.

Đưa tuồng xuống phố - giải pháp tình thế

.

1. Những ngày gần đây, báo chí liên tục đưa tin về việc Đà Nẵng đưa tuồng xuống phố, cụ thể là chương trình biểu diễn nghệ thuật tuồng của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh diễn ra từ 19 giờ - 20 giờ 45 chủ nhật hằng tuần, tại phía đông cầu Sông Hàn.

Cũng qua thông tin trên báo chí, người làm nghệ thuật tuồng ở Đà Nẵng rất vui trước chủ trương này của chính quyền thành phố, thậm chí có người cho rằng đây là giải pháp tối ưu trong giai đoạn hiện nay. Báo chí dẫn lời Nghệ sĩ ưu tú Cao Đình Liên: “Đưa tuồng xuống phố là thượng sách! Đây là con đường “đào tạo” khán giả ngắn nhất hiện nay, là cách thức tiếp cận khán giả nhanh nhất và là cách làm tốt nhất để nghệ thuật truyền thống được bảo lưu và phát triển” (1).

Báo chí còn dẫn lời Nghệ sĩ ưu tú Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh: “Đưa tuồng xuống phố nhằm lôi kéo khán giả. Ban đầu, có thể họ thấy lạ, dừng chân vài phút vì tò mò, vì con cái thích thú sự rực rỡ của trang phục, mặt nạ… Dần dần trở thành thói quen, rồi nghệ thuật sẽ thấm vào họ một cách tự nhiên” (2)…

2. Qua báo chí, Nghệ sĩ ưu tú Trần Ngọc Tuấn cũng thẳng thắn thừa nhận: “Tôi biết vẫn có nhiều người cho rằng tuồng chỉ nên diễn ở sân khấu trong nhà hát. Tôi muốn nói rằng, diễn tuồng ở đường phố thì chưa cần chất lượng cao của nghệ thuật nhưng không phải dễ dãi trình diễn những cái chưa đạt nghệ thuật” (3).

Như vậy người đứng đầu Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, bằng sự mẫn cảm nghệ sĩ và lòng yêu nghề, đã bày tỏ sự quan ngại về nguy cơ hạ thấp chất lượng nghệ thuật khi có sự thay đổi về không gian diễn xướng. Việc đưa tuồng xuống phố khởi phát từ Nha Trang, và ông Lee Chong Chan - một du khách đến từ Seoul Hàn Quốc đã bày tỏ cảm nghĩ về hiện tượng này: “Ở Hàn Quốc, phải tốn nhiều tiền mới được xem biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Tôi từng học tiếng Việt và rất mê tuồng Việt Nam nhưng mới chỉ được xem tuồng Bắc tại Hà Nội. Trong chương trình tour đến Nha Trang, cuối tuần khách đi chơi tự do, hướng dẫn viên cho biết, dạo phố biển sẽ được xem tuồng miễn phí. Theo tôi biết, nghệ thuật tuồng là hệ thống ngôn ngữ bác học, đưa “sân khấu” tuồng xuống phố là điều ngoài sức tưởng tượng của tôi. Dù thế nào, tôi cũng chờ xem, bởi vì đối với tôi, đó là món quà bất ngờ và đặc biệt thú vị” (4).

3. Những điều vừa nêu chứng tỏ đưa nghệ thuật tuồng xuống phố có cái gì đó khác với đưa nghệ thuật xuống phố. Không phải loại hình nghệ thuật nào cũng có thể xuống phố một cách “bình thường trên đường phát triển”.

Việc đưa một số loại hình nghệ thuật được công nhận là di sản văn hóa thế giới như nhã nhạc cung đình Huế hay cồng chiêng Tây Nguyên từng được giới chuyên môn cảnh báo về nguy cơ tha hóa/thoái hóa. Năm 2009, thành phố Pleiku tổ chức đại hội liên hoan cồng chiêng thế giới lần thứ nhất, với sự tham dự của gần 3.000 nhạc sĩ, vũ công của đa số sắc tộc Tây Nguyên cùng với sự tham gia của nhạc cồng chiêng của 5 quốc gia: Myanmar, Philippines, Indonesia, Lào, Campuchia.

