Đà Nẵng cuối tuần

Lễ hạ thủy tàu thuyền: Một mảnh văn hóa biển Chăm

07:45, 01/08/2015 (GMT+7)

Cư dân Chăm xưa sống dọc bờ biển miền Trung Việt Nam ngày nay, qua đó họ đã dựng nên nền văn hóa biển đa dạng và vô cùng độc đáo.

Mưdwơn Bá Đến (trái) và tác giả. Ảnh: KIỀU MAI LY
Mưdwơn Bá Đến (trái) và tác giả. Ảnh: KIỀU MAI LY

Từ giếng vuông Chăm đến mắm Chăm, từ Ghur (nghĩa trang) Chăm Bà-ni cho đến tục thờ Cá Ông, văn hóa biển dân tộc Chăm còn có mặt sâu đậm trong văn học dân gian lẫn văn học viết, ngay trong lời ăn tiếng nói thường nhật của quần chúng, dấu vết văn học biển tồn tại mồn một.

Than vãn, nếu người Việt kêu: trời đất ơi, thì người Chăm: trời biển ơi (Lingik tathik lơy). Người Việt nhìn lên thấy trời, cúi xuống thấy đất; Chăm thì khác, dưới chân họ là mênh mông biển nước. Chăm có làm ruộng (đất), nhưng đó là cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp bốn mùa hanh gió. Tổ tiên Chăm xưa chủ yếu sống bằng nghề biển, nhờ biển và với biển. Họ kêu trời kêu biển (Ew lingik ew tathik) chứ không phải “la trời la đất” như người Việt. Cũng vậy, người Chăm nói “tối trời tối biển” (Xup lingik xup tathik) khác với người Việt là: [Mưa] tối mù trời đất.

Hẹn giờ giấc lên rừng lấy củi cũng nói: Tuk ia tathik đik - Lúc thủy triều lên (khoảng 1 giờ sáng). Để chỉ kẻ “nói thánh nói tướng”, người Chăm vận đến “biển” với thành ngữ Đom ngauk lingik ngauk tathik - Nói trên trời dưới biển. Gặp thế bí hay đường cùng, họ cũng lấy “biển” ra mà ví: Wơr glai yuw ralai di krưh tathik – Quẫn trí cùng đường như thân ralai giữa biển khơi. Nghĩa là biển tràn ngập đời sống, văn chương và ngôn ngữ Chăm.

Cho nên không lạ, khi người Chăm nổi tiếng về nghề biển và nghề đóng tàu thuyền. Đi biển, người Chăm chế tạo nhiều phương tiện với kích thước và hình dáng khác nhau. Thông dụng là thuyền (gilai), nhỏ hơn là ghe (gaiy). Gắn với thuyền có “bè” (rakik) như là phương tiện phụ để vận chuyển từ thuyền này sang thuyền khác, hay từ thuyền về đất liền. Thuyền cũng có loại thuyền độc mộc mà người Chăm gọi là pluk, và thuyền thúng (janưk patih). Phương tiện lớn hơn là tàu (kapal) hay loại tàu lớn (ahauk, gilai ahauk) có khả năng viễn dương.

Ppo Tang Ahauk - một biểu tượng sức mạnh của thủy chiến vương quốc Champa xưa đã sử dụng loại tàu này. Tàu ông dài 37 sải, tương đương  60 mét - con số tượng trưng với không ít phóng đại, dẫu sao nó cho ta hình dung ông đang điều khiển con tàu rất lớn ở thời điểm đó của lịch sử. Con tàu chứa cả đoàn người cùng bao nhu yếu đáp ứng đầy đủ sinh hoạt của con người. Nó lớn đến mức không thể ghé đất liền mà chỉ tạt qua cù lao để lấy củi, nước ngọt. Tác giả Damnưy không cho ta biết tên cù lao, nhưng người đọc vẫn có thể tưởng tượng đó có thể là Cù lao Chàm hay ít ra cũng là đảo Phú Quý của hôm nay.

Dĩ nhiên đi biển, điều không thể thiếu lễ hạ thủy tàu thuyền mới với những lễ vật và bài phù chú rất đặc trưng Chăm.

Người Chăm đa thần, và sống quan hệ mật thiết với biển, cho nên trong đời sống tâm linh họ thờ Thần Sóng (Po Riyak), Thần Biển (Yang Tathik) là điều không lạ. Những lúc lên rừng xuống biển (Trun tathik đik glai) gặp bao bất trắc hiểm nguy, người Chăm luôn cậy đến Thần Biển phò trợ độ trì. Chú ý, Thần Biển chứ không phải Thổ Thần, cho dù đây cũng là vị thần có vị thế đáng kể trong đời sống tâm linh Chăm, nhưng chính Thần Biển mới đóng vai trò quan trọng.

Ở Ninh Thuận hiện vẫn tồn tại các thầy cúng chuyên hành nghề này.

Ông Bá Đến 66 tuổi, làng Phước Nhơn, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, gia đình truyền thống cấp Mưdwơn, là Thầy Vỗ (chủ lễ Rija). Ông được các ngư dân Việt từ Bình Định, Vũng Tàu mời đến làm lễ hạ thủy tàu thuyền (Patrun gilai). Lạ, đại đa số ngư dân Việt tin các ông thầy Chăm đọc kinh lễ tẩy trần, mới linh.

Lễ hạ thủy tàu thuyền có hai dạng: thuyền cũ cho mùa mới, hay thuyền hoàn toàn mới để lần đầu tiên ra khơi. Dạng thứ nhất, lễ vật có một con gà nướng, một chén xôi, một chén chè, 2 trứng gà luộc, bánh 5 miếng, trầu têm 5 miếng. Ở dạng thuyền mới, lễ vật cần thêm: lưới, thúng thóc; trên thúng thóc là cây nến với nải chuối.

Con thuyền được đặt trên cạn trước mặt sóng biển mênh mông, ông thầy đứng ngay đầu thuyền hành lễ. Tuần tự: ông trình về bản thân (Akhan ka drei); sau đó làm lễ Mời Thần (Da-a Yang), từ thần Tháp cho đến 37 vị Thánh, có cả Thần người Việt; cuối cùng là Đọc kinh Lễ (Ricauw) với Thần chú Tẩy uế (Mưrôy). Có 7 Kinh lễ cả thảy. Đây là trích đoạn:

Kuw nau bitơl haluw janưk kuw ricauw kuw patalơh
Kuw apah di kauk gilai blauh kuw tanra di atara
Kuw patalơh di ngauk adơrha ala tanưh riya
Kuw patalơh di patuw di kayuw
Kuw patalơh di glai pamưtai rimaung
Kuw patalơh di kraung pamưtai pataw ikan
Kuw patalơh di tơng pamưtai biya
Kuw Po jallidi…

Ta đi đến tận đáy sân si ta lễ tẩy trần mọi uế tạp
Ta vỗ lên đầu thuyền ta gạt ngang khoảng không gian
Ta tẩy rửa mọi uế tạp trên trời dưới đất
Ta tẩy rửa trên đá tảng trên cây lá
Ta tẩy rửa trên rừng ngàn hạ thủ chúa sơn lâm
Ta tẩy rửa dưới sông rộng
giết chết kình ngư
Ta tẩy rửa trong vịnh sâu đuổi tiệt loài sấu
Chúa tể đại dương là ta…

Ta đã là chúa tể Đại dương, ta tự tin và dũng mãnh lên thuyền đi ra biển lớn.

INRASARA

.