Chuyên đề

Thay đổi để tồn tại

07:21, 13/06/2015 (GMT+7)

Nhiều công ty sản xuất hàng thủ công, trong đó chủ yếu là ngành hàng mây tre đang chấp nhận chuyển đổi mô hình, đầu tư vào hàng thủ công mỹ nghệ hay gia công cho các doanh nghiệp xuất khẩu mới có thể tồn tại bền vững.

Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Mây tre An Khê đang dần chinh phục khách hàng trong và ngoài nước. Ảnh: H.N
Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Mây tre An Khê đang dần chinh phục khách hàng trong và ngoài nước. Ảnh: H.N

Vốn có nghề mộc trong tay, rồi vì đam mê mà anh Lê Văn Phiếu (Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu mỹ nghệ Lê Quang Huy - Đà Nẵng) đầu tư hết công sức, vốn liếng để làm mặt hàng mỹ nghệ là mô hình thuyền buồm bằng gỗ. Biết không thể dừng lại với một mặt hàng, mà phải làm nhiều mô hình mang đặc trưng của Đà Nẵng mới tiếp cận rộng rãi đến nhiều khách hàng, anh Phiếu bắt đầu thiết kế thu nhỏ lại mô hình cầu Rồng, cầu Sông Hàn, rồi gần đây là mô hình Vòng quay Mặt trời, Trung tâm Hành chính thành phố…

Bước vào nơi sản xuất và trưng bày sản phẩm của anh Phiếu, chiếc cầu hằng ngày người dân qua lại bỗng trở nên huyền ảo và thân thương đến lạ. Anh kể, để có mô hình cầu Rồng hoàn hảo như hiện nay, anh phải trải qua gần 2 năm thiết kế, sản xuất thử, nhận góp ý của bạn bè rồi nâng cấp lên một mô hình hoàn hảo. Mô hình cầu Rồng ban đầu dài đến 80cm, làm bằng gỗ, khá to và thô. Đến nay, cầu Rồng thu nhỏ lại với chiều dài 40cm, có đèn nhiều màu nhấp nháy như cầu thật, được đặt vào một chiếc hộp mê-ca có lót vải nhung.

Tháng 12-2014, một đơn vị ở Đà Nẵng đã mua mô hình cầu Rồng của anh Phiếu để tặng khách hàng dự hội nghị. Nhìn món quà này, một đơn vị của thành phố Cần Thơ đặt hàng cho anh làm mô hình cầu Mỹ Thuận của họ; còn một công ty mỹ nghệ của Thừa Thiên-Huế thì đặt anh làm mô hình cầu Trường Tiền. Cách đây mấy hôm, anh còn nhận được đặt hàng của một đơn vị cho khoảng 50 mô hình cầu Rồng…

Mới nghe qua tưởng Công ty Lê Quang Huy “ăn nên, làm ra”, vậy mà ông chủ vẫn đầy lo âu vì chuyện quảng bá sản phẩm trên trang thông tin điện tử của ngành du lịch và của thành phố vẫn chưa có. Sản phẩm của anh thực sự chưa được nhiều khách hàng biết đến do không có nơi trưng bày, những đơn hàng vừa kể trên vẫn chưa được biến thành hiện thực.

Ngoài ra, một số mô hình sản phẩm được một số công ty mỹ nghệ đặt mua, nhưng anh không được phép dán tên tuổi của mình lên đó. Anh Phiếu trở thành người gia công, dù anh làm ra đứa con tinh thần của mình, và thành luôn người yếm thế trước sản phẩm thủ công vốn không phải ai cũng làm được.

Nhắc đến ngành hàng mây tre, không thể không nhắc đến HTX Mây tre An Khê từng phát triển rất mạnh trên thị trường. Nhưng nguồn nguyên liệu đang dần trở nên khan hiếm, chuyện sở hữu một món đồ bằng mây không còn rẻ như cách đây cả chục năm.

Trước đây, HTX Mây tre An Khê sản xuất chổi đót, mành trúc, đến nay khi mặt hàng mỹ nghệ có đất sống thì những món đồ truyền thống kia phải dừng lại. Những bộ bàn ghế làm theo kiểu salon, hay bàn trà, ghế nghỉ, những chiếc giỏ đựng đồ, đèn ngủ và hàng chục món đồ có thể làm đồ dùng, làm đồ trang trí, mang tính chất là quà lưu niệm… với gần 100 mẫu mã hàng hóa.