Về sự kiện quảng bá cồng chiêng Tây Nguyên rất hoành tráng này, nhà văn Văn Công Hùng từng nhận xét: “Toàn bộ lễ khai mạc Festival cồng chiêng quốc tế Gia Lai năm nào là cuộc biểu dương âm nhạc Nguyễn Cường và các nghệ sĩ múa người Kinh. Các chủ nhân của chiêng, đồng bào dân tộc đến từ mấy chục tỉnh, thành trên cả nước “được” vây quanh sân khấu trong bóng tối, gõ chiêng trên nền nhạc... Nguyễn Cường” (5).

Bàn về không gian diễn xướng của cồng chiêng Tây Nguyên, GS, TS Trần Quang Hải nhấn mạnh: “Trong buôn làng xưa, cồng chiêng thường chỉ được sử dụng trong các lễ lớn của gia đình, dòng tộc thì nay, cũng ngay trong cái không gian buôn làng ấy, việc “mua vui” cho “người ngoài” đã trở nên một hiện tượng khá phổ biến. Rồi nữa, không gian địa lý để chiêng “cất lời” đã trở nên quá dễ dãi tại những đô thị, với các lễ hội mà yếu tố hội hầu như chiếm phần lớn. Một vài năm gần đây, đi khắp vùng Tây Nguyên, đâu đâu người ta cũng bắt gặp cảnh diễn tấu chiêng cồng trong các hội nghị, hội thảo, thậm chí cả trong các cuộc họp… Thật sai lầm khi nghĩ rằng cần đưa văn hóa cồng chiêng đến với mọi người càng nhiều càng tốt bất chấp mọi không gian sinh tồn của loại hình âm nhạc này của người bản địa Tây Nguyên” (6).

Đối chiếu với những lời cảnh báo ấy thì việc đưa cồng chiêng tham gia Lễ hội Nhiệt đới (Carnaval Tropical de Paris 2014) trên đường phố Paris, hoặc tham gia lễ hội đường phố Chingay ở Singapore hồi đầu năm 2015… dường như có cái gì đó không ổn. Và không ổn tương tự là việc đưa nhã nhạc cung đình Huế tham gia Festival đường phố ở Tây Ban Nha năm 2006 - không ổn đến mức có người đánh giá rằng: “Sau ba năm được vinh danh, các đoàn nghệ thuật Nhã nhạc nối tiếp nhau đi công diễn đều đều, bình dân hóa đến nỗi ra vỉa hè nơi những phương trời Tây xa xôi hòa mình vào trong những Festival đường phố. Và một thứ Nhã nhạc đường phố của Việt Nam ra đời (…).

Việc đưa một loại hình nghệ thuật thuộc về không gian tông miếu đi biểu diễn ngoài vỉa hè là một sự xúc phạm không chỉ riêng đối với nghệ thuật Nhã nhạc mà còn đối với những người đang hằng ngày chăm chút hương hỏa sót lại của văn hóa Việt Nam”. Liệu người Đà Nẵng có góp phần vào cách làm phản cảm này khi chương trình biểu diễn nghệ thuật tuồng của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh dự kiến đưa xuống phố cũng có tiết mục hòa tấu nhã nhạc cung đình?

4. Rõ ràng ở đây có vấn đề không gian diễn xướng phải thích ứng với từng loại hình nghệ thuật. Chính vì thế, theo tôi cần nghiêm túc đặt vấn đề: Đường phố với tư cách là không gian diễn xướng có thực sự phù hợp với nghệ thuật tuồng hay không? Tôi nghĩ câu trả lời đúng sẽ là: Đường phố với tư cách là không gian diễn xướng không thực sự phù hợp với một loại hình nghệ thuật hàn lâm như tuồng. Tôi cho rằng không nên lấy lý do khán giả chưa tìm đến nghệ thuật tuồng thì người làm nghệ thuật tuồng phải đi tìm khán giả để biện minh cho việc đưa tuồng xuống phố.

