Đà Nẵng cuối tuần

Giới thiệu sách

Phan Duy Nhân - thơ và đời: Hết khổ đau rồi, ân tình ấm lại...

08:22, 07/11/2015 (GMT+7)

Phan Duy Nhân là một tên tuổi quen thuộc của nhiều bạn đọc ở miền Nam vào những năm 60 của thế kỷ XX. Thơ ông xuất hiện trên các tạp chí nổi tiếng như Bách khoa, Văn, Văn học, Mai và các tuyển tập thơ văn yêu nước tại các đô thị miền Nam. Phan Duy Nhân tên thật là Phan Chánh Dinh, (còn có tên Nguyễn Chính), sinh năm 1941, quê ở xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, trưởng thành trong phong trào đấu tranh của thanh niên - sinh viên Huế, Đà Nẵng và các đô thị lớn của miền Nam trước 1975.

Bìa sách Phan Duy Nhân - thơ và đời
Bìa sách Phan Duy Nhân - thơ và đời

Gần 60 năm làm thơ, viết báo, hoạt động cách mạng, lần này, thân hữu của ông sưu tầm, tập hợp, xuất bản một tuyển tập, có tên Phan Duy Nhân - Thơ và Đời (Nxb Đà Nẵng, tháng 10-2015).

Cho đến bây giờ, có thể nhìn, thơ và đời Phan Duy Nhân là tổng hòa của những phiên bản: Dấn thân. Chấp nhận tù đày. Một tiếng thơ buồn về thân phận làm người. Một tiếng nói đầy khát vọng về tự do cho dân tộc. Một tiếng thét về bất công xã hội. Một tiếng lòng cho tình yêu, gia đình, bè bạn, người thân. Đặc biệt, những năm tháng cuối đời, thơ ông là một âm vang lãng đãng hư huyền của thiền tịnh, thiền môn, “thôi hòa lòng với bụi/thanh tịnh vầng trăng treo”. Phan Duy Nhân là tất cả những cung bậc ấy và ngần ấy cung bậc đều là tiếng nói thốt ra từ đáy lòng và trái tim của ông.

Men theo những vần thơ của những năm 60, 70 và cả sau này, ta bắt gặp một Phan Duy Nhân thao thức về vận mệnh của dân tộc. Triết học của thơ ông là thứ triết học dấn thân, chấp nhận mọi thử thách. Một thứ triết học rời giảng đường để nhập cuộc vào cuộc sống. Phan Duy Nhân đã chọn cho mình một con đường, con đường đến với đất nước và nhân dân.

GS Mai Quốc Liên có nêu, Phan Duy Nhân là “Người chiến sĩ giải phóng, người tù chính trị Côn Đảo, học giả về tôn giáo...”. Những ngày tháng ở Huế, trong bài thơ Thư cho Mẹ và Chị, ông đã nói:

Con đã ngấy những ngày thư viện đói
Nói khôi hài kinh kệ những ai xưa...

Đọc nhiều bài thơ đăng trên tạp chí Bách khoa của những năm 60, viết về tình yêu, tuổi trẻ, quê hương,... luôn có chút gì cay uất, ray rứt. Bài thơ se thắt một nỗi buồn. Một nỗi buồn u uẩn và băn khoăn giữa ý chí và tình cảm. Chưa đến hai mươi tuổi, nhiều bài thơ của Phan Duy Nhân, như bất lực, mòn mỏi, mang “nỗi hư huyền đi suốt trăm năm”:

Tôi từ chối tôi từng phút một
Mãi mãi xin làm người sớm mai phiêu lưu
Những tài sản lều trại cuối cùng đêm nay đốt hết
Bỏ lại đằng sau bến sông, bờ cỏ mỏi mòn...

(Lần từ chối thứ một nghìn, 1960)

Hoàng Phủ Ngọc Phan kể lại, Phan Duy Nhân đã từng đói nghèo, “nó ghi danh học Luật và Văn khoa ở Huế nhưng rất ít khi đến lớp. Cứ thấy đi đi về về, không biết ăn ở chỗ nào. Nghe nói, có khi bí quá, nó cầm ổ bánh mì xá xíu chui vào trong cái lô cốt bỏ hoang ở đầu cầu Bạch Hổ ngủ qua đêm” (Phan Duy Nhân - Thơ và Đời, trang 426). Nhưng cũng từ đó, trước hiện thực của quê hương, đất nước, vốn sẵn có một trái tim yêu thương và nhiệt huyết, Phan Duy Nhân nhập cuộc với đời. Con đường Phan Duy Nhân chọn, như trong bài Thư gửi các bạn sinh viên, kêu gọi:

Ta đứng dậy ở bên bờ cõi chết
Cứu nhau thôi, anh chị, bạn bè ơi
... Độc lập, hòa bình, công bằng, nhân đạo
Mắt em thơ hớn hở nụ cười tròn
Mẹ đầu làng, tóc đã trắng như bông
Bay phơ phất vui theo làn gió đợi
Hết khổ đau rồi, ân tình ấm lại...

