.
Tản văn

Kim chỉ

.

Sáng nay, trong lúc cuống cuồng lật tung đồ đạc trong phòng để tìm kim chỉ đính lại chiếc cúc áo cho kịp giờ đi làm, bỗng nhiên tôi nhớ đến những người đàn bà lam lũ quê mình.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Trên dây phơi căng ở trước nhà thể nào cũng thấy vài ba tấm áo vá víu phất phơ trước gió. Những miếng vá bạc màu mưa nắng được khâu bằng đường chỉ thẳng thớm từ bàn tay già nua của bà, tảo tần của mẹ. Khâu kín vết rách, khâu ấm gió lùa, khâu che chỗ nắng, từng mũi kim đưa như một phép lành. Thế nên trong nhà ai cũng có sẵn cuộn chỉ cây kim được cất gọn gàng và chỉ chờ áo quần cất tiếng. Bài học nữ công gia chánh đầu tiên mẹ dạy tôi là tập cách khâu. Tập từ khi đường chỉ dài ngắn không đều, cong queo, xô lệch cho đến khi thẳng thớm.

Mẹ nói đường chỉ cũng như đời người, phải rèn sao cho ngay ngắn thì dẫu có vải sờn áo rách vẫn giữ được nề nếp gia phong. Tôi xuống phố đã lâu, kim chỉ mẹ sắm cho mang theo chẳng mấy khi dùng đến. Áo mua về mặc chưa kịp cũ màu đã bỏ. Mải chạy theo mốt này mốt nọ nên áo quần chẳng có cơ hội cất tiếng gọi chỉ kim. Sáng nay trời lạnh, mang áo mới mua ra mặc đã thấy cúc treo lủng liểng. Vội vã đi tìm cuộn chỉ mà không thể nhớ mình đã để chỗ nào. Chỉ thế thôi cũng đủ buồn cho một ngày dài cầm trong tay cúc áo…

Một hôm nào đó giữa phố đua chen bỗng thấy chạm vào đáy mắt mình một cửa hàng có tên “kim chỉ corner” lòng bùi ngùi đến lạ. Bước vào góc nhỏ đó tha hồ ngắm chọn những sản phẩm được may tay bằng kim chỉ tinh tế mà bền chắc.

Cảm nhận cái hồn của vải vóc được người may gửi gắm trong từng đường kim mũi chỉ. Không giống như áo quần được may bằng dây chuyền máy móc, chất đống đầy ngoài chợ chưa mua về đã thấy đứt khuy, đường chỉ mỏng manh lộ cả thịt da người mặc.Bỗng nhiên nhớ chiếc váy cưới mà bạn tự may, tặng tôi khoác lên tươi xinh trong ngày trọng đại của mình.

Thay vì chọn một chiếc váy diêm dúa trong cửa hàng đã qua cả trăm người mặc. Váy bạn tặng có ân tình nghĩa nặng đã cho tôi thấy mình được trân trọng đâu chỉ riêng hạnh phúc lứa đôi. Bỗng một ngày bạn đi xa, mỗi khi mở góc kỷ niệm xưa ngắm váy cưới mà thương nhớ bạn. Chợt nhận ra ân tình trong cuộc đời này chỉ có được từ những gì ta chăm chút tỉ mỉ và bền chặt.

Bạn kể một lần đến thăm người đàn ông góa vợ trong chuyến từ thiện “vì người nghèo”. Bước vào nhà nhìn xung quanh những vật dụng đơn sơ cũ kỹ chợt dừng lại bên hộp kim chỉ treo ngay dưới gương tường. Ngó qua thấy áo cha con anh có vài miếng vá.

Bạn đã nghĩ họ thực ra không nghèo, họ giàu có bởi những điều mà chúng ta đã mất hoặc không có được. Đó là những buổi chiều người đàn ông gà trống nuôi con ấy ngồi trên chõng tre khâu áo cho con. Họ cười nói vui đùa sau khi cùng nhau ăn một bữa cơm độn nhiều khoai sắn.

Bố của các con bạn thì giỏi giang theo kiểu chỉ biết bận rộn kiếm tiền, chạy theo những cuộc vui vô bổ. Và cứ luôn nghĩ rằng hằng tháng cung cấp tiền nuôi con đã làm đủ trách nhiệm một người cha. Ngó kim chỉ nhà người ta mà ngẫm đến chuyện mình. Ừ thì giàu hay nghèo trong nhà nào cũng có cây kim cuộn chỉ. Có điều nhà thì cất gọn gàng nhà thì vứt lăn lóc ở xó nào không biết.

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

;
.
.
.
.
.