Đà Nẵng cuối tuần

Tiếp tục tìm kiếm Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế

08:19, 07/11/2015 (GMT+7)

Tiếp theo bài “Góp một giải pháp tìm lăng mộ vua Quang Trung”, ĐNCT xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết ghi nhận những nội dung chính từ hội thảo về Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế được tổ chức tại Huế vừa qua. Đặc biệt là những ý kiến đóng góp của GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử (KHLS) Việt Nam, nhằm mục đích xác định vị trí, chức năng của cung điện Đan Dương, một vấn đề được cả nước quan tâm.

Theo PGS, TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội KHLS Thừa Thiên-Huế, nếu xác định được cung điện Đan Dương đã là một bước tiến quan trọng về chủ đề nghiên cứu nhà Tây Sơn của chặng đường 40 năm qua. Trong khi chưa tìm ra dấu tích các cung điện của nhà Tây Sơn trong đô thành Phú Xuân thì việc xác định địa chỉ và di vật về cung điện Đan Dương ở bờ nam sông Hương có một ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn để phát huy thế mạnh du lịch của vùng đất vốn đã dày đặc kiến trúc và di tích triều Nguyễn.

Trong 9 tham luận, có 5 tác giả khẳng định có cung điện Đan Dương và đề xuất hướng bảo tồn, phát triển du lịch; 2 tác giả có thừa nhận lăng Đan Dương nhưng cần bổ sung minh chứng.

Khẳng định có cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân dựa trên nhiều tài liệu của các nhân chứng người phương Tây, của các danh thần triều Tây Sơn, chính sử triều Nguyễn và kết quả khảo sát trên thực địa để khẳng định chúa Nguyễn Phúc Khoát có xây dựng phủ Dương Xuân, sau này là cung điện Đan Dương, rồi Đan Lăng của vua Quang Trung. Sau gần 20 năm nghiên cứu, Nguyễn Đắc Xuân đã công bố công trình “Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương - sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung”. Tác giả khẳng định cung điện Đan Dương nằm trong khu vực chùa Thiền Lâm, chùa Vạn Phước (đường Điện Biên Phủ) hiện nay.

TS Nguyễn Nhã ủng hộ kết quả nghiên cứu của tác giả Nguyễn Đắc Xuân về cung điện Đan Dương và đề xuất giải pháp phát triển du lịch ở vùng đất cố đô Phú Xuân của vương triều Quang Trung. Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh thống kê các sách và bài viết trên báo, tạp chí, địa bạ ấp Bình An thời nhà Nguyễn có liên quan đến cung điện Đan Dương. Nhà doanh nghiệp Lê Tân đề nghị nên có một khu trưng bày, lưu giữ những phế tích, tài liệu, hình ảnh và bài viết bài nghiên cứu ngay trên vùng đất lịch sử này; đồng thời tạo nên cơ hội đặc thù nhằm xây dựng kịch bản các sự kiện nối liền, liên kết giữa tượng đài Quang Trung ở núi Bân với cung điện Đan Dương (phường Trường An, thành phố Huế) để tổ chức lễ hội trong các ngày kỷ niệm về Quang Trung - Nguyễn Huệ, góp phần tôn vinh vị anh hùng dân tộc.

Phản biện về công trình của Nguyễn Đắc Xuân, nhà nghiên cứu  Nguyễn Anh Huy và Võ Quang Vinh khảo tả các văn bản chữ Hán của Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích cùng một số tác phẩm khác có đề cập về hai chữ Đan Dương để đi đến kết luận hai bài thơ của Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích đều là văn bản không chuẩn, bởi các văn bản này do người đời sau chép và chú giải thêm nên độ tin cậy không cao.

Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh khảo sát 4 bài thơ của Ngô Thì Nhậm, hai bài của Phan Huy Ích và cho rằng tất cả điều ghi chép ấy đều góp phần khẳng định có một lăng Đan Dương, gọi tắt là Đan Lăng, là nơi an táng Hoàng đế Quang Trung. Hai từ cung điện Đan Dương chỉ là tôn xưng trang trọng chứ không thật sự có cung điện Đan Dương mà chỉ có một lăng Đan Dương, nơi an táng Thái Tổ Võ Hoàng đế Quang Trung. Có thể ở đây còn có một điện thờ, chứ không có cung nào khác.

Các ý kiến phản biện nghiêng về suy luận cá nhân, thiếu tư liệu để bảo vệ luận chứng của mình.  
 Tổng kết hội thảo, GS Phan Huy Lê nhấn mạnh đây là một vấn đề cả nước đang quan tâm. Bởi vì Phú Xuân là trung tâm chính trị gắn với biến động lịch sử lớn vào cuối thế kỷ 18. Thành trì Phú Xuân, các kiến trúc cung điện thời điểm đó tư liệu ít, thậm chí không có, phải thu thập nhiều tư liệu liên quan để suy đoán cho nên phải mất rất nhiều thời gian, và là công việc của nhiều thế hệ. Muốn dựng lại kinh thành Phú Xuân thời các chúa Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Khoát và thời Tây Sơn cần thiết phải tham khảo ghi chép của các nhân chứng đương thời. Một số ghi chép của người nước ngoài, của học giả Lê Quý Đôn là rất đáng tin cậy.

Việc xây dựng các cung điện ở ngoài kinh thành như cung điện Mùa Đông, điện Trường Lạc ở vùng gò đồi bờ Nam sông Hương để ở và làm việc trong mùa đông là xử lý thông minh của các chúa bởi đặc điểm địa hình, thời tiết của Huế. Nhà Tây Sơn kế tục sử dụng các công trình kiến trúc này là hợp lý. Vì vậy, công việc nghiên cứu cấu trúc không gian kinh thành đặc thù của các chúa Nguyễn và việc nhà Tây Sơn đã sử dụng đô thành Phú Xuân như thế nào cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. GS Phan Huy Lê cho rằng vua Quang Trung chắc chắn có sử dụng phủ Dương Xuân vì đô thành Phú Xuân bất lợi về phòng thủ.

Về các ý kiến phản biện cho rằng văn bản do người đời sau sao chép, theo GS Phan Huy Lê tuy có sai sót phải xử lý nhưng không thể bác bỏ. Ví dụ như các ghi chép về chùa Thiền Lâm là không thể phủ nhận được. Thái sư Bùi Đắc Tuyên đã ở và làm việc tại đó ai cũng thừa nhận. Trên thực địa cho thấy ở đây có dấu tích kiến trúc cổ, các di vật khẳng định đây là di tích đặc biệt quan trọng. Từ chùa Thiền Lâm đến phủ Dương Xuân là chắc chắn có. Trong phủ Dương Xuân có nhiều công trình kiến trúc, trong đó có cung Đan Dương. Nếu công nhận các câu thơ của Ngô Thì Nhậm thì có cả cung điện Đan Dương và lăng Đan Dương. Còn vì sao vừa là cung điện vừa là lăng thì phải trở lại với bối cảnh chính trị thời điểm vua Quang Trung mất đột ngột.

Để chứng minh ở phủ Dương Xuân có cung điện Đan Dương và sau đó là lăng mộ vua Quang Trung cần được tiếp tục nghiên cứu; đặc biệt là phải được minh chứng về tư liệu khảo cổ học. GS Phan Huy Lê đề nghị chính quyền địa phương cần có biện pháp bảo tồn phát huy tác dụng. Không chờ đợi hoàn tất công trình, cần song song tiến hành nghiên cứu và khai thác giá trị di tích.

THANH TÙNG

.