Đà Nẵng cuối tuần
Mạc Tư Khoa - ấn tượng những chuyến đi
Tháng 8 năm 1988, đồng chí Nguyễn Văn Chi, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng cùng các đồng chí Võ Trần Chí, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Bá, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh; đồng chí Phạm Đình Dy, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tuyên được Ban Bí thư quyết định tham gia vào Đoàn nghiên cứu, tham khảo, học tập quá trình cải tổ của Liên Xô. Tháng 8 năm 1995, Ban Bí thư tiếp tục cử ông tham dự Đại hội liên minh các Đảng Cộng sản – Đảng Cộng sản Liên Xô.
Từ thực tế các chuyến đi, đồng chí Nguyễn Văn Chi đã có những đúc kết và nhìn nhận về công cuộc cải tổ Liên bang Xô viết. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Đoàn được giao nhiệm vụ phải tìm hiểu kỹ về công tác xây dựng Đảng, về việc xây dựng nông trang, nông trường trong việc phát triển nông nghiệp của Liên Xô lúc bấy giờ.
Đi sâu nghiên cứu ở nông trang, chúng tôi nhận thấy một số đảng viên không muốn sinh hoạt Đảng. Trong sinh hoạt Đảng, họ thấy không hấp dẫn mà thấy khô khan, nội dung thì nghèo nàn, lại hay phê bình nặng nề, nhất là đối với những đảng viên uống rượu say xỉn, có vợ hai, hoặc có vợ mà còn có bồ nhí. Số đảng viên bỏ sinh hoạt hoặc xin ra khỏi Đảng, tuy không nhiều nhưng nơi nào cũng có.
Xã hội phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ nét. Một số bí thư huyện ủy ở nông thôn, bí thư quận ủy ở thành thị trở lên giàu có, hình thành những nhà tư sản trong lòng xã hội chủ nghĩa. Họ thấy chế độ xã hội chủ nghĩa không thể bảo vệ khối tài sản lớn của họ, nên trong thâm tâm họ chẳng muốn chế độ xã hội chủ nghĩa tồn tại. Các giai tầng khác như giáo viên, bác sĩ, y sĩ, hưu trí, công nhân, người lao động, v.v... có cuộc sống tất bật, thiếu thốn và khó khăn thì có nhiều tâm tư, tâm trạng chán ngán, bất mãn.
Chiều chiều, tối tối ở dưới các hầm nhà, trong thành phố cũng như ngoài nông thôn họ cũng tổ chức hát karaoke, xông hơi, mát-xa rồi uống rượu say xỉn suốt cả đêm. Nhưng Gorbachev lại ra lệnh cấm nếu ai uống rượu nơi làm việc, nơi công cộng sẽ bị truy tố; vấn đề cấm uống rượu rộ lên làn sóng phản đối.
Quá trình cải tổ Liên bang Xô viết, có những sai lầm, đã làm xói mòn nghiêm trọng quyền lực của Đảng Cộng sản Liên Xô và chính bản thân ông Gorbachev. Chính sách kinh tế đưa đất nước này đến bờ vực thảm họa, như thâm hụt ngân sách Nhà nước trên 100 tỷ rúp, dự trữ vàng từ bốn con số xuống còn ba con số, nợ nước ngoài tăng trên 120 tỷ USD.
Phong trào đòi tự trị độc lập tách khỏi Liên bang Xô viết của các nước vùng Ban-tích như Estonia, Litva, Latvia, các nước cộng hòa như Gruzia, Ukraina, Armenia và Azerbaijan càng ngày càng phát triển. Ngoài ra, các tổ chức phản động, các tổ chức đối lập, các hội đoàn phát triển mạnh, hoạt động bí mật, được các thế lực thù địch bên ngoài hậu thuẫn bằng tinh thần, vật chất, diễn biến hòa bình đã và đang có điều kiện hoạt động mạnh mẽ.
Tâm trạng của một số đảng viên có trách nhiệm cho rằng các nhân vật chủ chốt làm quá lâu sinh ra trì trệ cả kinh tế và xã hội như ông Brezhnev, làm Tổng Bí thư hơn mười tám năm (1964 - 1982), ngược lại ông Andropov làm Tổng Bí thư chưa được hai năm (1982-1984), ông Chernenko làm Tổng Bí thư chỉ hơn một năm. Như vậy chỉ mới gần ba năm, đã thay đổi hai nhân vật chủ chốt do sức khỏe yếu, không đủ thời gian vật chất để điều chỉnh những hệ lụy của thời hậu Brezhenev.
