Đà Nẵng cuối tuần

Tuyến đường sắt thọ chỉ...11năm

07:24, 13/06/2015 (GMT+7)

Do đường sông bị vùi lấp, người Pháp đã mở tuyến đường sắt nối Đà Nẵng với Hội An, nhưng nó cũng chỉ thọ chưa được một giáp.

Trong khi cảng thị Hội An phát triển thịnh vượng thì Đà Nẵng vẫn còn là một mảnh đất nằm bên vịnh biển, mà địa hình nơi đây đã tạo ra một ưu thế rất đắc dụng như sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn đã chép: “Ấy là chỗ nước biển chứa làm một vũng lớn, nước sâu lại rộng, ngoài có các núi ngăn che, không có ba đào ồ ạt, những ghe tàu qua lại gặp gió lớn hay đậu nghỉ nơi đây”. Ghi chú của Le Floch de la Carrière dưới Bản đồ duyên hải Đàng Trong từ Hội An đến Huế, vẽ năm 1787 cũng cho rằng: “Vịnh Đà Nẵng có thể tiếp nhận những tàu buôn lớn nhất và là hải cảng rất thuận lợi”.

Phải đến năm 1835, khi vua Minh Mạng có dụ: “Tàu Tây chỉ được đậu tại cửa Hàn, còn các cửa biển khác không được tới buôn bán” thì Đà Nẵng lúc này mới trở thành một thương cảng lớn, tiếp đón tàu thuyền của các quốc gia trên thế giới đến neo đậu và trao đổi hàng hóa. Vì vậy, đã thúc đẩy các ngành sửa chữa tàu thuyền, sơ chế nông- lâm-hải sản, dịch vụ thương mại... ở Đà Nẵng phát triển.

Ngày 3-10-1888, vua Đồng Khánh ký một đạo dụ nhượng thành phố Đà Nẵng cho Pháp. Pháp đã tách Đà Nẵng ra khỏi Quảng Nam và đổi tên thành Tourane, chịu sự cai quản trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương. Tourane được người Pháp kiến thiết, xây dựng trở thành một đô thị theo kiểu phương Tây. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, các ngành nghề sản xuất và kinh doanh được hình thành và phát triển như: sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến hàng xuất khẩu như: chè, lương thực, thực phẩm, nước ngọt, nước đá, rượu, nước mắm, cá khô; sửa chữa tàu thuyền, kinh doanh dịch vụ...

Cho đến lúc này, vai trò của cảng thị Hội An vẫn còn khá quan trọng; vẫn là nơi tập trung nguồn hàng từ các vùng, miền cũng như từ các quốc gia trên thế giới hội tụ về, đồng thời cũng là nơi xuất đi một khối lượng hàng hóa lớn. Chính vì vậy, Hội An như một điểm dừng chân, một nơi tập kết và trung chuyển hàng hóa mà Đà Nẵng là cái cổng để thương thuyền vào ra.

Con đường vận chuyển thuận tiện nhất giữa Đà Nẵng và Hội An lúc bấy giờ vẫn là sông Cổ Cò (Lộ Cảnh giang). Nhưng từ sau năm 1891, những trận lụt lớn đã làm cho sông Cổ Cò bị vùi lấp đáng kể, mà người Pháp lúc này lại chưa có những phương tiện hiện đại để nạo vét nên ghe thuyền ra vào giữa Đà Nẵng với Hội An không còn đi lại dễ dàng như trước.

Trong khi đó, nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ Hội An ra Đà Nẵng để xuất khẩu và đưa hàng hóa nhập khẩu từ Đà Nẵng vào cảng thị Hội An để phân phối đi các nơi khác trong vùng và đến các cảng thị trên thế giới vẫn còn rất cần thiết, mà người Pháp thì mới đặt chân đến làm ăn ở Đà Nẵng, một phần họ chưa có cơ sở, hoặc cơ sở của họ chưa được hoàn chỉnh, manh mối làm ăn lại chưa quen biết, vả lại chưa thông thuộc đường đi lối lại nên họ rất cần đến sự hỗ trợ của các thương nhân người Hoa ở Hội An.

Chính vì nhu cầu khai thác kinh tế buộc người Pháp phải tìm một con đường khác nối liền Đà Nẵng và Hội An.

Năm 1902, các doanh nhân người Pháp ở Đà Nẵng như Dérobert, J. Fiard đã đề nghị chính quyền Đông Dương thiết lập một con đường sắt Decouville nối liền Đà Nẵng - Hội An để thay thế cho sông Cổ Cò bị tắc nghẽn. Đề nghị này được Phòng Thương mãi Đà Nẵng ủng hộ và coi đó như là giải pháp thứ hai để cải thiện giao thông giữa hai thành phố này nếu như trường hợp giải pháp nạo vét sông Cổ Cò không thi hành được.

Đến khoảng giữa năm 1904, sau khi không tìm ra ngân sách để nạo vét sông Cổ Cò đã bị bồi lấp, chính quyền Đông Dương cho thực hiện tuyến đường sắt Decouville. Ngày 9-10-1905, tuyến đường sắt Đà Nẵng - Hội An chính thức được mở ra cho công chúng sử dụng, gọi là Tramway de l’Ilot de l’Observatoire à Faifoo. Sở dĩ người Pháp gọi thế, vì tuyến đường này phát xuất từ đảo Cô (l’Ilot de l’Observatoire) - tức cảng Tiên Sa ngày nay, chạy men theo hữu ngạn sông Hàn, băng qua vùng đất cát ở khu vực Ngũ Hành Sơn để vào đến Hội An. 

Trên đoạn đường này, người Pháp đã đặt 6 nhà ga là: Observatoire, Tiên Sa, Concession Guérin, Cổ Mân, Tourane - Mỹ Khê, Tourane - Fleuve. Mỗi ngày có ba chuyến đi về, gồm hai chuyến buổi sáng và một chuyến buổi chiều, lúc đầu chở hàng hóa từ Đà Nẵng đến Hội An và ngược lại.

Đến năm 1916, một phần vì tuyến đường này băng qua vùng đất cát dài và rộng nên thường bị cát lấp, người Pháp gặp nhiều khó khăn trong việc bảo trì tuyến đường này. Phần khác, số lượng hành khách và hàng hóa vận chuyển ngày một ít đi bởi Hội An mất đi vai trò thương cảng quốc tế của mình nên việc khai thác tuyến đường sắt này không còn có lợi nữa. Thêm vào đó, trận bão lớn năm 1916 đổ bộ vào Đà Nẵng, đã phá hỏng một số tuyến của đường ray nên người Pháp cho dẹp bỏ. Tất cả đầu máy, toa tàu, đường sắt cùng các thứ linh tinh khác được đem phát mãi vào năm 1917.

Từ đó, tuyến đường sắt Đà Nẵng - Hội An chấm dứt nhiệm vụ lịch sử của mình ở tuổi... 11!

VÕ VĂN HOÀNG

.