Đó là ước mơ, là khát vọng mà Phan Duy Nhân gửi gắm ở không ít bài thơ. Trên con đường đã chọn, Phan Duy Nhân đã tự nguyện hiến mình cho niềm tin về: “Độc lập, hòa bình, công bằng, nhân đạo”. Phan Duy Nhân là một biểu tượng tiêu biểu cho sự chọn đường của một thế hệ trí thức ở miền Nam trong những năm 60 của thế kỷ XX.

Các bài viết của Ngô Thị Kim Cúc, Phạm Tấn Hầu, Hồ Thế Hà, Huỳnh Văn Hoa, Phạm Phú Phong, Nguyễn Nhã Tiên, Bùi Xuân, Thanh Thảo, Hồng Chuyên, Dương Đức Quảng, Hà Khánh Quân,... nói khá rõ “tâm cảnh u buồn” (chữ dùng của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái) và khát vọng trong  thơ của Phan Duy Nhân

Chính tâm trạng, khát vọng này, như đã nêu trên, làm nên một thế giới riêng của thơ Phan Duy Nhân.

Nhà nghiên cứu văn hóa, nhà báo, hoạt động trong vùng giải phóng và có quan hệ thân thiết với Phan Duy Nhân, ông Nguyễn Đình An có bài viết rất cảm động, Có một Phan Duy Nhân - chiến sĩ. Bài viết vẽ nên chân dung Phan Duy Nhân ở khía cạnh mới, khía cạnh người lính, xông pha, chiến đấu, đi đầu. Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968, Tết Mậu Thân năm đó, Phan Duy Nhân vào lại nội thành, đóng quân trong Chùa Tỉnh Hội, chỉ đạo biểu tình. Cũng tại ngã ba Chùa Tỉnh Hội, cầm loa, dẫn đầu đoàn biểu tình, hô vang các khẩu hiệu, Phan Duy Nhân bị bắn và bị thương nặng ở chân… Sau đó, Phan Duy Nhân bị bắt và giam nhiều nhà ngục, từ Kho Đạn, Gia Long, Thanh Bình rồi Côn Đảo. Trong tù, Phan Duy Nhân vẫn giữ vững khí tiết, có những vần thơ lạc quan, như Thu Bồn ơi, màu xanh không bao giờ phai, Thư nhà,...

Ở góc độ một chiến sĩ, có các bài viết hay như Đi về phương có bão (Hồ Duy Lệ), Xuống đường (Thanh Thảo), Từ một chân dung (Lê Văn Lân), Thầy Phan Chánh Dinh của tôi (Lê Nguyên Hồng), Phan Duy Nhân, như tôi biết (Lưu Anh Rô),...

Phan Duy Nhân, con người có trái tim yêu thương, có tâm hồn nhạy cảm, nghiêng về phía cùng khổ của cuộc đời, trung thực và ngay thẳng, trọn tình trọn nghĩa. Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, quê Quảng Nam, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, 1963, người từng dự kiến đứng chung liên danh với Dương Văn Minh, tranh cử Tổng thống năm 1971, bạn Phan Duy Nhân, đã viết: “Tôi quá mong anh trở lại là chính mình, một nhà thơ”. Lê Công Cơ, với Phan Duy Nhân, hơn nửa thế kỷ là bạn, là đồng chí của một thời máu lửa của miền Trung. Bạn thời ấy, như Lê Công Cơ đã nêu, nay có người đã mất như Trịnh Công Sơn, Lê Hiếu Đằng, Trần Quang Long,... người còn, thì chiêm nghiệm một đời và dặn nhau: “Chúng ta đã có một thời sống đẹp. Và chúng ta cố gắng giữ gìn điều đó cho đến lúc chia tay cuộc đời này”. Phan Duy Nhân là “ẩn số” chưa được “giải mã” (Lê Đức Hùng).

Trên tạp chí Văn học xuất bản tại Sài Gòn thập niên 60, Phan Duy Nhân viết:

“Cùng với bóng, ta ngồi xem truyện cũ
Bỗng bừng bừng muốn tới Mạc Tư Khoa
Xe tứ mã gập ghềnh qua nước Vệ
Soát lại mình thất lạc hết thi thư...”

