Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu ở Paris vừa qua là dấu hiệu có thể làm thay đổi nền công nghiệp thế giới. Tờ New York Times (Mỹ) có bài: Thời kỳ giảm khí carbon là đây. Bài báo viết rằng khi mực còn chưa khô trên tờ thỏa thuận ở Paris thì các quốc gia giờ đây phải đối diện với thử thách khó khăn hơn: làm thế nào để ngành công nghiệp song hành trong nỗ lực giảm lượng khí thải?
Một công nhân làm than ở Afghanistan. |
Nancy Pfund, đối tác quản lý của công ty đầu tư phát triển xã hội, môi trường và kinh tế DBL Partners, nhận định: “Rất khó để đi ngược với xu hướng mới. Nhiều người đang bước lên con tàu này. Nếu ai còn ở dưới thì đã tới lúc phải nhảy lên rồi nếu như muốn kinh tế thế kỷ 21 được thịnh vượng”.
Thỏa thuận này sẽ thúc đẩy các ngân hàng và các quỹ đầu tư chuyển hướng đổ tiền từ than đá và dầu sang ngành công nghiệp năng lượng sạch như gió và mặt trời bởi xu thế giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.
Các công ty công nghệ và năng lượng sẽ phải đẩy mạnh khả năng đột phá để làm ra loại pin tốt hơn và rẻ hơn trong việc lưu trữ năng lượng sử dụng khi cần. Các nhà sản xuất ô-tô cũng sẽ phải đưa ra thị trường thế giới những ô-tô điện cho phù hợp với xu thế giảm khí thải toàn cầu.
Sau khi các tỷ phú như Bill Gates, Richard Branson thể hiện rõ tinh thần đóng góp cho nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu thì nhiều doanh nghiệp tầm cỡ thế giới như Coca-Cola, DuPont, General Mills, HP và Uniliver cũng đã bày tỏ sự ủng hộ cho thỏa thuận lịch sử ở Paris.
Trên tài khoản Twitter cách đây vài ngày, công ty dầu nước Anh BP gọi thỏa thuận ở Paris là “mang tính bước ngoặt” và cam kết trở thành “một phần của giải pháp”. Trước đó - chính xác là hồi tháng 6 - BP cùng với Royal Dutch Shell và Total kêu gọi đánh thuế khí thải carbon bởi như thế sẽ thúc đẩy các công ty dầu và khí đốt tìm ra hướng đi mới trong tương lai.
Stephen D. Eule thuộc Phòng Thương mại Mỹ cho biết đây là thỏa thuận không có tính ràng buộc pháp lý nên không dễ thực thi, nhất là trong hoàn cảnh còn quá nhiều thứ để giải quyết. Kinh tế toàn cầu cần một chặng đường dài để thoát khỏi việc sử dụng than đá và dầu kể từ cuộc cách mạng công nghiệp.
Nguồn năng lượng tái tạo đang tăng nhanh trên toàn cầu nhưng cho tới nay chỉ mới chiếm khoảng 10% so với tổng năng lượng sử dụng mà chủ yếu là thủy điện, trong khi đó gió và mặt trời chỉ có 1,6%. Một số chuyên gia về năng lượng cho rằng nếu không đánh thuế khí thải carbon đa quốc gia hoặc một quy định về giá nào đó cho carbon thì không dễ để thỏa thuận đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, thực tế đã có nhiều sự thay đổi. Những nhà sản xuất ô-tô dưới sức ép về tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng của Mỹ đã phải hướng tới sản xuất xe với động cơ nhỏ và tăng đầu tư vào sản xuất xe hybrid (xe có 2 động cơ, thường là 1 xăng và 1 điện) và xe điện.
Tuần trước, Ford Motor cho biết đầu tư 4,5 tỷ USD vào 13 kiểu xe ô-tô điện mới vào năm 2020. Giám đốc điều hành của Ford Motor là Mark Fields giải thích quyết định đầu tư “Chúng tôi làm như thế vì có 2 lý do.
Thứ nhất là mọi người thích những loại xe ô-tô điện. Thứ hai là những quy định ngày càng khó đáp ứng ở xe chạy bằng xăng hay diesel”. Một nghiên cứu mới đây của Goldman Sachs cho thấy công nghệ ít carbon cho gió và mặt trời, xe điện và xe hybrid đã thu hút 600 tỷ USD năm ngoái, tức gần bằng với ngân sách quốc phòng của Mỹ. Trong khi đó, các nhà đầu tư vào than đá cũng bắt đầu rút vốn. Thậm chí có nhà đầu tư lớn phải nộp đơn xin phá sản vì giá gas giảm và quy định ngày càng chặt chẽ hơn.
ANH THƯ (Theo New York Times)