Chính vì thế mà câu hỏi đặt ra ở đây là Đưa tuồng xuống phố - giải pháp tình thế hay định hướng phát triển? Định hướng phát triển thì chắc là không phải rồi, vậy làm thế nào để việc đưa tuồng xuống phố như một giải pháp tình thế vừa đáp ứng được đòi hỏi của một giải pháp mang tính nhất thời vừa không trở thành trở lực cho việc bảo tồn và phát triển bền vững nghệ thuật tuồng?

Trước hết cần xem việc đưa tuồng xuống phố chỉ như là một hình thức quảng cáo/tiếp thị về nghệ thuật tuồng. Trong chương trình biểu diễn nghệ thuật tuồng của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đưa xuống phố trong đêm diễn đầu tiên ngày 12 tháng 7 vừa qua, có tiết mục rất phù hợp với tư duy quảng cáo/tiếp thị: giới thiệu nghệ thuật vẽ mặt nạ tuồng - vẽ và bán sản phẩm tại chỗ; cách hóa trang trong nghệ thuật tuồng - cho thuê phục trang và tổ chức chụp ảnh cho du khách có thu phí, kể cả chụp ảnh chung với các nghệ sĩ tuồng.

Theo tôi, tiết mục này có thể được tiến hành suốt cả buổi diễn, song song với hoạt động diễn xướng các màn giáo tuồng và trích đoạn tuồng. Cũng có thể tổ chức cho một nghệ sĩ tuồng am hiểu về nghề giới thiệu những đặc trưng độc đáo của nghệ thuật tuồng - mặt nạ và hóa trang chỉ là một phần - trước khi tiến hành hoạt động diễn xướng. Cũng có thể treo bên cạnh sàn diễn một biểu ngữ với nội dung: Nếu qua đêm diễn này bạn cảm thấy yêu thích nghệ thuật tuồng, xin hãy đến với chúng tôi tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh! Đây cũng là một cách để khẳng định đưa tuồng xuống phố chỉ là giải pháp tình thế chứ không phải định hướng phát triển.

Họa sĩ Nguyễn Đình Đăng đang sống và làm việc ở Tokyo cũng từng giới thiệu kinh nghiệm đưa nghệ thuật hàn lâm xuống phố của các nước phương Tây: “Ở đây tôi chỉ bàn về việc cho âm nhạc ra ngoài xã hội như một hoạt động đưa âm nhạc tới gần công chúng, để công chúng hiểu hơn, thích hơn, với hy vọng rất thực dụng là… họ sẽ kéo nhau tới nhà hát mua vé vào xem đông hơn, chứ chẳng cần nói thì ai cũng biết rằng, đối với nhạc cổ điển, đường phố không thể nào thay thế được nhà hát và phòng hòa nhạc “xịn” (…). Không nên quên rằng chương trình ca opera ngoài chợ của các nghệ sĩ Âu - Mỹ nằm trong đợt quảng cáo hay “marketing” cho chương trình hòa nhạc tiếp theo của họ ở nhà hát. Ví dụ, các nghệ sĩ nhà hát Massimo (Teatro Massimo) trình bày La Traviata của Verdi giữa chợ tại Palermo (Italy), vừa hát vừa trưng biển: Bạn có thích opera không? Nếu có thì hãy đến với nhà hát chúng tôi” (7).

Thứ hai là phải có ý thức về đặc trưng nghệ thuật tuồng. Nghệ sĩ ưu tú Trần Ngọc Tuấn từng bộc bạch: “… Tôi nghĩ đừng để nghệ thuật tuồng lẻ loi. Cần có nhiều hình thức giải trí khác ở khu vực lân cận như: biểu diễn rồng phun lửa, chợ đêm, ẩm thực…” (8). Tuy nhiên, theo tôi cũng đừng vì sợ tuồng lẻ loi mà cố tình dàn dựng một chương trình biểu diễn bao gồm cả loại hình nghệ thuật tuồng lẫn những loại hình nghệ thuật không phải tuồng - chẳng hạn nhã nhạc cung đình Huế hay dân ca Việt Nam và quốc tế…

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn về việc đưa tuồng xuống phố, nghệ sĩ Vũ Tiến Thêm - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa cũng khẳng định ở Nha Trang, tối thứ bảy là tổ chức biểu diễn dân ca, tối chủ nhật tổ chức biểu diễn tuồng, không pha tạp giữa hai loại hình nghệ thuật này, tuồng là tuồng, dân ca là dân ca (9).

