Đà Nẵng cuối tuần
Ngôi trường đầu tiên đạt chuẩn mức 2
Ở Đà Nẵng, nếu Đức Trí là trường mầm non (MN) tư thục đầu tiên trên cả nước được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức 1 từ năm 2003 thì Hồng Nhung là trường MN tư thục đầu tiên trên cả nước được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức 2 vào năm 2010.
Cô và trò Trường mầm non Hồng Nhung. (Ảnh do nhà trường cung cấp) |
Nói thì dễ thế, nhưng quá trình phấn đấu để đạt được “danh hiệu” này không dễ chút nào. Thành lập từ ngày 1-6-1997, Trường MN Hồng Nhung (quận Thanh Khê) cũng như hầu hết các trường MN tư thục khác, không tránh khỏi những khó khăn ban đầu về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong đó, khó khăn lớn nhất trong phát triển trường vẫn là mặt bằng. Lúc đó, nhà trường không thể mong đợi gì ở phụ huynh bởi phần lớn họ là gia đình lao động, buôn bán nhỏ ở khu dân cư bàu Thạc Gián.
Giữa cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực, Hồng Nhung chọn cả hai để phát triển trường. Bởi, nếu có cơ sở vật chất tốt mà không có đội ngũ xứng tầm để thực hiện các phương tiện giáo dục một cách có hiệu quả thì chắc chắn sẽ không có sản phẩm giáo dục có chất lượng.
Những năm đầu sau khi Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, việc giảng dạy Tin học đối với các trường MN trên địa bàn thành phố chưa phải là một tiêu chí mà chỉ mới là sự khuyến khích, động viên của ngành GD&ĐT. Năm 1998, Hồng Nhung là một trong những trường MN ở Đà Nẵng sớm tận dụng những lợi thế của công nghệ thông tin để tạo nên sự hứng thú “học mà chơi, chơi mà học” cho các cháu.
Cô và cháu gọi phòng vi tính là “ngôi nhà khoa học”, bởi nơi đây đã cung cấp kiến thức cho cả cháu lẫn cô. “Ngôi nhà” này đã góp phần giúp nhà trường đoạt hai giải nhất tại Hội thi CNTT ngành GD&ĐT thành phố năm học 2008-2009 với sản phẩm “Xây dựng đĩa CD ngân hàng dữ liệu điện tử phục vụ dạy học và quản lý” và “Bài giảng điện tử”. “Ngôi nhà” đã góp phần đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục, giúp nhà trường đạt chuẩn quốc gia mức 1 năm 2005 và 5 năm sau là trường mầm non tư thục đầu tiên trên cả nước đạt chuẩn quốc gia mức 2.
Cô hiệu trưởng Vương Thị Nguyệt cho biết, trong lộ trình phấn đấu đạt chuẩn quốc gia với mặt bằng 3.100m2, diện tích sử dụng 8.850m2 như hiện nay, phải huy động mọi nguồn lực trong gia đình để mua từng ngôi nhà nhỏ của dân ở xung quanh với giá cao rồi ghép lại qua ba lần xây dựng. Nội thành tấc đất tấc vàng, sử dụng mục đích gì cũng phải đắn đo, thế nhưng nhà trường đã “dũng cảm” rứt ra 145m2 làm hồ bơi và 780m2 làm sân chơi cho trẻ, chưa kể 3 sân chơi trên lầu mỗi sân rộng hơn 200m2. Trường hiện có 22 phòng học và 20 phòng chức năng, tất cả đều được trang bị hệ thống camera, máy điều hòa, các thiết bị phục vụ dạy và học đạt tiêu chuẩn để phục vụ tốt hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ toàn diện. Thiết nghĩ, đó là một trong những cái “giá” để nhà trường đạt chuẩn quốc gia.
Cô hiệu trưởng Vương Thị Nguyệt nhận xét, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên có phẩm chất đạo đức, yêu nghề, mến trẻ. Toàn bộ giáo viên đều đạt trình độ trên chuẩn, ngoài nghiệp vụ chuyên môn sư phạm MN, còn có trình độ cơ bản âm nhạc, ngoại ngữ, tin học, biết ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học cũng như quản lý trường học, đủ năng lực để tổ chức mọi hoạt động giáo dục trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện.
LÊ GIA LỘC