Đà Nẵng cuối tuần

Bến đò quê ngoại

06:55, 22/08/2015 (GMT+7)

Tôi tần ngần đứng trên bờ sông nhìn cây cầu vững chãi bắc ngang dòng sông với tấp nập xe cộ qua lại, lòng nôn nao nhớ về bến đò xưa cũ, nhớ ông lão chèo đò bốn mùa với chiếc quần cụt, điếu thuốc lá lập lòe trên tay trong cơn mưa lâm thâm buốt giá và nhớ nụ cười của cậu tôi dang đôi tay vạm vỡ đón lấy những đứa cháu xa trở về đầy yêu thương, ấm áp...

Tôi sinh ra ở quê ngoại. Tới lúc chập chững biết đi mới được gặp mặt cha lần đầu. Ngày ấy, cha tôi còn trong quân ngũ, miệt mài với công tác khắc phục hậu quả sau chiến tranh. Tuổi thơ của tôi gắn liền với hình ảnh người cậu thân thuộc. Năm tôi lên 3 tuổi, cha trở về và quyết định đưa gia đình về quê nội. Ấu thơ không hiểu hết nỗi chia ly nhưng ít nhiều tôi quyến luyến nơi mình lớn lên với những bước chân chập chững theo sau người cậu của mình. Mẹ tôi kể rằng, dù về quê nội nhưng tôi vẫn quyến luyến với nơi vốn đã thân quen. Nhiều đêm trắng, tôi vô cớ buồn, vô cớ khóc đòi cậu khiến mẹ tôi nhiều phen rớt nước mắt. Mãi đến nhiều năm sau đó khi tôi dần lớn khôn, dăm bữa, nửa tháng tôi vẫn đòi mẹ đưa về quê ngoại chơi dù đường sá đi lại ngày ấy rất khó khăn, đa phần là đi bộ.

Đường về quê ngoại ngày ấy là chặng đường khá gian nan dài ngót 20 cây số và một bến đò mang tên Tùng Luật vắt ngang qua dòng Bến Hải, nơi một thuở chiến tranh được mệnh danh là: Cửa tử! Bến đò Tùng cũng giống như hàng trăm bến đò khác ở mọi miền quê sông nước. Cách đây mười năm có lẻ, bến đò làng Tùng mỗi ngày vẫn duy trì hai buổi đò ngang qua lại đôi bờ. Đó là chỗ hẹn của kẻ đi, người về ở đôi bờ dòng sông huyền thoại. Chẳng ai nhớ mặt, chẳng ai nhớ có bao nhiêu bước chân đã lên thuyền xuống bến để ra đi và trở về. Chỉ duy ông già lái đò không tên vẫn cứ lầm lũi đưa khách sang sông. Trong ký ức tôi, ông là một người kiệm lời nhưng dư dả nụ cười hồn hậu, nước da màu đồng hun rắn rỏi. Trên tay, dù mưa hay nắng vẫn lập lòe điếu thuốc lá; đông hay hè ông vẫn mặc độc mỗi chiếc quần cụt. Ông cần mẫn bẻ tay lái như người nghệ sĩ điêu luyện nơi cửa tử và luôn sẵn lòng giúp người đi đò đưa những đứa trẻ lên bờ khi đò cập bến, trong đó có tôi.

Kể từ ngày cây cầu vĩnh cửu bắc ngang sông được xây dựng, giao thương thuận lợi hơn trước, chuyện sang sông, chở hàng hóa không còn là nỗi niềm của bà con. Bến đò xưa và tiếng gọi đò lùi vào dĩ vãng. Không còn nữa cảnh bến sông tấp nập khách, không còn lời than thở “qua sông lụy đò”. Cũng không còn nữa hình ảnh người lái đò ngang lấp ló trong sương sớm phủ kín mặt sông hay bóng con đò vãn khách cô đơn trên mặt bến.

Tôi trở về quê ngoại, tần ngần đứng trên bến đò xưa. Nhớ vu vơ khi hay tin ông lái đò năm xưa đã thành người thiên cổ. Người con trai của ông, đôi lúc nhớ bến, nhớ cha, lật đật xuống đò thả mái chèo chơi vơi giữa lòng sông. Đò không có khách mà đò đầy nỗi nhớ. Bờ bến đã sùi sụt đổi thay và khách đi đò năm xưa bây giờ lặng lẽ rưng rưng một niềm tiếc nuối. “Có cầu, nhiều người dân vui lắm. Con cháu được đi trên chiếc cầu rộng và đẹp như thế, quê hương cũng nhờ chiếc cầu này mà từng bước thoát dần cái nghèo”, cụ già tên Loan đứng bên mé sông chia sẻ nỗi lòng với khách. Nhưng tận sâu thẳm lời bà, khách nhận ra rằng bà vẫn trăn trở một nỗi buồn tiếc khi bến đò ngang êm đềm trước mặt làng trở thành thứ lỗi thời và trôi vào dĩ vãng. Đã lâu không còn những chuyến đò ngang, và nay người ta qua về trên chiếc cầu mà lòng háo hức. Bến đò ngang đã quen mà nay dường như lạ. Vậy là ngoài cái không khí vui tươi hướng về chiếc cầu mới, khúc sông này còn man mác những nỗi niềm - nỗi niềm của khách sang sông trên bến đò đã lỗi với thời.

Tôi lặng im ngắm chiều buông trên bến đò xưa cũ. Người cậu vóc dáng vững chãi từng gánh trên đôi vai gần cả tạ lương thực, đạn dược băng rừng tiếp tế cho miền Nam năm xưa giờ dáng vẻ đã hao gầy phân nửa. Đôi tay rắn rỏi dang ra đón đứa cháu xa mỗi lần đò cập bến giờ cầm điếu thuốc cũng đã run run. Bên bến đò xưa cậu lặng im. Vẫn nụ cười ấm lòng nhưng gợi lên niềm man mác. Đổi thay-cuộc đời vốn vậy! Cái ngày tôi nằm cuộn tròn trong tấm chăn bông giữa cái nắng hè 37 độ C để đòi mẹ đưa về ngoại giờ đã trở thành miền ký ức. Sau những ngày cầu xây xong, tôi vẫn trở về và dành chút thời gian ngồi bên mé sông. Và những ngày kế đó khi trở lại thị thành với nhiều cây cầu nổi tiếng bắc ngang dòng sông Hàn, tôi vẫn mang trong ký ức cũ mèm của mình hình bóng bến đò năm xưa ở miền quê ngoại.

Bây giờ, dọc triền sông ấy vẫn còn nhiều lắm những con đò. Nhưng đó là con đò đánh cá lạch bạch nổ máy hướng về biển cả lúc chiều dần buông. Lâu lắm nơi đây đã không còn ai ngóng chờ những chuyến đò ngang để sang bên kia bờ. Tôi ngồi bệt bên vệ cỏ với người cậu giờ đã lưng còng tóc bạc, ngắm cảnh sông nước mênh mang, bỗng thấy bến cũ người xưa như vẫn còn đâu đó. Năm tháng đã đẩy đưa những đổi thay nhưng có lẽ ở một miền nào đó trong lòng người đã một lần bước chân sang sông trên chuyến đò của ông lão ấy vẫn thổn thức mãi những nhịp chèo, thổn thức mãi hai tiếng: Đò ơi!

THIÊN LAM

.