Đà Nẵng cuối tuần
Phan Duy Nhân - ửng sắc mây lam hoàng hôn
Tôi cũng không rõ lắm bài thơ “Không đề”, anh Phan Duy Nhân viết ra từ bao giờ, nhưng có lẽ, chỉ cần đọc lời đề từ của anh cho bài thơ này Trái tim như hạt gieo rồi thì có thể hiểu, đấy là lời đề từ cho toàn bộ cuộc đời Phan Duy Nhân. Nói khác hơn, cũng có thể là từ buổi Mẹ khai sinh ra trên cuộc đời này, đứa con thuộc giống “loài thi sĩ”.
Nhà thơ Phan Duy Nhân (phải) và tác giả. |
“Loài thi sĩ” là tôi mượn ý của thi sĩ tài hoa mệnh bạc Hàn Mặc Tử, như trong một lá thư ông viết gửi cho người bạn thân của mình là Hoàng Trọng Miên (bài Quan niệm về thơ): “… Đức Chúa trời tạo ra trăng, hoa, nhạc, hương là để cho người đời hưởng thụ, nhưng người đời u mê phần nhiều không biết tận hưởng một cách say sưa, và nhân đấy chiêm nghiệm lẽ màu nhiệm… Vì thế trừ hai loài trọng vọng là “thiên thần” và “loài người”, Đức Chúa trời phải cho ra đời một loài thứ ba nữa: “Loài thi sĩ”.
Loài này là những bông hoa rất quý và hiếm, sinh ra đời với một sứ mệnh rất thiêng liêng: phải biết tận hưởng những công trình châu báu…, và trút vào linh hồn người ta những nguồn khoái lạc đê mê, nhưng rất thơm tho tinh sạch”.
“Trái tim như hạt gieo rồi” của Phan Duy Nhân chính là thứ bí nhiệm trút vào linh hồn người ta những nguồn đê mê ấy. Không phải chỉ là câu thơ đề từ, hoặc có thể là bài thơ “Không đề” này thôi đâu, mà là bề bộn những mùa màng hoa trái Phan Duy Nhân đã gieo cấy từ hạt giống của trái tim mình.
Nhiều bài thơ anh viết vào thời trai trẻ thanh xuân đăng thường xuyên trên tạp chí Bách Khoa (Sài Gòn) vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, cho đến bây giờ đã hơn nửa thế kỷ qua, vậy mà lớp học sinh-sinh viên thời ấy, bao người còn thuộc nằm lòng. Hễ mỗi khi nhắc đến Phan Duy Nhân là hầu như người ta nhớ đến thơ anh, nhớ thêm một bút hiệu Dương Phù Sao, nhớ đến một Phan Duy Nhân thi sĩ hơn bất cứ nhớ điều gì khác về anh. Khi mở lời thư ngỏ ý tìm/ Mùa xuân trên má thẹn êm đềm/ Hai vai anh đã đầy sương khói/ Lòng đã hoang vu, mộng đã chìm/ Anh chỉ còn đây lời rượu ngọt/ Cùng thơ tâm sự mắt du thuyền/ Tươnglai thôi hãy mềm như lụa/ Mà gói đời anh trong áo em (Thơ cầu nguyện. Bách Khoa 124).
