Chuyên đề
Phải giữ lấy nghề
Làng đá mỹ nghệ Non Nước là một trong những làng nghề nổi tiếng nhất Đà Nẵng, đã định vị trên địa bàn gần 400 năm.
Ông Lê Pháp bên bức phù điêu Bác Hồ mà ông tâm đắc. Ảnh: Q.T |
Từ lối chế tác cha truyền con nối bao đời, các lớp nghệ nhân sau này đã thay đổi quan điểm: “Ai cũng giấu nghề thì lấy ai làm nghề?”. Nhờ vậy, hàng trăm thợ điêu khắc đã được học nghề từ đây. Chỉ buồn một nỗi, khi rất nhiều lao động ngoại tỉnh tìm đến làng đá để học nghề thì lớp thanh niên địa phương lại không mấy mặn mà…
Con đường Huyền Trân Công Chúa, tuyến đường chính dẫn vào hòn Thủy Sơn - địa điểm du lịch tập trung nhiều chùa, hang động, cảnh quan đẹp trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn, dài chưa đầy 800m, giờ có hơn 400 hộ sản xuất và kinh doanh hàng đá mỹ nghệ. Làng nghề khi xưa giờ như đã thành chợ nghề.
Truyền nghề để giữ nghề
Điêu khắc đá Non Nước xưa, vốn nghề gia truyền. Chỉ con cháu thân cận mới được dạy nghề. Thậm chí ngày xưa, để có một chỗ đục đẽo, người ta còn che một cái chái như chuồng heo sau nhà, lén lén, lút lút vì sợ người ngoài học mất nghề.
Ông Nguyễn Việt Minh là người đầu tiên ở làng nghề này tổ chức dạy điêu khắc đá từ sau giải phóng. Tay nghề của ông được nhiều người biết đến, không ít thanh niên trong và ngoài tỉnh xin ông theo học nghề. Đợt đầu, ông nhận 20 người chủ yếu là người địa phương. Ông truyền hết bí quyết làm nghề cho học trò, dù đã 5 đời cha ông cố công gìn giữ, không cho truyền ra ngoài. Bởi theo ông, nếu ai cũng khư khư giữ nghề, thời gian rồi lớp già sẽ mất đi, làm sao có lớp nghệ nhân kế tiếp tạo ra sản phẩm.
Cùng suy nghĩ như ông Minh, ông Lê Pháp (nay đã hơn 60 tuổi) hằng ngày vẫn lên xưởng đá dạy nghề cho học trò, mỗi bài học được ông dày công gửi cả tâm huyết. Nghề này không có giáo trình, công thức nên việc truyền nghề rất khó khăn. Như kiểu “cầm tay chỉ việc”. Một kèm một. Vì vậy, mỗi khóa, ông chỉ nhận từ 3-4 em để dạy. “Nếu em nào có tố chất thì 3 năm là ra nghề, còn nếu không thì đến 20 năm cũng chỉ “phá đá” mà thôi”, ông Lê Pháp nói.
Theo ông Minh, để làm ra một sản phẩm điêu khắc, người thợ phải mất từ 3-6 tháng mới thôi… đập búa vô tay, nếu tiếp thu nhanh cũng mất hơn 1 năm mới cầm được máy. Trong lúc dạy, ông luôn theo sát học trò mình để biết họ tiếp thu đến đâu, để quyết định độ “chín” mà cho cầm máy hay chưa. Bởi, tốc độ của máy là 600-700 vòng/phút, không cẩn thận có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Tuổi trẻ bây giờ có tính sáng tạo, biết tìm tòi và nắm bắt nhanh, cái thiếu nhất là sự kiên trì, một đức tính rất cần thiết mà ông Minh và ông Pháp đều nhấn mạnh. Chưa đủ, để trở thành thợ giỏi, quan trọng nhất vẫn là làm sao tạo được “hồn” cho mỗi sản phẩm, nhất là những sản phẩm tạc chân dung. Do đó, người thợ điêu khắc bên cạnh đôi bàn tay tỉ mỉ, khéo léo, sức khỏe tốt còn phải am hiểu hội họa và có tính thẩm mỹ. Nắm bắt được cái thiếu hụt này, ông Pháp đang áp dụng thêm phương pháp dạy mới, bằng cách tạo điều kiện cho học trò học thêm các lớp hội họa để có kiến thức làm tác phẩm trở nên sống động, có sức hút. Truyền nghề, dạy nghề, ông Pháp chỉ với một mong mỏi duy nhất là “lớp thanh niên sau này sẽ vượt tầm nghệ nhân làng”.
Nỗi lo mất nghề
Sản phẩm làng đá mỹ nghệ Non Nước đã trở nên nổi tiếng ở rất nhiều tỉnh, thành trong nước và ngoài nước, từ chỗ chỉ vài chục người thì giờ có hơn 4.000 lao động sống được với nghề. Khó có thể nghĩ rằng, dù đang ở thời kỳ hưng thịnh nhưng những người thầy vẫn canh cánh trong lòng một nỗi lo… mất nghề.
Những năm gần đây, làng đá Non Nước phát triển quá nhanh, du khách đổ về nườm nượp, những thanh niên vùng quê các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị, Thanh Hóa… thấy thu nhập của nghề đá cao và khá ổn định nên đổ xô đến đây làm việc rất chăm chỉ, cần cù. Thợ học việc cũng được trả 200.000 đồng/ngày; thợ trung bình 400.000 đồng/ngày; thợ lành nghề hiện nay có khi thu nhập 1.000.000 đồng/ngày.
Trong khi đó, thanh niên địa phương không mấy người mặn mà với cái nghề “khổ sai” này, mà chỉ muốn chọn tìm một hướng đi việc nhẹ, lương cao. “Nếu cha mẹ địa phương không có hướng, nghề đá sẽ mai một... Người xưa nói, “trâu ruộng bộn bề không bằng cái nghề trong tay”. Ngày trước thầy giấu nghề thì trò ham, giờ thầy muốn dạy trò lại không đam mê”, ông Nguyễn Việt Minh chạnh lòng lo âu, sau này rồi làng đá Non Nước có còn bản sắc người Ngũ Hành Sơn?
Việc buôn bán hàng đá mỹ nghệ có nhiều bề thuận lợi đã khiến cho các gia đình không còn ham nghề, chỉ thích làm chủ và thuê thợ đá về làm nghề. Kể cả con cái của ông Nguyễn Việt Minh và Lê Pháp cũng “chưa” theo nghề cha, dù cả hai đều có con tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật.
Con trai của ông Pháp đang dạy Mỹ thuật, dù chưa làm nghề nhưng ông vẫn cố gắng bồi đắp cho con mỗi ngày một ít niềm đam mê với điêu khắc bằng cách hướng con làm một sản phẩm gì đó, dù rất nhỏ. “Mỗi một sản phẩm ra đời dưới bàn tay mình tự bản thân nó sẽ thấy hạnh phúc. Chính niềm hạnh phúc đó sẽ đưa nó đến với nghề điêu khắc, giữ lấy nghề truyền thống của gia đình”, ông Pháp bày tỏ.
Vì mong mỏi giữ lấy cái nghề truyền thống, nên mỗi khi có học trò đến xin học, nếu biết đó là người dân địa phương, những nghệ nhân già của làng đá như có niềm vui được nhân đôi.
QUỲNH TRANG