Đà Nẵng cuối tuần
Chiến tranh không gian gần hơn bao giờ hết
Trung Quốc, Nga và Mỹ đang phát triển và thử nghiệm nhiều khả năng mới để sẵn sàng cho cuộc chiến tranh trên không gian mặc dù tất cả đều phủ nhận khả năng đó.
Mỹ thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh năm 2008. |
Điểm nóng quân sự đáng lo ngại nhất trên thế giới ở đâu? Eo biển Đài Loan? Bán đảo Triều Tiên? Iran? Israel? Kashmir? Hay Ukraine? Không phải! Điểm nóng đó không được đánh dấu trên bản đồ thế giới nhưng nó rất dễ tìm thấy. Hãy nhìn lên bầu trời. Rất có thể một cuộc chiến tranh sẽ nổ ra trên đó.
Có khoảng 1.300 vệ tinh đang hoạt động trên không trung, cung cấp thông tin liên lạc, định vị GSP, dự báo thời tiết và giám sát các hành tinh. Mỹ là “ông vua vũ trụ” không thể tranh cãi nhưng giờ đây Trung Quốc và Nga đang muốn thách thức Mỹ ở vị trí “ông vua vũ trụ”. Một cuộc chiến tranh không gian đang rất gần hơn bao giờ hết và nó có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh toàn diện khác ở mặt đất.
Điều trần trước Quốc hội hồi đầu năm, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ James Clapper nói rằng Trung Quốc và Nga đang phát triển những khả năng đe dọa vệ tinh Mỹ. Trung Quốc thậm chí còn cho rằng cần thiết phải can thiệp, đe dọa và phá hủy các vệ tinh Mỹ, trong đó có những tên lửa chống vệ tinh của Trung Quốc được thử nghiệm lần đầu vào năm 2007.
Có rất nhiều cách để vô hiệu hóa hoặc phá hủy những vệ tinh. Một tàu vũ trụ dễ dàng tiếp cận một vệ tinh và xịt sơn lên các ống kính quang học của nó, hoặc phá các ăng-ten liên lạc bằng phương pháp thủ công, hoặc làm mất ổn định quỹ đạo. Laser có thể sử dụng tạm thời để vô hiệu hóa hoặc phá hủy các bộ phận vệ tinh một cách vĩnh viễn như bộ cảm biến, sóng radio… Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã chi ngân sách ít nhất 5 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để nâng cao khả năng phòng thủ và tấn công của chương trình không gian quân đội Mỹ. Mỹ cũng nỗ lực đàm phán ngoại giao nhưng mức độ thành công là rất thấp như cuộc thảo luận hồi tháng 7 vừa qua tại Liên Hiệp Quốc.
Chiến tranh không gian là điều không mới khi Mỹ và Liên Xô (cũ) đã chạy đua từ thập niên 50 thế kỷ trước, thậm chí đã thử vũ khí hạt nhân trên không trung trước khi Hiệp ước cấm vũ khí hủy diệt hàng loạt trên không trung của LHQ được thông qua hồi năm 1967. Sau lệnh cấm đó, các vệ tinh trở thành một phần quan trọng của Chiến tranh lạnh khi làm nhiệm vụ cảnh báo sớm việc triển khai vũ khí hạt nhân ở mặt đất. Liên Xô (cũ) phát triển và thử nghiệm “mỏ không gian”, tàu vũ trụ tự nổ có thể tìm kiếm và tiêu diệt các vệ tinh do thám của Mỹ. Thập niên 80 là giai đoạn quân sự hóa không gian lên mức đỉnh điểm khi chính quyền Tổng thống Reagan chi 1 tỷ USD cho sáng kiến phòng thủ chiến lược được đặt tên là Star Wars nhằm phát triển các biện pháp đối phó với tên lửa liên lục địa của Liên Xô.
Tình hình bây giờ phức tạp hơn nhiều khi không gian trở thành điểm nóng của hoạt động khoa học và thương mại với hàng trăm vệ tinh của 60 quốc gia khác nhau. Mặc dù phần lớn mang sứ mệnh hòa bình nhưng mỗi vệ tinh đều mang trên mình một nguy cơ bởi vì không phải ai cũng thực hiện đúng quy tắc. Rác không gian cũng là một mối đe dọa. Trung Quốc bắn tên lửa để tiêu diệt vệ tinh dự báo thời tiết hồi năm 2007 tạo ra khối lượng mảnh vỡ gần 1/6 so với toàn bộ mảnh vỡ radar trên không trung thì năm 2008 Mỹ bắn tên lửa phá hủy vệ tinh quân sự tạo ra lượng mảnh vỡ ít hơn nhưng nguy hiểm hơn vì ở độ cao thấp hơn. Nga cũng đang phát triển khả năng tiếp cận, dò tìm và phá hủy vệ tinh trên quỹ đạo.
Trung Quốc và Nga luôn khẳng định mọi hoạt động của họ trên không trung đều mang tính hòa bình nhưng rõ ràng nỗ lực duy trì vị trí “ông vua vũ trụ” của Mỹ có thể đẩy cuộc chạy đua quân sự hóa không gian càng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Một cuộc chiến tranh toàn diện có thể diễn ra nếu Trung Quốc, Nga và Mỹ không đạt thỏa thuận ngoại giao với nhau về kế hoạch quân sự hóa không gian của nhau.
ANH THƯ (Theo Scientific American)