Còn gì hơn thước đo thời gian đã thực sự chứng minh sức sống thơ Phan Duy Nhân trong lòng công chúng, một sức sống đẹp lung linh huyền thoại, mà có khi chính tác giả của nó cũng không ngờ tới. Hẳn là một chiều cuối năm nào đó của thời trai trẻ, là tôi đoán chừng ở độ tuổi sinh viên, hay mới ra trường, trong cái tâm thế bồn chồn rời nhà trọ của một lữ khách, Phan Duy Nhân đã viết bài thơ “Cuối năm rời nhà trọ”: Lòng trống không mà mưa cuối năm. Tre câm cam chịu nỗi cơ hàn/ Chăn đơn đời ngủ không cần dậy/ Tay vắt ngang mày đợi bóng trăng/ Này lối thầm xưa ngùi kỷ niệm/ Này vuông cửa sổ ngắm chiều rơi/ Mai sương như khói lên đầu ngõ/ Giọt nến đêm dài thêm tủi thôi/ Cau vút thân vời cao chín bậc/ Thầm ru chim phượng ngủ trong lòng/ Bạn bè mộng thấy dăm ba bận/ Ai biết ta nằm đây nữa không?/ Mơ ước xa như người đã khuất/ Cam thua cau mặt lật con bài/ Mưa chiều tượng mỏi im như Phật/ Từng giọt buồn rơi qua kẽ tay/Trang sách, vuông khăn, vài vạt áo/ vò lòng cúi mặt bước chân ra/ Chỉ cần mưa ngớt cho đôi chút/ Trời rộng xin đừng gió thổi qua! (Bách Khoa. 145).
Đọc hết cả bài thơ ta thấy toát lên một sắc thái cổ điển. Ngôn từ đẹp mà giản dị, nhạc tính man mác nỗi buồn, tạo ra hiệu quả đằm sâu u hoài giữa thanh âm và ngữ nghĩa, dễ gieo vào lòng con người ta một nỗi cảm hoài xa vắng mênh mông. Một bài thơ ra đời trong một khoảnh khắc như thế, ấy vậy mà nó trở thành bạn đường cho bao nhiêu người yêu thơ, vượt qua chiến tranh cho tới hòa bình dằng dặc đã quá năm mươi năm.
Trong những mốc son thơ của Phan Duy Nhân, không thể không nhắc tới mảng đề tài anh viết về chiến tranh. Cũng như một số các nhà thơ nổi tiếng khác ở miền Nam đồng thời với Phan Duy Nhân vào những năm tháng đất nước còn binh lửa, thì nguồn mạch ưu tư thân phận, nỗi đau xứ sở quê hương chia cắt, đạn bom tàn phá từng ngày tan hoang…, tất cả cứa vào trái tim thi sĩ kiểu như anh đã chảy máu thành thơ: Giây phút ấy tôi cầm tay nỗi chết/ Sau lưng anh phường phố vẫn điêu tàn/ Máu một dòng rơi hờn như giọt đá/ Thơ một lời dội lại tiếng kêu vang (Đường bay của thơ. Bách Khoa 123).
Lớp trẻ hoa niên chúng tôi vào thời ấy lớn lên đều ít nhiều có ảnh hưởng của dòng thơ này. Chưa đủ sức hoặc không thể viết thành thơ thì đọc thơ các anh vang vang đây đó, như bày tỏ một khát vọng, một tình yêu, một nhen nhóm lửa, có lẽ chỉ là từ vô thức, giống như trẻ con biết vỗ về nỗi buồn đau của mẹ. Ví như bài “Thơ cho mẹ và chị”: Đầy nước mắt đi trong chiều biển động/ Thân san hô sóng vỗ một đời tròn/ Trông cây tùng gặp bão cũng cong lưng/ Đời kiêu mạn chẳng còn tâm sự với/ Con nhớ lại sắt se lời mẹ dạy/ Những đêm qua ngõ hẹp phố phường sâu/ Đầu gối trên tay nghe đường máu chạy/ Trong tim con ngựa mỏi cũng quay đầu/ Những buổi sáng nằm vùi trên gác trọ/ Những chiều hôm mong đợi chẳng ai về/ Tình thuở trước đắp cao dần nấm mộ/ Trong lòng con cỏ mọc đã vàng hoe…
