồn động viên anh Lê Thanh Khiêm vượt qua cơn bệnh quái ác. Ảnh: V.T.L |
Chiều 20-6 vừa rồi, nhóm thiện nguyện Chung Lòng do chị Trần Thị Ngân (nguyên giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng) dẫn đầu đến tặng 12,8 triệu đồng cho 26 bệnh nhân chạy thận các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi ở tạm trú trên khu nhà nghỉ bệnh viện và gần 100 bệnh nhân khác đang chạy thận ở khoa. “Đây là lần thứ hai chúng tôi đến với bệnh nhân chạy thận, bởi chúng tôi được biết qua báo chí, phần lớn họ có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, túng bấn”, chị Ngân chia sẻ.
Khoa Thận nhân tạo trở thành địa chỉ của các nhà hảo tâm. Chị Vân cho biết, trong năm 2013, tổng số tiền từ thiện dành riêng cho bệnh nhân chạy thận là 134 triệu đồng, năm 2014 là 240 triệu đồng. Năm nay, con số này sẽ cao hơn bởi bệnh nhân đông hơn, bất cứ ai đến khoa, nhìn những con người nằm lặng lẽ suốt 4 tiếng đồng hồ mỗi ca chạy thận cũng không khỏi chạnh lòng và muốn chia sẻ ít nhiều để họ vơi đi niềm đau thân phận.
Đi ra đường, thấy người ta mạnh lành, cười nói vô tư, đi đứng mạnh khỏe còn mình thì mang căn bệnh trong người, ai mà không tủi thân tủi phận? BS Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng hiểu được tâm lý rất nhạy cảm của bệnh nhân chạy thận - những người cả cuộc đời gắn với máy móc, dây
nhợ - nên luôn dặn dò đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng nhẹ nhàng lời ăn tiếng nói, đừng đôi lúc vì công việc mệt nhọc mà vô tình nặng lời làm đau lòng bệnh nhân.
BS Đa thì mãi đến giờ vẫn không quên được dáng người cao cao với gương mặt thảng thốt sau khi biết mình mắc bệnh thận của Khiêm, khi anh lần đầu đến gặp bác sĩ và rụt rè thưa gửi: Bác ơi, bác làm ơn cứu với để em còn thấy được mấy đứa con em lớn lên. Thoắt đã gần 16 năm. Giờ thì đứa con đầu của Khiêm đã vào đại học, đứa giữa năm nay thi đại học, đứa út nay lên lớp 10. Anh khoe con anh đứa nào học cũng giỏi, rồi mang ra một xấp bằng khen, giấy khen các loại.
Những đứa con của Khiêm rồi sẽ tốt nghiệp, nhưng với anh, khi đến với “trường học” là Khoa Thận nhân tạo, sẽ phải học đến suốt đời mà chẳng bao giờ được tốt nghiệp. Bài viết này đến với bạn đọc vào đúng Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, ngày mà mọi người quay về trong mái ấm gia đình sum vầy, hạnh phúc. Thế nhưng, những Khiêm, những Trọng... sẽ phải chờ đến suốt quãng đời còn lại cũng chưa hẳn có một Ngày Gia đình đúng nghĩa…
Từ tháng 6 năm 2011 đến nay, bệnh nhân đến chạy thận tại Khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Đà Nẵng nếu có BHYT đều được thành phố hỗ trợ số tiền đồng chi trả từ 5% đến 20% (tùy đối tượng), nghĩa là được miễn phí hoàn toàn. Bệnh nhân ở xa không tiện đi về có thể ở lại khu nhà nghỉ trong bệnh viện, có phòng ở, giường chiếu, máy quạt, nước sạch... nhưng chỉ trả tượng trưng mỗi ngày đêm 20.000 đồng mỗi người. Cơm nước thì có các tổ chức từ thiện hỗ trợ. Lúc mới thành lập khoa, máy móc thiếu phải chạy đôn chạy đáo, cái thì xin viện trợ, cái thì xã hội hóa, cái thì ngân sách thành phố cấp. Đến nay cả khoa có trên 50 máy móc chuyên dụng các loại, trong đó có 2 máy lọc thận thế hệ mới HDF-Online hiện cao cấp nhất trong các dòng máy chạy thận nhân tạo, vừa được thành phố đầu tư. Đây là chính sách rất nhân văn của thành phố Đà Nẵng nhằm chia sẻ gánh nặng của bệnh nhân suy thận mãn. BS Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng |
VĂN THÀNH LÊ