Bốn câu thơ cũng gập ghềnh, trầm luân như chính cuộc đời của người viết ra các dòng đó! Đọc các bài viết của Lê Công Cơ (Nhớ cái quán ngày xưa), Hồ Duy Lệ (Đi về phương có bão), Hoàng Phủ Ngọc Phan (Văn ảnh về một người ngậm ngải tìm trầm), Hà Khánh Quân (Con đường Từ Thức), Lê Đức Hùng (Kỷ niệm của suốt đời được nhận biết yêu thương), Lê Anh Dũng (Một hình ảnh tôi nhớ), Trầm luân lưu lạc (Hoàng Cung Khảm), Dương Đức Quảng (Trầm luân nào có chừa ai),... để nhận ra một Phan Duy Nhân, nghĩ như Nguyễn Đình An, “một Kinh Kha qua sông Dịch” nhưng dang dở.

Ở sự lựa chọn, dấn thân, về phương diện này, có một nhận xét hết sức đáng chú ý, đấy là, Phan Duy Nhân được Phan Nhật Nam gọi “kẻ hào kiệt”. Hai người cùng quê (Quảng Trị), cùng có tài năng, cùng có khí phách, là bạn học, bạn văn ở trường Phan Châu Trinh-Đà Nẵng và Trường Quốc Học-Huế, nhưng cũng là người của hai chiến tuyến, đối đầu nhau. Phan Nhật Nam, sĩ quan binh chủng nhảy dù, rồi thủy quân lục chiến, tác giả của những Dấu binh lửa, Dọc đường số Một, Ải Trần-gian, Mùa Hè đỏ lửa, Dựa lưng nỗi chết,... Khi Phan Duy Nhân đang nằm trong nhà lao Côn Đảo, Phan Nhật Nam không ngần ngại để viết lên trang đầu lời đề tặng: “Tặng Phan Duy Nhân, kẻ hào kiệt” trong cuốn sách Ải trần gian (1970).

Những năm cuối đời, vốn là Phật tử, sau những trải nghiệm về cuộc đời, Phan Duy Nhân chọn con đường hành hương về thế giới thiền học, thiền tịnh của tâm hồn. Những bài thơ, bài viết giai đoạn này mang chất thiền tịnh, tìm an lạc cho tâm hồn, giũ bỏ những trầm luân của kiếp người. Đọc Con đường không tận của Nguyễn Đông Nhật, Phan Duy Nhân-Ửng sắc mây lam hoàng hôn của Nguyễn Nhã Tiên, ta thấy một Phan Duy Nhân quay về “tánh không”, nhận ra được cái Còn-Mất-Được-Không của cuộc đời này. Và, thấp thoáng đâu đó, như Nguyễn Đông Nhật viết, là cái bóng thầm nhẫn nại của Phan Duy Nhân trên con đường: Vác thập giá mình đi hết đường khổ nạn.     

Có thể thấy rằng, cuối những năm 50 và những năm đầu của thập niên 60, thơ Phan Duy Nhân xuất hiện khá đều đặn trên các tạp chí nổi tiếng đương thời như Bách Khoa, Văn, Văn học,... Nhiều bạn thơ của ông được số nhà nghiên cứu văn học tại miền Nam bình luận và đưa vào các tập nghiên cứu, phê bình. Riêng Phan Duy Nhân, mãi đến năm 2005, trong Trăm năm thơ đất Quảng, lần đầu tiên, bạn đọc mới thấy được  2 bài Thư nhà, Cuối năm rời nhà trọ của ông đưa vào tuyển tập.

Tôi nghĩ, nếu ngày ấy, trước 1975, có những tuyển thơ, những bài nghiên cứu về Phan Duy Nhân, thì, thơ Phan Duy Nhân sẽ không bị thất lạc, sẽ giúp cho chúng ta nhìn rõ hơn chân dung Phan Duy Nhân về văn chương. Vì thế, theo chúng tôi, xuất bản Phan Duy Nhân - Thơ và Đời là một bổ sung cần thiết khi nghiên cứu văn học giai đoạn 1954-1975.

Vào mùa bệnh năm 1988, Chế Lan Viên hiểu rõ sự hữu hạn của đời người, sâu xa hơn, hiểu lẽ đời, ông đã viết bài thơ Tháp Bay-on bốn mặt:  

Anh là tháp Bay-on bốn mặt
Dấu đi ba, còn lại đấy là anh
Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc
Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình.

Ở góc độ nào đó, Phan Duy Nhân cũng là tháp Bay-on bốn mặt. Phan Duy Nhân là một hiện tượng đa diện, cả văn chương lẫn cuộc đời.

Nếu xem cuộc đời như vở kịch, thì dầu có nhiều thứ lớp, dẫu khác phông màn, vai diễn vẫn là ta. Phan Duy Nhân vẫn là Phan Duy Nhân, một con người rất đáng yêu, trong sáng, sống tận cùng của lựa chọn, chung thủy với đường đời, đường thơ.

HUỲNH VĂN HOA

.