Đà Nẵng cuối tuần
Người 7 lần đỗ tú tài
Ông Lâm Hữu Chánh, người xã Cẩm Toại, tổng An Châu Thượng – nay thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang – là người kiên trì nhất trong thi cử ở Đà Nẵng với… 7 lần đỗ tú tài.
Đình Cẩm Toại ở quê hương của tú tài Lâm Hữu Chánh. Ảnh: L.G.L |
Nói về khoa bảng huyện Hòa Vang, tính từ khoa Canh Ngọ (1810) niên hiệu Gia Long thứ chín đến khoa Quý Mão (1903) niên hiệu Thành Thái thứ mười lăm, có một tiến sĩ, 15 cử nhân và 52 tú tài. Riêng tú tài có nhiều người đỗ hai lần trở lên; đặc biệt có ông Lâm Hữu Chánh (1818 - 1870), người xã Cẩm Toại, tổng An Châu Thượng, đỗ tú tài lần đầu vào khoa Canh Tý (1840), niên hiệu Minh Mạng thứ hai mươi mốt. Qua nhiều khoa thi Hương trải qua các triều từ Thiệu Trị đến Tự Đức, ông đỗ tiếp thêm... 6 lần tú tài nữa.
Sau khi đỗ tú tài lần cuối cùng, ông được tiến sĩ Phạm Phú Thứ (người làng Đông Bàn, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn; nay thuộc thôn Nam Hà 1, xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) tiến cử với vua Tự Đức bằng những lời hết sức tốt đẹp: “Là người lấy sự nghĩa thì làm ngay, khả kham những chức phòng bị các phủ huyện tối yếu”. Nghe những lời tốt đẹp của đồng hương Quảng Nam nói về nhau, vua Tự Đức bổ Lâm Hữu Chánh làm Tri huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
Tổng An Châu Thượng nói chung, xã Cẩm Toại nói riêng, thời Nho học, có nhiều người tiến thân bằng con đường khoa bảng, làm rạng rỡ dòng họ mình như Lâm Hữu Chánh, Lâm Quang Tự, Lâm Hữu Mẫn, Đặng Công Quang, Đặng Bá Mai… và nhiều người trong các dòng họ khác. Khi Nho học cáo chung, những người có tâm huyết tự mình tìm đến các trung tâm văn hóa lớn học chữ quốc ngữ rồi quay lại quê nhà mở trường dạy chữ quốc ngữ để tránh cái dốt cho con em mình.
Tộc Lâm làng Cẩm Toại sản sinh nhiều nhân vật không chỉ nổi tiếng về đường khoa bảng mà còn đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Lâm Văn Tín đỗ cử nhân võ làm Hành tẩu Vệ kim ngô, từng chiến đấu giữ thành Đà Nẵng năm 1858. Lâm Hữu Đôn và Lâm Hữu Mẫn làm Bang tá Nghĩa hội huyện Hòa Vang và tỉnh Quảng Nam. Lâm Nhĩ (1865 - 1918) tham gia Nghĩa hội, phong trào Duy Tân, kháng thuế và cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân năm 1916, hy sinh ở Lao Bảo năm 1918…
Năm 1858, khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha tiến đánh Đà Nẵng, vùng đất phía Tây núi Phước Tường là điểm đầu của trường lũy kéo dài đến tận sông Hàn trong chiến lược phòng vệ chống ngoại xâm của Tổng thống quân thứ Nguyễn Tri Phương. Cuộc chiến không cân sức này đã ghi tên các nhân vật Hòa Vang vào lịch sử dân tộc như Đỗ Thúc Tịnh, Ông Ích Khiêm, Lâm Hữu Chánh... Ông Chánh từng đứng ra huy động người dân các làng dọc hai bên sông Túy Loan thành lập đội quân nghĩa dũng kéo xuống Đà Nẵng tham gia đánh Pháp. Ông được phân công trấn giữ đồn Cẩm Khê trên núi Phước Tường.
Trong bài viết “Những đội quân nghĩa dũng” đăng trên Tuổi Trẻ số ra ngày 31-8-2008, tác giả Đăng Nam dẫn lời ông Lâm Quang Minh – người gọi ông Lâm Hữu Chánh là cố nội – kể về những chuyện được ghi trong gia phả họ Lâm lưu lại cho hậu thế, trong đó có chuyện ông Lâm Hữu Chánh lập mưu chống Pháp.
Theo đó, trong một lần tìm kế ngăn chặn tàu Pháp ngược sông Hàn và sông Nại Hiên, quản cơ Lâm Hữu Chánh đã nghĩ ra cách ngăn sông ở thượng nguồn để hạ bớt mực nước phía hạ lưu, như thế “tàu ghe của ta vẫn đi được nhưng tàu chiến của Pháp thì không”. Kế sách này được chấp thuận, lập tức ông đốc thúc binh sĩ đóng thùng gỗ và đan sọt tre chứa đất thả xuống ngăn một phần nước hai sông Yên và Lạc Thành. Đúng như dự tính, mực nước tại cửa Hàn hạ thấp hẳn khiến chiến hạm của liên quân Pháp - Tây Ban Nha chỉ còn cách đứng từ xa mà nhìn, loay hoay mãi vẫn không vào sâu theo cửa Hàn được.
Sau hơn 5 tháng bị cầm chân tại bán đảo Sơn Trà, tháng 2-1859, quân Pháp quyết định rời Đà Nẵng vào đánh chiếm Gia Định. Tú tài Lâm Hữu Chánh cùng nhiều nghĩa quân lập tức theo tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh (đồng hương Hòa Vang với ông, người làng La Châu) vào Nam Kỳ tiếp tục chống Pháp.
Năm Ất Sửu (1865), quá uất ức lại gặp gia cảnh có tang mẹ nên ông Tú Lâm quyết định từ quan về quê, 5 năm sau thì qua đời ở tuổi 53. Theo lời người cháu 4 đời Lâm Quang Minh thì mộ của ông hiện được cư táng ở xứ Cồn Biền, Túy Loan Bắc, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang.
Người dân Hòa Vang nói chung, xã Hòa Phong nói riêng, mỗi khi nói về khoa bảng thời nhà Nguyễn là không quên nhắc đến Lâm Hữu Chánh, người đoạt “kỷ lục” 7 lần đỗ tú tài ở đất Đà Nẵng, xếp sau nhà thơ trào phúng đất Nam Định Trần Tế Xương (8 lần đỗ tú tài).
LÊ GIA LỘC