Thứ ba là vấn đề đầu tư để bảo tồn và phát triển nghệ thuật tuồng. Cần hết sức chú ý đến một đặc điểm rất quan trọng của mô hình công chúng xem tuồng ở ngoài trời chứ không phải xem trong rạp: miễn phí. Sẽ không thể miễn phí - cũng có nghĩa là sẽ không thể đưa tuồng xuống phố - nếu không có sự đầu tư từ ngân sách thành phố cho từng đêm diễn. Và nếu cái hấp dẫn nhất của chương trình đưa tuồng xuống phố nằm ở chỗ xem không mất tiền thì liệu có khả năng công chúng có nhu cầu xem tuồng trong rạp miễn phí hay không? Và nếu có khả năng ấy thì liệu có thể đầu tư từ ngân sách thành phố cho các đêm diễn hằng tuần ngay tại không gian diễn xướng “đúng bài” là Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh không? Vậy hiện nay ngân sách thành phố đã đầu tư cho nghệ thuật tuồng đến đâu? Xây dựng/trùng tu Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh? Đào tạo/thu hút nguồn lao động nghệ thuật tuồng? Và nữa và nữa… Tuy nhiên có lẽ câu hỏi quan trọng nhất là ngân sách thành phố đã đầu tư đến đâu để đêm đêm sân khấu tuồng có thể sáng đèn với những vở diễn kinh điển đầy sáng tạo và có chất lượng nghệ thuật cao, để nghệ sĩ tuồng không phải loay hoay tìm cách kiếm sống và bảo tồn di sản nghệ thuật truyền thống của cha ông, không phải trăn trở về việc làm sao vẫn quảng bá nghệ thuật tuồng có hiệu quả mà không cần đưa tuồng xuống phố tìm khán giả?

L.T.S: Tối 12-7-2015, lần đầu tiên Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thực hiện chương trình đưa nghệ thuật tuồng đất Quảng xuống phố nhằm làm cho di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này đến gần hơn với công chúng và phục vụ du khách, nhất là du khách quốc tế đến với Đà Nẵng. Chương trình sẽ tiếp tục được tổ chức vào tối chủ nhật hằng tuần cho đến hết tháng 9 năm nay. Nhìn chung, dư luận ủng hộ chương trình đưa tuồng xuống phố như một sản phẩm du lịch mới, nhưng cũng không ít ý kiến phân vân về việc thay đổi không gian diễn xướng của một loại hình nghệ thuật bác học như tuồng.

Sáng 17-7, Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật thành phố  tổ chức một sinh hoạt học thuật để trao đổi sâu trong giới chuyên môn về vấn đề này. ĐNCT giới thiệu cùng bạn đọc bài viết Đưa tuồng xuống phố - giải pháp tình thế của tác giả Bùi Văn Tiếng và rất mong nhận được nhiều bài viết khác chung quanh chủ trương thí điểm đưa tuồng xuống phố của Đà Nẵng hiện nay.

BÙI VĂN TIẾNG


(1, 2, 3) Xem Ngọc Hà: Đưa tuồng xuống phố, Báo Đà Nẵng ngày 15-6-2015. Hiện nay địa điểm biểu diễn đã chuyển sang phía đông cầu Sông Hàn.

(4) Xem Bảo Chân: Dạo phố… xem tuồng, Lao Động Online, 16-12-2013

(5) Xem Văn Công Hùng: Tây Nguyên: Văn hóa rừng trôi về đâu, VanVN. Net, ngày 16-8-2011

(6) Xem Trần Quang Hải: Cồng chiêng Tây Nguyên: nỗi lo âu

(7) Xem Nguyễn Đình Đăng: Đưa âm nhạc xuống đường và chuyện cái đèn treo ngược, trang thông tin điện tử Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 4-10-2011.

(8) Xem Ngọc Hà, bài đã dẫn.

(9) Xem Việt Văn: Đưa nghệ thuật truyền thống lên hè, Báo Lao Động điện tử ngày 21-12-2013.

;
.
.
.
.
.