Chuyên đề

Tài sản vô giá của cha mẹ

11:03, 13/11/2015 (GMT+7)

Người ta bảo có rể hiền là thêm con trai, có dâu thảo là thêm con gái. Và, có rể hiền dâu thảo là thêm tài sản vô giá cho bậc làm cha làm mẹ.

Vợ chồng ông Nguyễn Hạ và các cháu nội, ngoại. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Vợ chồng ông Nguyễn Hạ và các cháu nội, ngoại. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ông Nguyễn Hạ, nói như ngôn ngữ bây giờ là thuộc thế hệ 3x đời cuối, nhà ở cuối con hẻm K48/11 Lê Duẩn, Đà Nẵng. Vợ chồng ông quen nhau hồi đi học, cưới nhau năm 1962 ở Điện Tiến, Điện Bàn, tiệc mừng chỉ là món mì Quảng và rượu gạo, lúc đó chưa có nước ngọt dành cho những ai không uống được rượu.

Họ ra sống ở Đà Nẵng, có với nhau đến 9 người con nhưng đám cưới đầu tiên lại chính là người con trai út vào năm 1998, được hai bên gia đình lo tất tần tật mọi chuyện. Mãi đến 5 năm sau người con trai đầu mới lập gia đình, lần này thì ông bà không phải bận tâm chuyện cưới xin của con, tất cả đều do cậu cả toan liệu hết, từ tiệc đãi khách cho đến “mái ấm” cho đôi uyên ương mới cưới.

Gia đình cậu út ở chung nhà và vợ chồng ông lại tiếp tục công việc chăm sóc trẻ con. Ông và bà đều là nhà giáo nghỉ hưu, nay lấy cái sự dạy dỗ cháu làm khuây khỏa tuổi già. Trong nhà ông treo nhiều tấm biển nhỏ bằng gỗ có ghi mấy chữ quốc ngữ như: Tâm, Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín…

Ông bà thỉnh thoảng cho cháu chạm vào các hoa văn, các nét chữ để làm quen. Khi cháu lớn lên chút, ông lần hồi giảng giải, ví như chữ Nhân: Nhân là con người, cũng có nghĩa là lòng nhân ái, tức là thương người… Cứ thế, trước khi đến trường học chữ, cháu đã được hai ông bà – nhà giáo dạy về đạo đức làm người. Đến lớp 7 thì cháu vào học ở Sài Gòn, mỗi lần về thăm là quấn quýt ông bà, không rời nửa bước.

Cùng tuổi với ông Hạ là ông Huỳnh Đức Lý, nguyên cán bộ ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng (cũ), quê ở Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn. Khác với ông Hạ, ông Lý đi hỏi vợ thông qua một ông anh rể làm mai nên không... biết mặt vợ! Ông ôm cái tráp lễ phẩm, đứng dựa cột nghe hai bên người lớn nói chuyện, thỉnh thoảng liếc mắt xuống nhà dưới mong thấy người đẹp của mình mà mãi chẳng được.

Hơn 2 năm “cút bắt” như thế, ông tới nhà thì bà chạy xuống nhà dưới, ông xuống nhà dưới thì bà tót sang nhà hàng xóm! Nhắc lại chuyện cũ, ông phì cười: Từ chuyện “giấu mặt” này mà thế hệ trước ở quê tui có mấy vụ người ta lập mưu tráo hôn, em đẹp chị xấu thì đưa em ra trình diện, tới lúc động phòng thì đưa chị vào thay em. Tui thì may quá, trước sau cũng chỉ một mình bà vợ tui chừ…

Vợ chồng ông Lý có 6 mặt con. Người trai đầu cưới vợ năm 1986, khi đó còn khó khăn về kinh tế nên nhà gái cũng không đòi hỏi gì. Ông thuê một chiếc Daihatsu, người ta gọi là “xe lam 4 bánh” cho nó sang, đưa họ nhà trai chạy từ Điện Ngọc vô Điện Nam rước dâu, đãi đằng cây nhà lá vườn là thành vợ thành chồng.

