Đà Nẵng cuối tuần

Thành công với nghề kỹ sư cầu nối

14:57, 05/12/2015 (GMT+7)

Lương cao, sự nghiệp vững chắc, có cơ hội thăng tiến trong công việc, được đi đây đi đó… là những điều hấp dẫn, thú vị của các bạn trẻ theo đuổi nghề kỹ sư cầu nối (BrSE). Tuy nhiên để “chạm” đến thành công, nhiều bạn đã trải qua không ít khó khăn, thử thách và phải có trình độ ngoại ngữ tạo “tấm vé thông hành” làm việc với những dự án lớn của các đối tác nước ngoài.

Để được qua Nhật làm việc và đào tạo, các bạn theo đuổi nghề kỹ sư cầu nối phải nỗ lực không ngừng. (Ảnh do FPT Software cung cấp)
Để được qua Nhật làm việc và đào tạo, các bạn theo đuổi nghề kỹ sư cầu nối phải nỗ lực không ngừng. (Ảnh do FPT Software cung cấp)

Không dễ tuyển dụng

Trong số các thị trường xuất khẩu phần mềm có tiềm năng thì Nhật và Mỹ được xem là 2 thị trường truyền thống đem đến cho các doanh nghiệp Đà Nẵng nhiều tiềm năng. Chính điều này mở ra vô số cơ hội nghề nghiệp, mức lương cao dành cho các kỹ sư trong ngành công nghệ thông tin (CNTT), đặc biệt là vị trí kỹ sư cầu nối.

“Kỹ sư cầu nối chính là người kết nối nghiệp vụ khai thác khách hàng với nhóm làm kỹ thuật của doanh nghiệp. Vì vậy họ có vị trí rất quan trọng quyết định sự thành công của dự án”, ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc FPT Software Đà Nẵng cho biết.

Theo ông Phương, là người đảm nhận nhiệm vụ quan trọng trong việc kết nối đối tác với doanh nghiệp nên những yêu cầu dành cho các kỹ sư cầu nối không hề đơn giản. “Kỹ sư cầu nối cần phải hiểu rõ về nghiệp vụ chuyên môn, thành thạo ngoại ngữ, hiểu biết về văn hóa cũng như phong cách làm việc của cả hai bên để đảm bảo dự án tiến triển một cách tốt nhất”.

Mức lương khởi điểm cho nghề kỹ sư cầu nối vào khoảng 1.500-2.000 USD/tháng nhưng theo các nhà tuyển dụng thì không phải ai cũng đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là vấn đề về ngoại ngữ. “Số sinh viên ra trường có thể nói tiếng Nhật lưu loát, đặc biệt là có bằng N2 trở lên rất ít nên các công ty phần mềm phải rất chật vật mới có thể tuyển dụng được các kỹ sư cầu nối”, ông Phương chia sẻ.

Gần đây nhất, FPT Software đã triển khai Chương trình “10.000 Kỹ sư cầu nối” nhằm giúp các công ty phần mềm của địa phương có đủ khả năng tiếp nhận lượng công việc ủy thác dịch vụ CNTT (IT Outsourcing) từ Nhật Bản.

Chương trình được thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2020. Trong đó, sẽ có khoảng 5.000 học viên được đào tạo tại Nhật Bản trong vòng 6 -12 tháng và 5.000 học viên được đào tạo tại Việt Nam. Trong vòng 1 năm học tại Nhật, học viên sẽ được đào tạo tiếng Nhật và tiếng Nhật chuyên ngành CNTT để đảm bảo thi đạt chứng chỉ tiếng Nhật N2. Bên cạnh đó, học viên cũng sẽ được bố trí việc làm thêm, thực tập tại FPT Nhật Bản hoặc các đối tác của FPT tại Nhật và tham gia các khóa học chuyên ngành CNTT trên hệ thống online.

Phải luôn rèn luyện để tiến bộ

Có dịp trò chuyện với những kỹ sư cầu nối thế hệ 8x của FPT Software Đà Nẵng, những người hiện nay đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong FPT, chúng tôi được các bạn trẻ chia sẻ, để có được thành công thì bản thân mỗi người đã trải qua muôn vàn khó khăn, nhất là nỗ lực không ngừng để xin được học bổng sang Nhật.