70% sản phẩm/khoảng 10.000 sản phẩm mỗi năm được xuất ra nước ngoài (mỗi năm có khoảng 10 hợp đồng), nhưng chủ yếu phải xuất qua trung gian là các công ty chuyên mua bán hàng mỹ nghệ; 10% sản phẩm là đơn đặt hàng của các khu nghỉ mát, nhà hàng.

Tên của HTX nay đổi lại thành Công ty Mây tre An Khê. So với các năm trước, sản lượng của Mây tre An Khê đã tăng khoảng 15%. Số công nhân cách đây hơn 15 năm là 400 người thì nay chỉ còn gần 70 người. Sản phẩm ngày càng mang tính tinh xảo, độc đáo cũng là niềm an ủi cho những người gắn bó lâu dài với mây tre.   

Ông Trần Bá Tượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cho rằng xã hội càng phát triển thì con người càng quan tâm đến sản phẩm có ảnh hưởng đến môi trường hay không. Tuy nhiên, những khó khăn về nguyên liệu, về mặt bằng để trưng bày sản phẩm, về vốn vẫn là bài toán khó cho các công ty chuyên về đồ mỹ nghệ, tiêu dùng bằng mây tre như An Khê.

Mây tre An Khê hay đồ mỹ nghệ của Công ty TNHH MTV Lê Quang Huy là 2 trong số 12 cơ sở tham gia sản xuất các sản phẩm lưu niệm du lịch do UBND thành phố lựa chọn. Đây là một hướng đi tiềm năng, các sản phẩm của Đà Nẵng có thể đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Nhưng rất tiếc là các đơn vị đang lúng túng về đầu ra.

Giữa doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn và các cơ sở mỹ nghệ chưa có sự kết nối với nhau, kết quả là hàng lưu niệm sản xuất ra không biết bán sản phẩm ở đâu, du khách muốn tìm mua sản phẩm cũng rất khó khăn. Do đó, cần có một trung tâm giới thiệu, trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ ở đường Bạch Đằng hoặc khu vực cầu Rồng thì sản phẩm mới đến được với du khách.

Một bài toán khó nữa của nghề thủ công truyền thống là những làng quê chuyên nghề mây tre đang ngày càng ít đi. Nghề đan sản phẩm bằng tre ở Hòa Nhơn đã không còn, ở làng nghề Tân Hạnh của xã Hòa Phước giờ chỉ còn chừng 25 hộ (cả xã còn hơn 30 hộ).

Ông Lê Thành Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, cho rằng việc một thời phá tre lấy đất sản xuất khiến diện tích cho cây tre ngày một thu hẹp dần, chỉ còn người già, người không có việc làm mới bám lấy nghề đan (một ngày thu nhập chưa đến 200.000 đồng) khiến cho nghề đan tre đứng trước nguy cơ mất dần. Việc hỗ trợ ngành nghề thì địa phương chưa có nguồn vốn…

Trong bối cảnh này, cách làm như ông Võ Quang Khiêm, Giám đốc Công ty TNHH Đông Huy là duy trì hết sức trong việc chuẩn bị các đơn hàng để người lao động có thể tồn tại, đôi khi phải chấp nhận không lợi nhuận, mới thấy được sự tâm huyết của ông với nghề mây tre này. Đặc biệt, ông Khiêm  quan niệm cái gốc bền vững của nghề là người lao động.

Nhờ đó mà ở điểm đóng chính của Công ty Đông Huy và một xí nghiệp ở Thăng Bình, Quảng Nam luôn có 80 lao động tay nghề cao và hơn 400 lao động ở 20 cơ sở sản xuất thuộc các địa phương như Hòa Phát, Hòa Bắc (Đà Nẵng), Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên (Quảng Nam). “Có thể người lao động chỉ kiếm được 70.000 đồng/ngày, nhưng tôi luôn duy trì việc làm thường xuyên cho họ”.

Có lẽ chuyện các công ty, làng nghề tâm huyết với mây tre là chưa đủ. Bởi, dù có đẩy mạnh sản xuất đến đâu mà chuyện không có điểm trưng bày, giới thiệu cho du khách thì có lẽ nghề thủ công truyền thống này dễ yếu đi giữa lúc sản phẩm công nghiệp ngày càng lấn át mạnh mẽ trên thị trường.

HOÀNG NHUNG

.