Đà Nẵng cuối tuần

Năng lượng xanh cho con tàu tự chế

06:58, 16/08/2015 (GMT+7)

Mất gần một năm để thiết kế, chọn lọc các phương án, mới đây một nhóm 6 sinh viên (SV) khoa Cơ khí giao thông, Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng gồm Võ Văn Nhật, Nguyễn Ngọc Đại Trí, Lê Văn Hoàng, Nguyễn Thắng Đại, Nguyễn Việt Tiến và Hồ Văn Tuệ đã chế tạo thành công chiếc tàu du lịch hai thân, hai chỗ ngồi bằng vật liệu composite chạy bằng năng lượng mặt trời, phục vụ du lịch đường sông, ven biển.

Các thành viên tham gia chế tạo bên cạnh sản phẩm của nhóm. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Các thành viên tham gia chế tạo bên cạnh sản phẩm của nhóm. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Tàu có chiều dài 2,1m, rộng 1m, chiều cao mạn 0,4m và chiều cao chìm 0,2m. Với kích thước này con tàu có thể chở được 2 người. Với mẫu thiết kế ban đầu, tàu có thể chạy với vận tốc 16km/h trong vùng hoạt động có chiều cao sóng nhỏ hơn 0,15m và chạy liên tục trong vòng 30 phút với tốc độ trung bình.

Thành quả của sự sáng tạo

Võ Văn Nhật (sinh năm 1991), đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, khi hoạt động hoặc khi để ở bến, tàu sẽ tiếp nhận năng lượng từ ánh sáng mặt trời qua bộ sạc để đưa xuống ắc-quy, cung cấp cho động cơ hoạt động. Tàu được thiết kế có các chế độ tiến, lùi, xoay quanh một trục rất linh hoạt, đặc biệt tàu rất an toàn với độ ổn định cao. Nhóm cũng đã thiết kế, chế tạo hoàn chỉnh con tàu với đầy đủ mọi tính năng và tuân thủ khắt khe theo tiêu chuẩn Việt Nam 6282:2003-Quy phạm kiểm tra và chế tạo các tàu làm bằng chất dẻo cốt sợi thủy tinh của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Để tận dụng được nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, các thành viên trong nhóm đã nghiên cứu và sử dụng bộ sạc Solar để sạc pin, sau đó chuyển thành năng lượng điện vào bình ắc-quy. Nghe thì có vẻ đơn giản,  nhưng để có được sản phẩm hoàn thiện, các thành viên trong nhóm đã phải cố gắng tìm tòi, thử đi thử lại suốt một thời gian dài.

Võ Văn Nhật chia sẻ rất chân thành rằng khi lựa chọn và thực hiện đề tài này, nhóm đã gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về kinh nghiệm. Các thành viên khi đó đều là SV năm 4, năm 5, mới chỉ biết đến cách vận hành của máy móc qua lý thuyết, các bài giảng của thầy cô trên lớp… nên kinh nghiệm là con số không. Cả nhóm phải mày mò từ những bước nhỏ nhất như phân tích thiết kế, xây dựng tuyến hình, hình dáng, hệ thống điện năng lượng mặt trời và quan trọng nhất là phải tính toán được tính an toàn của sản phẩm.

“Trong quá trình chế tạo, do khi học, đa số chỉ chuyên về lý thuyết nên khi bắt tay vào làm mới thấy từ lý thuyết đến thực tế là cả một khoảng cách. Cả nhóm thất bại rất nhiều lần khi chế tạo vỏ tàu, nhưng ai cũng quyết tâm cao nên sau những lần thất bại như thế, nhóm đã rút kinh nghiệm và chế tạo thành công sản phẩm ưng ý nhất. Bên cạnh đó, kinh phí thực hiện cũng cả một rào cản lớn. Rất may là nhóm được Công ty Solar Vũ Phong tại Bình Dương sau khi nghe thuyết trình về đề tài của nhóm đã tài trợ hệ thống năng lượng mặt trời, giúp nhóm phần nào về bài toán kinh phí” - Nhật nói.

Hy vọng đưa được sản phẩm ra thị trường

Khi chế tạo, đa phần những lần chạy thử của tàu đều được thực hiện ở chiếc hồ nhỏ trong khuôn viên Trường ĐH Bách khoa. Trước khi hoàn thiện sản phẩm này, nhóm đã dành rất nhiều thời gian đi khảo sát ở ven sông Hàn, ven biển để tính toán tính ứng dụng cho hợp lý. Nhật cho biết thêm, do sử dụng hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời nên sản phẩm có tính ứng dụng cao, phù hợp với điều kiện ở Đà Nẵng cũng như miền Trung nơi có nhiệt lượng lớn, lại thân thiện với môi trường và tiện lợi với du lịch đường sông.

Thầy Nguyễn Tiến Thừa, giảng viên khoa Cơ khí giao thông, Trường ĐH Bách khoa, người trực tiếp hướng dẫn nhóm sinh viên chế tạo tàu du lịch, cho biết sản phẩm của các em chạy êm, không gây tiếng ồn, hoạt động bằng năng lượng mặt trời nên không gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nhiên liệu một cách tối đa. Nếu được ứng dụng, sản phẩm này sẽ giải quyết được vấn đề và đa dạng hóa du lịch ven sông, biển, góp phần phát triển du lịch bền vững.

Với mô hình mẫu thiết kế này, sản phẩm nhóm SV khoa Cơ khí đã giành được giải nhất tại Hội thi sáng tạo khoa học cấp trường. Tuy nhiên, để những nghiên cứu này ứng dụng vào thực tế, Võ Văn Nhật và các thành viên trong nhóm rất mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức, đơn vị để tiếp tục nghiên cứu phát triển sản phẩm; góp phần đa dạng hóa du lịch đường sông bằng năng lượng xanh cũng như bảo vệ môi trường.

NHẬT HẠ

.