Đà Nẵng cuối tuần
Bức tranh ảm đạm
Thông tin từ Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, các Đội Y tế dự phòng (YTDP) quận, huyện được quan tâm đầu tư xây dựng mới, ngân sách thành phố cũng tạo điều kiện rất thuận lợi cho hệ thống YTDP thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng, cơ sở vật chất của ngành YTDP hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến không ít khó khăn trong công tác phòng chống bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Quang bên những chiếc máy phun bị hỏng không thể sử dụng. Ảnh: T.Y |
Phận “ăn nhờ ở đậu”
Gần 10 năm qua, Đội YTDP huyện Hòa Vang luôn làm việc trong cảnh “ăn nhờ ở đậu”. Câu chuyện bắt đầu từ năm 2006, trong khi bộ máy hành chính huyện Hòa Vang chuyển địa điểm về xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang thì bộ phận y tế vẫn còn “gửi gắm” tại địa chỉ cũ ở quận Cẩm Lệ.
3 năm sau, Đội YTDP mới được đưa về huyện Hòa Vang nhưng nằm chung cơ sở với Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình trong một dãy nhà cấp 4 xập xệ, cũ nát. Cơ sở tồi tàn, không gian chật hẹp khiến mọi hoạt động của cả hai đơn vị đều bị ảnh hưởng.
Rất nhiều dự án chăm sóc sức khỏe cộng đồng như phòng khám HIV, chăm sóc và quản lý đối tượng bệnh nhân lao, phòng chống nhiễm khuẩn và lây chéo bệnh của các tổ chức phi chính phủ muốn đầu tư tại huyện Hòa Vang đều không đạt thỏa thuận bởi cơ sở vật chất tại đây không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng muốn thành lập một phòng khám tâm thần tại huyện Hòa Vang cũng không thể triển khai được.
Giữa lúc khó khăn chồng chất, năm 2013, khi Bệnh viện Hòa Vang hoàn thành giai đoạn 1, đưa vào hoạt động thì Đội YTDP cũng được đưa về “tạm trú” tại đây.
Tuy nhiên, do trong hồ sơ thiết kế ban đầu không có khu vực dành cho YTDP, nên tạm thời bố trí khu vực hành lang nằm phía tay phải bệnh viện, gần khoa Sản để đội có cơ ngơi làm việc.
Đón chúng tôi tại Đội YTDP huyện Hòa Vang, Đội trưởng Nguyễn Ngọc Tửu phân trần cơ sở vật chất chưa ổn định nên nhìn đâu cũng chật chội, ngổn ngang.
Đặc biệt, 25 con người làm việc trong ba phòng có diện tích mỗi phòng chưa đến 20m2 không có khu vực hành lang. Từ phòng này muốn sang phòng khác buộc phải đi “thông tim” từng phòng.
Mọi không gian ở dãy hành lang này dường như được tận dụng để đựng hồ sơ, giấy tờ và thuốc. Phòng kho của bệnh viện rộng chừng 10m2 được tận dụng làm phòng khám và xét nghiệm lao. Ngay cả khu vực chân cầu thang cũng tận dụng trở thành kho chứa máy phun và một số hóa chất phục vụ công tác YTDP.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Tửu, dù đã cố gắng sắp đặt nhưng mọi thứ ở đây đều rất tạm bợ, không đủ điều kiện triển khai các dịch vụ y tế phục vụ người dân.
Những khó khăn, thiếu thốn từ cơ sở vật chất đã khiến công tác dự phòng ở Hòa Vang gặp không ít khó khăn, nhất là trong những thời điểm có dịch bệnh bùng phát.
Bác sĩ Trần Sỹ, Phó Giám đốc Bệnh viện Hòa Vang, phụ trách công tác YTDP khẳng định, khó khăn trước mắt của Đội YTDP huyện Hòa Vang là không có cơ sở làm việc. Mặt khác, do địa bàn rộng nên mỗi khi ở điểm xã bùng phát dịch, những cán bộ YTDP phải một mình một xe máy, lỉnh kỉnh hóa chất, máy phun về với bà con.
Nhìn thấy những bất cập trong công tác YTDP tại huyện nhà, UBND huyện Hòa Vang đã quyết định cấp 600m2 đất nằm trên quốc lộ 14B thuộc xã Hòa Nhơn để đơn vị làm địa chỉ hoạt động.