Thông tin trên, chỉ tìm hiểu với từng cá nhân ở ngoài hành lang hoặc ngồi trên ô-tô, trên đường đi về nông trang mà tập hợp lại chứ thực chất trên bàn làm việc, bạn chỉ cho biết chung chung: “Là quá trình cải tổ và mở cửa tuy có thuận lợi nhưng cũng gặp nhiều thách thức, khó khăn lớn về chính trị, nhiều vấn đề rắc rối trong xã hội, kinh tế sụt giảm”.
Đồng chí Võ Trần Chí trên đường đi có nói nhỏ với tôi: “Cải tổ, mở cửa như thế này, đoàn chúng ta nên đi về sớm chứ không thể nghiên cứu, tham khảo, học tập được điều gì, vì kinh tế suy giảm, chính trị rối ren, xã hội phân hóa giàu nghèo, lòng dân bất ổn, tác động của các thế lực thù địch rất phức tạp”.
Lúc đó tôi rất nhất trí với ý kiến của đồng chí Võ Trần Chí, nhưng tôi cũng khẳng định với đồng chí rằng: “Chuyến đi nghiên cứu khảo sát của đoàn chúng ta rất bổ ích vì chúng ta đã học được bài học rất quý báu, bài học đó là nên tránh xa cách cải tổ và mở cửa kiểu Gorbachev. Chúng ta chỉ đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, và tuân thủ những nguyên tắc, những mục tiêu tại Hội nghị lần thứ VI của Ban Chấp hành Trung ương khóa VI”.
Tháng 8 năm 1995, Ban Bí thư quyết định cử tôi cùng đồng chí phiên dịch đi dự Đại hội liên minh các Đảng Cộng sản – Đảng Cộng sản Liên Xô. Lúc này đại hội trong điều kiện Đảng mất chính quyền, nên tổ chức giữa rừng bạch dương, cách Moskova 120km với hội trường trong nhà che bằng vải bạt.
Theo nhận định đại sứ ta tại Liên Xô cũ: Bạn vừa đại hội, vừa lo sợ chính quyền mới sẽ đến giải tán hoặc bắt bớ ngay trong đại hội. Nhận định này không diễn ra, mà diễn ra sự kêu ca, khóc lóc tại đại hội, trách móc ông Lygachev, ông Shenhin tại sao không đấu tranh với ông Gorbachev chủ trương bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ - một nguyên tắc cơ bản có tính sống còn của Đảng, bỏ Điều 6 Hiến pháp Liên bang Xô viết nên Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã, Liên bang Xô viết sụp đổ.
Đặc biệt là các đại biểu ở các nước Ban-tích nói: “Tôi đã lội sông, vượt biên để đến đây dự đại hội. Ở nhà, các đồng chí trưởng phòng cấp huyện, trong công an, quân đội (từ thiếu úy trở lên), chính quyền mới họ quản thúc tại gia bằng máy điện thoại bàn, không được đi khỏi nhà, các quan chức cấp huyện đến trung ương đều cho đi tù và họ nói rằng tôi đi đại hội liệu có về được không, nếu về cũng sẽ bị bắt, họ kêu khóc “ông Lygachev ơi” một cách thảm thương”.
Hình thành tổ chức này nhằm bảo vệ quyền lợi của những người lao động, bảo tồn những thành quả mà nhân dân đã đạt được trong thời kỳ Xô viết, nhưng không vi phạm luật pháp của các quốc gia, thành viên cũ của Liên bang Xô viết. Thực chất tổ chức này tồn tại trên danh nghĩa, hình thức; chỉ khi sau này ông Zyuganov làm Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga và trúng cử vào Duma quốc gia Nga, được bầu vào Phó Chủ tịch Duma quốc gia Nga mới phát huy tác dụng.
Thế mới hiểu sự tồn tại của Đảng có tính chất quyết định mọi thắng lợi trong mọi tình huống của các cuộc cách mạng, dù là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân hay cách mạng xã hội chủ nghĩa, dù trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hay trong hòa bình xây dựng.
Bài học rút ra là Đảng cầm quyền, là Đảng phải lãnh đạo xã hội. Đổi mới nhưng không đổi mục tiêu, định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới nhằm nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân. Đổi mới nhưng vẫn giữ vai trò lãnh đạo của Đảng, vẫn kiên định nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, là một nguyên tắc cơ bản, vẫn giữ vững Điều 4 của Hiến pháp đã khẳng định năm 2013.
Nhìn từ thực tế của Đảng Cộng sản Liên Xô, và Liên bang Xô viết mà Đại hội XII của Đảng ta sẽ có bản lĩnh và trí tuệ, sẽ kiên định và sáng tạo bất cứ tình huống nào, thể hiện ở Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, đưa đất nước ta đi theo con đường mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn.
NGUYỄN VĂN CHI
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Trung ương Đảng - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương