Đà Nẵng cuối tuần

Không nguội lửa đam mê

07:56, 27/09/2015 (GMT+7)

Thôn 5, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang được thiên nhiên ban tặng bầu khí trời mát mẻ, dễ chịu do địa hình đồi núi, nhiều cây cối.

Có lẽ đó cũng là lý do tại sao nơi đây có nhiều hộ dân sinh sống bằng nghề chăn nuôi gia cầm, gia súc. Anh trưởng thôn Nguyễn Hữu Nhân dẫn tôi đến thăm một trang trại thỏ của một người chủ trẻ đặc biệt.

Bỏ phố, về quê nuôi thỏ

Trại thỏ Quốc Cường vốn có tiếng ở nhiều tỉnh miền Trung. Nhưng không phải ai cũng biết rằng chủ nhân của nó, anh Dương Văn Chính, đã gầy dựng nên trang trại này lúc đang là một chàng kỹ sư cơ khí chưa đầy 30 tuổi.

Sinh năm 1980, anh Chính tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) và trở thành kỹ sư cơ khí vào năm 2003. Sau 6 năm làm việc ở một doanh nghiệp ngay tại thành phố Đà Nẵng, anh dần dần đi từ nhân viên, lên đến vị trí trưởng phòng kiêm Chủ tịch Công đoàn. Lấy vợ, xây nhà, thu nhập ổn định, nhưng trong lòng người kỹ sư lúc ấy vẫn nung nấu khát khao được làm giàu ngay trên quê hương mình. Sau một thời gian tìm hiểu về các loại vật nuôi, năm 2009, anh quyết định lên Hòa Ninh, quê vợ để gầy dựng trại thỏ Quốc Cường.

Chưa từng nuôi thỏ, cũng chưa từng qua một trường lớp đào tạo nào về nghề này, thời gian đầu, anh Chính chỉ tự tìm hiểu tài liệu, thông tin trên mạng rồi mày mò làm theo. Với khoảng 100 triệu tiền vốn, anh xây một khu chuồng trại có diện tích gần 200m2 ở thôn 5, xã Hòa Ninh. Anh tâm sự, bây giờ nhìn lại mới thấy, trên mạng thông tin nhiều thì nhiều thật, nhưng chẳng phải cái nào cũng đúng, làm mình như bị rơi vào ma trận. Năm đầu tiên trại thỏ Quốc Cường hoạt động, đàn thỏ chết rất nhiều vì lạnh, bệnh tật,… Không nản lòng, anh vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng niềm đam mê công việc.

Sau thất bại năm ấy, anh Chính tìm đến Trung tâm nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây (Hà Nội) để học về kỹ thuật nuôi thỏ. Trở về vùng đất Hòa Ninh với 50 cặp thỏ giống, anh mày mò gầy dựng lại từ đầu. Anh đùa vui, lần này không phải Internet nói gì cũng tin nữa,  anh làm từ từ để rút kinh nghiệm dần. Có nhiều cái anh cải tiến lại, như việc làm chuồng với quy chuẩn 1m anh thấy không hợp với thực tế lắm, nên rút lại còn 80cm. Nhưng để rút ra được điều đó, anh cũng phải trải qua một lần làm chuồng hao phí, sau này thành bài học “mồ hôi nước mắt”.

Lòng kiên trì được đền đáp

Vận bộ đồ lao động, mướt mồ hôi trộn xi-măng sửa sang chuồng trại, anh tạm ngưng tay trò chuyện về trại thỏ. Từ 100 con thỏ giống ban đầu, sau 6 năm hoạt động, trại thỏ  đã có gần 2.000 con thỏ thịt và thỏ giống. Anh không chỉ cung cấp nguồn hàng cho địa phương, mà còn cho cả địa bàn trải dài từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Đến giữa tháng 10 năm nay, anh sẽ mở rộng chuồng trại của mình thêm 100m2 nữa tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang.

Sau 3 năm tích cóp kiến thức, kinh nghiệm, năm 2009, anh Chính in tập tài liệu 30 trang có tên “Kỹ thuật nuôi thỏ theo kinh nghiệm thực tế”, rồi đem tặng cho bà con đến mua giống. Anh bảo, vì mình từng trải qua những lần bị thông tin tràn lan trên mạng làm cho điêu đứng rồi, nên giờ muốn đúc kết chính kinh nghiệm thực tế của bản thân để chia sẻ cho những người mới vào nghề. Đầu năm 2014, anh Chính được mời tham dự và phát biểu tại hội thảo tôn vinh nhân tài bảo tồn phát huy bản sắc tốt đẹp do Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực tổ chức.

Nhiều người trẻ sau khi tốt nghiệp đại học sẽ phải đứng trước rất nhiều ngả rẽ lập nghiệp. Có lẽ, không phải ai cũng có đủ can đảm để lựa chọn cho mình một ngả rẽ “đầy trắc trở” như anh Dương Văn Chính. Bỏ việc, về quê chăn nuôi, có lẽ chỉ có nhờ chính trí óc, đôi bàn tay say mê lao động và nghị lực không khi nào nguội lửa mà người thanh niên ấy mới có được trại thỏ Quốc Cường như ngày hôm nay.

KHANG NINH

.