Những ai từng công tác trong ngành giáo dục ở Hòa Vang mười lăm năm trước hẳn chưa quên những phòng học xuống cấp, mùa mưa thấm dột, mùa hè nóng ran, sân trường nhấp nhô đá sỏi. Học sinh trong giờ ra chơi chẳng biết làm gì ngoài đá cầu, nhảy dây hay quẩn quanh trong không gian lớp học. Sách ở thư viện nghèo nàn, không đáp ứng nhu cầu mượn hay đọc tại chỗ cho các em.
Niềm vui của thầy và trò Trường THCS Ông Ích Đường khi 2 phòng chuyên môn đang được khẩn trương xây dựng. Ảnh: T.Y |
Còn bây giờ, những điều ấy chỉ còn trong hoài niệm bởi gần 100% trường học tại đây lần lượt đạt chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, mang lại diện mạo mới, nâng cao hiệu quả trong công tác đào tạo.
Trường làng lên chuẩn
Ngày đầu tiên nhận công việc tại Trường THCS Ông Ích Đường, xã Hòa Phú, chị Mai Thị Nhung không khỏi chạnh lòng khi nhìn không gian thư viện mà chị sẽ gắn bó ẩm thấp, tạm bợ, ánh sáng len lỏi hắt vào qua ô cửa nhỏ. Bước vào phòng, mùi nấm mốc xộc vào mũi ngột ngạt và khó chịu, tường loang lỗ vết xi-măng trám.
Kệ sách lác đác vài trăm cuốn, bìa nhàu nhĩ. Vài bộ bàn ghế xiêu vẹo. Vừa làm nhiệm vụ quản thư, chị vừa phối hợp với thầy cô giáo, tận dụng mối quan hệ để xin sách về cho học trò. Sách cũ, sách mới, sách tham khảo, lịch sử, truyện tranh chị đều vui vẻ nhận từ người này người kia rồi đặt ngay ngắn lên kệ, ghi thêm vào phần phụ lục thư viện để học trò có thêm cơ hội tiếp cận với sách.
Mới đó mà tròn 15 năm ngày chị Nhung về trường. Là người địa phương, chị hiểu rõ hơn ai hết những nhọc nhằn, vất vả in hằn lên gương mặt khắc khổ của bao bậc phụ huynh. Khu vườn khô cằn, mảnh ruộng thiếu nước tưới tiêu khiến nhiều đứa trẻ gian nan lắm mới được đến trường học chữ. Vì thế, làm gì được cho các em là niềm vui và hạnh phúc của những người làm trong ngành giáo dục như chị Nhung.
Từ diện tích 50m2, thư viện Trường THCS Ông Ích Đường được tăng cường thêm 2 phòng học, mở rộng khuôn viên lên 150m2 để đáp ứng không gian chứa sách, trưng bày và nơi ngồi đọc cho các em.
Vẫn cơ sở vật chất được xây dựng từ thập niên 90, nhưng trần, tường đã được chăm chút hơn để chống thấm dột. Chia sẻ những khó khăn của ngôi trường nằm gần chân núi, đầu năm 2015, Công đoàn Đại học Đà Nẵng quyết định hỗ trợ gần 100 triệu đồng giúp nhà trường mua sắm bàn ghế, lắp đặt hệ thống gần 10 máy tính có kết nối mạng, giúp thư viện đạt chuẩn thư viện tiên tiến theo hướng dẫn 11185/GDTH của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bên cạnh đó, nhờ sự tiếp sức của Trường THCS Nguyễn Huệ (phường Thạch Thang, quận Hải Châu), số lượng đầu sách ở Ông Ích Đường cũng tăng theo từng năm. Nếu năm học 2012-2013, thư viện có chưa tới 2.000 cuốn sách thì nay đã tăng trên 10.000 sách các loại, trong đó có 7.058 sách tham khảo, 2.000 sách nghiệp vụ, còn lại là tạp chí, sách thiếu nhi, phục vụ nhu cầu đọc tại chỗ cho học sinh.
Cũng trong thời gian này, Trường THCS Ông Ích Đường đang khẩn trương hoàn thành tiến độ xây dựng 2 phòng bộ môn Sinh và Công nghệ với tổng kinh phí khoảng 2,3 tỷ đồng. Đứng giữa sân trường đang còn ngổn ngang gạch vữa, ông Lê Đức Kế, Hiệu trưởng nhà trường không khỏi xúc động khi nói về công trình này.
Ông cho biết, cách đây tròn 1 năm, khi ông Trần Thọ - lúc ấy còn giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - về dự lễ khai giảng nhìn thấy dãy nhà cấp 4 cũ nát nằm chắn giữa sân trường, đã đồng ý cho đập bỏ và hỗ trợ kinh phí xây dựng 2 phòng chuyên môn để giáo viên có điều kiện nâng cao kỹ năng dạy học. Cũng theo ông Kế, nếu xây dựng xong 2 phòng này, Trường THCS Ông Ích Đường có đủ điều kiện đạt chuẩn cơ sở vật chất. Đây cũng là câu chuyện vui của thầy và trò trong những tháng qua.
