Đà Nẵng cuối tuần

Hương đồng gió nội đừng vội bay đi

07:32, 01/08/2015 (GMT+7)

Khi đã quá “no nê” với cảnh quan đô thị hiện đại, du khách ngày càng tìm đến những nét nguyên sơ sau lũy tre làng.

Nhà thờ Tiền hiền Phong Lệ, một trong những nơi còn giữ lại hàng cau ở làng Phong Nam.
Nhà thờ Tiền hiền Phong Lệ, một trong những nơi còn giữ lại hàng cau ở làng Phong Nam.

Quê xưa, nhà cổ

“Anh về cuốc đất trồng cau/ Cho em trồng ké dây trầu một bên/ Mai sau trăm họ lớn lên/ Cau kia ra trái làm nên cửa nhà”. Ông Ngô Văn Nghĩa, nguyên Bí thư thôn Phong Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang), đọc lại câu ca xưa trong lúc đưa khách ra xem hàng cau trước nhà mình. Gần 10 năm trước, trong một lần tác nghiệp ở làng quê cổ nhất Đà Nẵng này, tôi được ông cho hay lúc đó làng có 483 hộ thì đã có trên 400 hộ trồng cau ta trong vườn để lưu giữ nét đẹp nông thôn truyền thống.

Riêng ông trồng gần 20 cây cau ta. Gọi cau ta để phân biệt cau Thái Lan, cau Nhật…, mấy loại cau ngoại này chỉ làm đẹp sân vườn thôi chứ không mang lại hiệu quả kinh tế. Cau ta mới chính là sản vật của đất trời dành riêng cho các hoạt động văn hóa tâm linh truyền thống của người Việt như việc cưới hỏi.

Người viết từng chứng kiến cảnh du khách nước ngoài say sưa ngắm nhìn đàn bướm chập chờn bên giàn mướp hoa vàng hay làm dáng bên tường rào chè tàu để ghi hình kỷ niệm… Thế nhưng, cảnh cũ giờ đã đổi thay và người xưa cũng đã thay đổi trong cách nghĩ suy. 1,4km đường làng - tính từ nơi giáp quốc lộ 1A đến nơi giáp đường ĐT 605 - giờ đã bê-tông hóa; rộng rãi, khang trang, nhưng đã ít nhiều làm mất đi nét xưa làng cổ. Những tường rào cổng ngõ hiện đại đã đánh mất hàng chè tàu với dây tơ hồng giăng mắc tình quê hay những hàng cau đậm nét chân quê. Những ngôi nhà cao tầng đã đặt dấu chấm hết cho nhiều ngôi nhà cổ ba gian hai chái.

Ông Nghĩa còn giữ tờ báo ngành Du lịch hơn 20 năm trước có đăng tấm ảnh khách nước ngoài đi dưới bóng râm đường làng có hai hàng tre châu đầu vào nhau, khi Công ty Đông Á Chi nhánh Đà Nẵng mở tuyến du lịch làng quê đầu tiên đến Phong Nam với 180 khách trên tàu Seaborn Spirit. Một năm sau, tàu Queen Elizabeth 2 cập bến Đà Nẵng với 1.600 khách thì gần một nửa đã được công ty đưa về tham quan Phong Nam.  

Nếu làng Phong Nam độc đáo với nét quê xưa thì làng Thái Lai (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) hút khách với nhà cổ Tích Thiện Đường - một trong những điểm đến từng được Sở VH-TT&DL thành phố giới thiệu trong hội thảo về du lịch đường sông tổ chức 7 năm trước. Sau hội thảo, khách sạn Green Plaza là đơn vị đầu tiên đưa khách lên thăm Tích Thiện Đường bằng ca-nô, tham quan nội thất, dạo quanh vườn cây. Họ chú mục vào những gàu gánh nước, cối xay bột, cối giã gạo, chum sành đựng nước... tất cả bày bên hiên nhà, gợi chút chân quê vào không gian cổ kính...

Thời hoàng kim về du lịch của làng cổ Phong Nam và nhà cổ Thái Lai buộc những nhà hoạch định du lịch ở Đà Nẵng phải nghiên cứu khi đề ra những đề án cụ thể. Năm 2010, Đề án Phát triển các tuyến du lịch đường sông - Du lịch sinh thái làng quê (do Sở VH-TT&DL Đà Nẵng xây dựng) đã đưa làng Phong Nam cùng với làng cổ Thái Lai (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), làng Kỳ La (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) vào kế hoạch phát triển và kết nối với nhiều điểm đến khác để hình thành các tuyến du lịch về ngoại thành bằng đường sông.

Cả làng Phong Nam, chỉ mỗi vườn nhà ông Ngô Văn Nghĩa còn hàng rào chè tàu.
Cả làng Phong Nam, chỉ mỗi vườn nhà ông Ngô Văn Nghĩa còn hàng rào chè tàu.

Giữ nguyên quê mùa

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng Trần Chí Cường cho hay du lịch đường sông đang được tập trung triển khai nhằm khai thác tiềm năng, đa dạng hóa sản phẩm thu hút khách du lịch đến với thành phố. Bên cạnh việc tổ chức loại hình tham quan thành phố từ dưới sông thì một trong những yếu tố quan trọng để phát triển tour tuyến du lịch đường sông đó chính là đầu tư xây dựng điểm đến.