Chẳng hạn như chàng kỹ sư cầu nối Đinh Văn Năm đã xuất sắc vượt qua 400 sinh viên của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng giành 1 trong 5 suất tuyển dụng của Tập đoàn Takemoto Denki để được qua Nhật Bản làm việc và đào tạo.

Anh Năm đã phải đối mặt với “nỗi sợ học tiếng Kinh” và sự tự ti của bản thân, trở thành niềm tự hào của đồng bào H’Rê khi là chàng trai H’Rê đầu tiên giành được suất học bổng danh giá đó. Nhớ lại ngày đặt chân lên máy bay sang Nhật, anh Năm cho biết: “Khi sang Nhật, hành trang của tôi chỉ là một va-li mì tôm và 2.000 đồng. Nhưng khi vừa đặt chân đến nước mặt trời mọc, tôi thấy cơ hội và tương lai của mình ở phía trước. Đây chính là nơi cho tôi nhiều trải nghiệm, môi trường học tập nghiêm túc để bản thân tôi tiến bộ mỗi ngày”. 

Hiện tại, Đinh Văn Năm đang làm việc trực tiếp với khách hàng Nhật Bản liên quan đến sản phẩm ô-tô. Chàng trai này mong muốn mình và đồng nghiệp sẽ tạo được sản phẩm riêng chứ không chỉ làm theo đơn đặt hàng như hiện nay.

Theo các chuyên gia phần mềm, để được tuyển dụng vào vị trí kỹ sư cầu nối thì trong quá trình học tập ở nước ngoài, bản thân mỗi người phải thể hiện sự tiến bộ không ngừng qua mỗi ngày. “Người Nhật luôn đòi hỏi sự tiến bộ vì vậy nếu như không chứng tỏ được bản thân thì bạn sẽ tự đào thải khỏi cuộc chơi”, anh Nguyễn Tấn Huy, Giảng viên Trung tâm Đào tạo của FPT Software Đà Nẵng chia sẻ.

Kể về những kỷ niệm trong quá trình học tập tại Nhật Bản, anh Huy cho rằng, ngôn ngữ không phải là rào cản duy nhất mà quan trọng là làm sao để mỗi ngày, anh phải chứng tỏ cho người Nhật thấy mình đã thực sự tiến bộ và không ngừng rèn luyện.

Anh Huy kể: “Để học được tiếng Nhật, tôi phải làm quen với một người dân Nhật, hằng ngày tới nhà họ trò chuyện, học cách phát âm chuẩn. Tôi cũng phải chứng tỏ mình là người tiến bộ, chẳng hạn như mỗi ngày ăn mặc đẹp hơn, giao tiếp tốt hơn và ngay cả điều giản đơn nhất là cân nặng cũng phải được cải thiện”.

Gần 10 năm làm việc ở FPT, tiếp xúc với nhiều khách hàng ở Mỹ và Nhật Bản, anh Huy đưa ra lời khuyên cho các bạn sinh viên muốn theo đuổi nghề kỹ sư cầu nối là ngoài việc học cần phải tham gia nhiều hoạt động phong trào ở trường; 3 năm đầu sau khi tốt nghiệp nên chọn môi trường làm việc có thể rèn luyện kỹ năng tốt nhất. “Kỹ năng rất quan trọng và được hình thành trong 5 năm đầu tiên, do đó, sinh viên cần tích lũy để sau 30 tuổi sẽ “tiêu xài” kỹ năng đó”.

Với các bạn trẻ đam mê CNTT sau khi tốt nghiệp ra trường, bao giờ cũng đặt mục tiêu là kiếm được việc làm thu nhập cao. Tuy nhiên, các kỹ sư cầu nối dày dạn kinh nghiệm chia sẻ, lập nghiệp là quan trọng, nhưng điều trước tiên là phải thỏa mãn được khách hàng và khẳng định được sự nỗ lực vươn lên của bản thân.

HOÀNG HÂN

.