Chăm lo cho sự nghiệp trồng người
Trường THCS Ông Ích Đường chỉ là một trong hàng chục ngôi trường ở Hòa Vang được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất thời gian qua. Đây thực sự là động lực lớn để các trường quyết tâm đổi mới, nâng cao phương pháp dạy và học, dần xóa bỏ khoảng cách về chất lượng đào tạo giữa vùng nông thôn và khu vực thành thị. Ngoài nguồn vốn thành phố, ngân sách huyện, ngành giáo dục Hòa Vang cũng hưởng lợi rất nhiều từ nguồn xã hội hóa.
Hiệu trưởng THCS Nguyễn Bá Phát (xã Hòa Liên), ông Nguyễn Quang Hân chia sẻ rằng, những người làm công tác quản lý như ông rất hạnh phúc khi cơ sở vật chất của nhà trường từng bước được cải thiện.
Niềm vui của ngôi trường Ông Ích Đường khiến ông nhớ lại một thời Trường THCS Nguyễn Bá Phát cũng chật vật trên con đường đạt chuẩn. Theo ông, ngoài chất lượng dạy và học được nâng cao, học sinh đạt nhiều giải thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi, đáp ứng yêu cầu khắt khe của ngành giáo dục, thì cơ sở vật chất đóng vai trò quan trọng không kém.
Từ năm 2007, Nguyễn Bá Phát là tên gọi mới của Trường THCS Hòa Liên (thành lập năm 1978). Sau hàng chục năm xây dựng và trưởng thành, năm 2013, ngôi trường này mới đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia.
Theo ông Hân, không phải ngẫu nhiên một số trường như THCS Ông Ích Đường, Nguyễn Bá Phát hay Nguyễn Tri Phương (Hòa Bắc) luôn nằm trong “top” trường có thành tích học tập khiêm tốn, chưa kể đuổi kịp trường ở khu vực trung tâm huyện hoặc nội thành Đà Nẵng.
Ông đơn cử, đầu mỗi năm học mới, tại các trường miền núi, thiết bị và đồ dùng học tập đều được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp một phần, còn lại nhà trường tự bỏ ngân sách mua sắm mới. Tuy nhiên, do điều kiện kinh phí hạn chế, nên số lượng và chất lượng vẫn chưa thật sự đảm bảo.
Nhiều thầy cô giáo phải tự tay thiết kế đồ dùng học tập, hỗ trợ học sinh trong những tiết thực hành. Sau những khó khăn ban đầu, đến nay 100% giáo viên THCS Nguyễn Bá Phát vận dụng phương pháp giảng dạy mới, triển khai tốt các phần mềm soạn giáo án điện tử, nhập điểm và xử lý kết quả kiểm tra, thi cử trên máy tính, giảng dạy theo chuyên đề...
Để khuyến khích, động viên cả thầy và trò cùng nỗ lực, nhiều năm nay, Trường THCS Nguyễn Bá Phát sử dụng một phần nhỏ ngân sách để thưởng nóng cho giáo viên, học sinh có thành tích tốt trong các kỳ thi học sinh giỏi.
Đến các trường tại Hòa Vang trong thời gian gần đây, có thể nhận ra sự đổi thay đến từ khuôn viên sân trường rợp bóng cây xanh, từ những bài giảng sinh động, những lớp học khang trang rộng rãi hay từ khu vực phòng chuyên môn, thực hành, phòng máy với hàng chục máy tính được nối mạng.
Bà Phạm Hồ Quỳnh Trang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang, khẳng định đây là kết quả của công cuộc xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện 5 năm qua. Đến nay, toàn huyện có 30 trường đạt chuẩn quốc gia (tăng 5 trường so với năm học 2013-2014) và 42 trường đạt chuẩn cơ sở vật chất.
Chất lượng giáo dục ở Hòa Vang không còn khác biệt so với các quận ở nội thành. Tỷ lệ học sinh đậu đại học cao, các cuộc thi học sinh giỏi, thi tin học trẻ không chuyên một số trường đứng ngang hàng với các trường có thành tích cao tại Đà Nẵng.
Có thể nói rằng, bộ mặt ngành giáo dục Hòa Vang đang có những đổi thay tích cực. Niềm vui không chỉ đến từ kết quả học tập, từ cơ sở vật chất ngày càng đảm bảo, mà còn đến từ sự quan tâm, giúp đỡ của nhiều tổ chức xã hội.
Trong đó, có thể kể đến sự kề vai sát cánh của Đảng ủy Đại học Đà Nẵng với kinh phí đóng góp hơn 2,6 tỷ đồng. Trong đó các trường trực thuộc đã có nhiều chương trình hỗ trợ như tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên THCS và Tiểu học về ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế bài giảng điện tử, xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, xây dựng website và tặng sách giáo khoa, xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách. Sự quan tâm ấy trở thành động lực, là niềm vui của thầy và trò Hòa Vang trên con đường chinh phục tri thức.
Trong vòng 5 năm qua, huyện Hòa Vang đã đầu tư nâng cấp 143 công trình trường học các cấp. Trong đó đầu tư xây mới 28 hạng mục công trình (102 phòng học, 18 phòng bộ môn, 1 nhà hiệu bộ, 4 công trình phụ) với tổng kinh phí 145,65 tỷ đồng. Nâng tỷ lệ trường học các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS có cơ sở vật chất đạt chuẩn đạt 95,45% với 42/44 trường đạt chuẩn cơ cở vật chất. Riêng số trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn là 30/44 trường. Như vậy, so với quy định của Trung ương, huyện Hòa Vang có 11/11 xã đã đạt chuẩn về tiêu chí trường học. |
TIỂU YẾN