Thế hệ 5x giữa đời như ông Nguyễn Đình Anh lo chuyện dựng vợ gả chồng cho con có khác hơn. Ngay cả chuyện cưới vợ cho chính ông cũng không... đụng hàng.

Ông và vợ cùng thôn La Bông, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, quen nhau sau năm 1975 qua sinh hoạt tập thể trong thôn. Chưa kịp hẹn hò gì thì ông đi nghĩa vụ quân sự, đóng quân ở Tam Kỳ. Một bữa, trực ban cho gọi ông ra gặp người nhà, ông bất ngờ khi thấy đó là “người đẹp của lòng mình”. Bấy giờ Đà Nẵng – Tam Kỳ còn đi xe chạy than, vô tới nơi còn phải lội bộ hơn 10km mới tới doanh trại của ông. Ông xúc động lắm.

Hơn 3 năm sau, 1979, hai bên gia đình chọn ngày cưới, cứ nghĩ ông còn đâu đó ở Quảng Nam – Đà Nẵng nên báo ông xin phép về gấp, không ngờ ông đã đi Đức Cơ, Pleiku, gần biên giới Việt Nam – Campuchia. Lúc đó xảy ra chiến tranh biên giới phía Nam, phải giữ bí mật quân sự. Thế là đám cưới không có chú rể! Vợ chồng ông có 4 con, trong đó người cuối cùng lập gia đình hồi năm ngoái. Bù lại những “thua thiệt” của chính vợ chồng mình ngày trước, hai ông bà xem ngày cưới của con như là ngày vui của mình.

Trở lại với chuyện ông Hạ. Vợ chồng ông đều là nhà giáo, nên có cái nhìn về chuyện gia thất có “khắt khe” so với các thế hệ trẻ hơn. Ông than phiền sao chừ nhiều vợ chồng đến với nhau như mì ăn liền. Nhiều cặp vì vẻ hào nhoáng bên ngoài của nhau mà yêu nhanh cưới vội, trong khi công việc không ổn định, nhà cửa lại chưa có... Vì thế, không ít cặp mới cưới tháng trước, tháng sau đã dẫn nhau ra tòa ly hôn. Xưa cha mẹ đi tìm vợ, tìm chồng cho con cái thường chọn nơi có gia phong lễ giáo để sau về sống với nhau còn biết cách kiềm chế, “chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa không đời nào khê”. Ông bảo, vợ chồng tìm đến với nhau theo khung đạo lý xưa thì hạnh phúc lứa đôi càng dễ bền vững hơn.

Tất nhiên, cái nhìn về hôn nhân gia đình của thế hệ 3x khác với 5x và càng khác hơn so với 8x, 9x. Nhưng xét cho cùng, không phải xe cho nhiều, tiệc cho lớn... để được tiếng sang trọng nhất thời mà vấn đề là làm sao sau đám cưới được trăm năm cùng nhau “răng long đầu bạc”. Một tô mì Quảng, một chiếc “xe lam 4 bánh”, thậm chí đám cưới vắng mặt chú rể (điều mà bây giờ người ta rất kiêng cữ)... nhưng nếu được xây dựng trên nền tảng yêu thương thực sự thì hạnh phúc lại càng bền vững.

Ông Hạ nheo mắt lật lật cuốn album một lát rồi lấy ra tấm ảnh nhỏ, bảo tôi: “Cái hình này tui rất thích, nó nối tuổi già của tụi tui với cái thế hệ trẻ nhất trong gia đình. Ông bà mình nói nước mắt chảy xuôi thiệt chẳng sai”. Đó là tấm hình chụp vợ chồng ông với 10 cháu nội, cháu ngoại, có hai cháu bé ông bà bế trên tay. Người ta bảo con cái là tài sản vô giá của cha mẹ, trong trường hợp này thì cháu chắt cũng được “định giá” với một mức lượng tương tự…

VĂN THÀNH LÊ

.