Tuy nhiên đến nay, dù đội đã nhiều lần gửi tờ trình lên Sở Y tế, UBND huyện Hòa Vang xin kinh phí xây dựng mới cơ sở làm việc nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Hoạt động trong điều kiện không ít khó khăn
Qua tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các Đội YTDP tại tuyến quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đều thiếu thốn về cơ sở vật chất dẫn đến công tác phòng chống bệnh gặp không ít khó khăn.
Ngay cả Trung tâm YTDP thành phố cũng hoạt động trong điều kiện chật hẹp, thiếu máy móc hiện đại, liên tục nằm trong tình trạng quá tải. Trong đó, nổi lên là vấn đề thiếu các thiết bị, hóa chất để làm các xét nghiệm nhanh, nhất là trong điều kiện dịch bệnh bùng phát.
Đơn cử, tại Đội YTDP quận Sơn Trà, hiện nay chỉ còn 3 máy phun hoạt động được còn tất cả đã hư hỏng, không thể sử dụng.
Trong thời điểm dịch sốt xuất huyết đang bùng phát như hiện nay, những ngày cuối tuần đơn vị phải mượn thêm 3 máy phun từ đơn vị khác để đảm bảo công tác phun diệt lăng quăng, bọ gậy hỗ trợ người dân. Trang thiết bị thiếu thốn đã đành, người đi phun cũng phải thuê lao động ngoài vì chỉ tiêu trong biên chế không có.
Bác sĩ Nguyễn Văn Quang, Đội trưởng Đội YTDP quận Sơn Trà cho biết lâu nay, công tác dự phòng bệnh còn nhiều khó khăn bởi các đội hầu như không đủ hóa chất, đặc biệt những hóa chất test nhanh như hóa chất thử bệnh hoa liễu Vedalab VDRL Antigen MR, test nhanh bệnh lao Vedalab TB-check-1, KIT VPR 10 thử nhanh thuốc trừ sâu, Test VT 04 thử nhanh axit vô cơ trong giấm, KIT BK 04 thử nhanh hàn the trong thực phẩm, Test HT 04 thử nhanh hypoclorid, OT 04 thử nhanh độ ôi khét trong dầu mỡ, Test CT 04 kiểm tra nhanh phẩm màu kiềm trong thực phẩm…
Ông phân vân, lâu nay, anh em đi kiểm tra nhìn theo cảm quan như thấy ruồi nói ruồi, thấy chuột nói chuột, thấy cái ly bẩn thì nhắc nhở hộ kinh doanh chú ý hơn chứ không có hóa chất kiểm tra nhanh nên người dân thường chỉ ậm ờ cho qua chuyện.
Điều này khiến công tác kiểm tra, dự phòng bệnh chưa thật sự đạt kết quả như mong muốn. Không chỉ cảm tính trong kiểm tra an toàn thực phẩm, do thiếu máy móc hỗ trợ nên những vấn đề về vệ sinh lao động như kiểm tra, đo độ ồn, ánh sáng phòng học, độ ẩm, bụi cũng hết sức khó khăn.
Một bác sĩ (xin giấu tên) hoạt động lâu năm trong lĩnh vực YTDP trăn trở rằng, lâu nay, ngành y tế vẫn tuyên truyền “phòng bệnh hơn chữa bệnh” nhưng trong thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Bên cạnh con người, cơ sở vật chất thiếu thốn, không được trang bị máy móc hỗ trợ thì nguồn kinh phí hoạt động hằng năm cũng rất nhỏ giọt.
Trong khi đó, hệ thống bệnh viện phục vụ công tác chữa bệnh hiện nay lần lượt được đầu tư sắm mới nhiều máy móc hiện đại, tối tân, đôi khi chưa thật sự cần thiết. Nên chăng thời gian tới, ngành y tế cần thay đổi tư duy, nâng cao vai trò của YTDP trong đời sống cộng đồng bằng những hành động thiết thực và hiệu quả hơn.
Được biết, trong năm 2015, ngân sách thành phố đã đầu tư trang bị máy tách chiết tự động DNA-RNA (1,9 tỷ đồng) cũng như đang đấu thầu cung cấp máy miễn dịch tự động và hệ thống PCR với tổng vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng.
Hiện, Trung tâm YTDP Đà Nẵng đang được xem xét đầu tư xây mới với tổng 127 tỷ đồng, trong đó có 55 tỷ đồng từ nguồn Trung ương (vốn chương trình mục tiêu y tế dân số). Đây chính là một mảng màu sáng, trong bức tranh toàn cảnh còn nhiều ảm đạm về đầu tư cơ sở vật chất trong lĩnh vực y tế dự phòng.
TIỂU YẾN