Tôi vẫn thường hay tuân thủ theo cái cách mà Milan Kundera đã viết trong “Nghệ thuật tiểu thuyết” rằng: biết về tác giả sẽ chẳng làm khác đi giá trị tác phẩm (cho dù là thơ hay bất cứ loại hình nghệ thuật nào khác). Nhưng với nhà thơ Phan Duy Nhân thì tôi không thể không biết chút gì về anh, nhất là vào cái buổi hoàng hôn tuổi tác của anh. Mà quả, cũng chỉ bấy nhiêu thời gian, bởi cuộc đời sóng gió lên ghềnh xuống thác của Phan Duy Nhân tôi nào có biết gì nhiều ngoài những bài thơ và mấy dòng tiểu sử sơ sài, như người ta từng biết về anh, tên thật là Phan Chánh Dinh, cùng với các bút hiệu: Dương Phù Sao, Nguyễn Chính, Thiết Sử, cho đến năm sinh, quê quán, nghề nghiệp…
Nếu như ngày xưa tôi biết về anh là một thi sĩ, thì bây giờ với tôi, buổi anh trở về vẫn nguyên vẹn là một thi sĩ. Câu thơ Trái tim như hạt gieo rồi có chút gì đó định mệnh chăng, để mạch thơ của anh ngày xưa: Thân anh một sớm lui về/ Chỉ còn tro bụi tứ bề hỏa thiêu (Bách Khoa. 140) nối liền vào sắc ửng mây chiều bây giờ. Dường như khi cởi bỏ áo mão công danh rồi, về hưu rồi, Phan Duy Nhân cũng chẳng chịu ngồi yên, anh tham gia (cũng có khi là tổ chức) các hoạt động xã hội nơi này, nơi khác. Có lần anh bảo với tôi: “Bà Hà (tức vợ anh), đã sưu tầm tập hợp được gần 600 bài thơ của mình rồi”.
Nói thế, nhưng rồi vẫn chưa thấy anh in ấn hay làm tuyển cho mình. Khổ nỗi bệnh tật, anh phải ăn uống kiêng cữ, chỉ gạo lứt muối mè thường xuyên. Cũng có ngày, anh ghé vào nhà tôi ở lại. Nhà tôi các cháu đi làm việc thường vắng cả ngày, nên có những buổi trưa tôi thường đưa anh ra mấy cái quán cóc chỗ siêu thị Bài Thơ ăn trưa ở đó. Những bữa ăn cũng vô cùng đạm bạc, mà anh ăn vài lưng chén cơm là cùng.
Một lần tôi và anh uống cà-phê sáng với thầy Huệ Vinh, hôm ấy nhìn màu da anh xanh tái khác thường, tôi nói với anh: Mẹ đã sinh anh ra làm thi sĩ, bây giờ đã qua chốn quan trường, anh còn bao sức lực thì cứ dốc vào thơ may ra còn lưu lại chút gì, chứ cứ lang thang như thế này, chẳng vào đâu, mà đổ bệnh xuống chẳng ai chăm sóc.
Chùa Quán Thế Âm nằm dưới chân ngọn Kim Sơn, thầy Huệ Vinh dành riêng cho anh một phòng. Hễ đi về Sài Gòn với vợ con thì thôi, ra lại Đà Nẵng thì cái “thiền thất” bé xíu đấy là một cõi đi về của anh. Nhìn anh Phan Duy Nhân mặc bộ nhật bình nâu sòng, lui cui vào ra chùa dưới bóng núi trông cứ như… một thiền sư, có lẽ hình ảnh đó khắc họa vào trí nhớ tôi một chân dung thi sĩ đẹp như bài thơ anh viết: Tràn đầy mà rỗng không/ Biển vô lượng thủy triều/ Đường về tâm bất động/ Tuyệt chiêu là vô chiêu/ Đã thương đời vạn dặm/ Vân du vượt núi đèo/ Thôi hòa lòng với bụi/ Thanh tịnh vầng trăng treo… (Kính tặng Tôn Sư tôi, Đặc san Diệu Âm. Lễ hội Quán thế Âm, Phật lịch 2557). Ôi chao, một cuộc đời thi sĩ, thơ thế ấy còn lưu lại như ửng một sắc mây lam với chiều có khác gì quầng ráng buổi hoàng hôn!
Đà Nẵng, 21-7- 2015
NGUYỄN NHÃ TIÊN