Qua quá trình đi khảo sát các địa điểm có gắn kết với hệ thống đường sông của thành phố, ông Cường cho biết thêm, sở nhận thấy làng Phong Nam, làng Thái Lai và làng Kỳ La (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) là những làng còn nhiều nét đẹp yên bình của làng quê, có bề dày văn hóa lịch sử với những ngôi nhà cổ, đình làng mang dáng dấp xưa. Trong đó, đình Thần Nông (làng Phong Nam) thờ vị thần nông nghiệp của nước Việt được xem là công trình còn giữ được vẻ cổ kính và độc đáo nhất, bởi đây là nơi diễn ra Lễ hội Mục đồng hằng năm.

Người dân những ngôi làng này cũng có ý thức cao trong việc gìn giữ nét cũ và mong muốn được cùng chính quyền đưa hình ảnh làng quê mình đến với bạn bè trong và ngoài nước. Ông Ngô Văn Nghĩa mong ước đề án phát triển du lịch sớm được triển khai để làng Phong Nam được “giữ nguyên quê mùa”. Ông Đỗ Hữu Minh, chủ nhân nhà cổ Tích Thiện Đường đang tích cực hoàn thiện các hạng mục vệ tinh quanh ngôi nhà gần 200 năm của gia đình mình để “đón đầu” đề án phát triển du lịch. Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang Nguyễn Thúc Dũng cho hay, sắp tới sẽ tập trung khảo sát, xây dựng Dự án phát triển du lịch sinh thái làng quê Thái Lai.

Ông Đỗ Hữu Minh và bộ sưu tập các loại cối xay đá trong vườn nhà cổ Tích Thiện Đường. Ảnh: V.T.L
Ông Đỗ Hữu Minh và bộ sưu tập các loại cối xay đá trong vườn nhà cổ Tích Thiện Đường. Ảnh: V.T.L

5 năm qua, Đề án Phát triển các tuyến du lịch đường sông - Du lịch sinh thái làng quê chịu nhiều tác động của các yếu tố khách quan và  chủ quan. Đến nay qua quá trình đi khảo sát, làm việc trực tiếp với các địa phương để đầu tư xây dựng điểm đến, sở đã lên kế hoạch để trùng tu xây dựng các nhà cổ và phục dựng Lễ hội Mục đồng tại Phong Nam, đầu tư xây dựng làng Cẩm Nê (xã Hòa Tiến), đồng thời quy hoạch đầu tư trùng tu xây dựng đình làng Lỗ Giáng (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) với quy mô lớn. Đặc biệt, khu đô thị sinh thái Hòa Xuân khi hình thành và đưa vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch sinh thái của Đà Nẵng trên cơ sở quy hoạch đầu tư quy mô lớn, thu hút khách du lịch.

Tuy nhiên qua quá trình triển khai, đề án vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề triển khai do quá trình đô thị hóa nhanh, việc bê-tông hóa khiến cho việc giữ lại nét xưa của các ngôi làng rất khó. Thêm vào đó, do thanh niên ở các vùng quê không mặn mà với các nghề truyền thống nên vấn đề giữ gìn và phát triển các làng nghề đưa vào phục vụ khách rất khó khăn, chỉ còn lác đác một số ít hộ duy trì nghề. Trước thực trạng này, sở đang nghiên cứu theo hướng có thể tạo các cụm làng nghề như đan lát (Cẩm Nê), dệt chiếu (Yến Nê)… tại làng Phong Nam để hình thành chung cụm làng quê - làng nghề.

“Thành phố xác định việc đầu tư để xây dựng sản phẩm làng quê trong một thành phố hiện đại là hết sức cần thiết. Do đó, sở cũng đang cố gắng tiếp tục khảo sát nắm tình hình thực tế để kiến nghị UBND thành phố đầu tư xây dựng nhằm sớm đưa các sản phẩm du lịch này vào phục vụ du khách”, ông Trần Chí Cường cho biết.

Khi đã quá “no nê” với cảnh quan đô thị hiện đại, du khách ngày càng tìm đến những nét nguyên sơ sau lũy tre làng. Xin hãy “giữ nguyên quê mùa”, đừng làm cho “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Bởi phố thị dễ xây nhưng làng quê thì khó dựng.

Qua việc theo dõi thị trường khách quốc tế có thể thấy tâm lý của du khách đến từ các nước châu Âu như: Anh, Pháp, Đức, Mỹ... các nước châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc... đều muốn khám phá những làng quê yên bình và giữ gìn được những nét văn hóa độc đáo. Chính vì vậy, trong đề án phát triển các tuyến du lịch đường sông gắn với sinh thái làng quê, chúng tôi đã chọn 3 điểm đến là làng Phong Nam, làng Thái Lai, làng Kỳ La để đầu tư và kết nối tour tuyến, đưa vào phục vụ khách du lịch.

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng Trần Chí Cường

VĂN THÀNH LÊ

.