Đà Nẵng cuối tuần
Những hạt gạo trên sàng
Đề án “Tạo nguồn cán bộ cho chức danh Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” có 132 học viên tốt nghiệp sau hai đợt đào tạo, trong đó hiện có 94 người đã được vào vị trí cấp ủy.
Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Ngọc Hải (thứ hai, trái sang) nhận quà của thành phố tặng cho đồng bào Cơtu thôn Phú Túc. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Dám nghĩ dám làm
Từ ngã ba Chợ đến cầu Lâm Viên dẫn vào trụ sở xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, có 22 hộ từ lâu lấn đường xây dựng trái phép từ 3 – 5m. Về nhậm chức Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách kinh tế một thời gian, Nguyễn Ngọc Hải nhận ra sự tồn tại không thể chấp nhận này. Khéo léo và quyết đoán, anh vận động 22 hộ này tự tháo dỡ vật kiến trúc lấn chiếm đường.
Lúc đầu các hộ này tỏ ra bất bình vì anh làm ảnh hưởng đến lợi ích (không chính đáng) của họ, có hộ phần tháo dỡ trị giá khoảng 40 - 50 triệu đồng mà không được hỗ trợ. Xong đâu đó, anh xin nguồn kinh phí làm lề đường rồi hướng dẫn nhóm hộ này buôn bán, phát triển kinh tế gia đình, chẳng mấy chốc đoạn đường trở nên sầm uất. Từ đó nhóm hộ này mới thấy “ông Hải suy nghĩ thật sâu xa, giờ mình khấm khá cũng nhờ ổng”.
Cũng năm đó, anh tiếp tục vận động và được nhân dân 10 thôn trong xã hưởng ứng rất nhiệt tình trong việc làm đường giao thông kiệt hẻm, giao thông nội đồng. Đầu năm năm 2014, anh được bầu làm Chủ tịch UBND xã, dù Hòa Phú không nằm trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới, nhưng đã đăng ký với huyện và về đích nông thôn mới ngay trong năm này.
Trước đó, Hải nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu ở các thôn phù hợp với loại cây gì, sau đó xây dựng phương án trồng cây bơ ghép, cây thanh long ruột đỏ để nhân rộng mô hình. Năm 2013, anh xây dựng 2 phương án: Khôi phục làng nghề nấu rượu cần của bà con người Cơtu thôn Phú Túc và trồng cỏ nuôi bò chất lượng cao mang lại thu nhập cho người dân.
Nguyễn Ngọc Hải là một trong những cán bộ được đào tạo từ Đề án “Tạo nguồn cán bộ cho chức danh Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” (Đề án 89). Được đào tạo chính quy, bài bản, dám nghĩ dám làm, nhưng ai cũng trẻ cả.
Có lẽ xuất phát từ câu nói dân gian trẻ người non dạ nên không ít các vị lớn tuổi lúc đầu tỏ vẻ “bằng mặt không bằng lòng” đối với đội ngũ nhân lực trẻ được phân bổ về địa phương này, như trường hợp chị Nguyễn Thị Vân ở xã Hòa Phong.
26 tuổi, Phó Bí thư thường trực Đảng bộ xã, Vân thường xuyên phải tham gia phát biểu chỉ đạo các cuộc họp. Lúc đầu rất ngỡ ngàng, lo lắng, không biết mình có thể làm tốt vai trò của mình không? Một lần khi đi thăm mô hình rau sạch ở Túy Loan, một nông dân cao niên nói với chị: “Mấy đứa trẻ này học xong ra làm chứ biết gì nông nghiệp mà rau với lúa”.
Thế nhưng, sau khi nghe chị phát biểu và động viên bà con nhân dân sản xuất và định hướng xây dựng vùng chuyên canh thì ông nông dân “khó tính” này không nói gì nữa. Qua nhiều lần chị tham gia cùng bà con dưới thôn, một hôm ông đến bảo: “Tui nói thật là không nghĩ cô lại sâu sát với bà con nông dân như rứa, lại có nhiều định hướng hay, rõ ràng bà con rất phấn khởi”.
Tâm lý chung của những cán bộ chưa qua tuổi “tam thập nhi lập” như Vân là: “Khi xuống chi bộ vẫn ngại nhất là các bác hưu trí, nhưng nhờ nỗ lực hết mình nên tôi được các bác rất ủng hộ, thường xuyên vỗ vai động viên”.
Bí thư Quận Đoàn Ngũ Hành Sơn Nguyễn Văn Minh (mang kính) cùng đoàn viên thanh niên tham gia hiến máu nhân đạo. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Vượt qua chính mình
Đề án 89 có 132 học viên tốt nghiệp sau hai đợt đào tạo, trong đó hiện có 94 người được vào vị trí cấp ủy. Ông Trần Đình Hồng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy cho rằng, tỷ lệ người tham gia cấp ủy trên 70% như vậy là cao, một kết quả rất khả quan.
Nhờ Đề án 89 mà chất lượng đội ngũ cán bộ xã, phường được nâng cao rõ rệt, nhất là ở Hòa Vang, nơi có đến 22/30 cán bộ tốt nghiệp đề án mang tính đột phá này được bầu vào cấp ủy.
Lương của đội ngũ cán bộ trẻ này được xếp theo ngạch bậc, ngoài hưởng chế độ tiền lương ở phường, xã còn được thành phố hỗ trợ mỗi tháng 1 triệu đồng/người trong 5 năm, chưa kể phụ cấp chức vụ. Đây là mức hỗ trợ nhằm giải quyết khó khăn ban đầu khi cán bộ về công tác ở cơ sở, chứ thành phố không có chính sách hỗ trợ nhà công vụ.
Chị Nguyễn Thị Thu Phương nhà ở Thăng Bình, Quảng Nam, từ cuối năm 2009 đến nay, sau khi tốt nghiệp Đề án 89, về phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, làm cán bộ văn hóa-xã hội, nay thêm công việc nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ở bộ phận Tư pháp phường, chuyên làm thư ký lập biên bản cho các vụ hòa giải, khiếu nại.
Số tiền 1 triệu đồng mỗi tháng này đã giúp chị trang trải được tiền thuê nhà trong 5 năm. Nay đã hết hạn nhận mức hỗ trợ này, chị được đồng nghiệp trong cơ quan giúp đỡ, trong đó việc quan trọng nhất là giới thiệu nhà thuê ổn định cho chị (5 năm chị đổi nhà thuê 4 lần).
Về chỗ ở, cán bộ về huyện Hòa Vang, nhất là ở các xã miền núi, khá vất vả. Nguyễn Ngọc Hải quê ở Đại Lộc, Quảng Nam, nhà ở phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ. Anh lên cơ quan ở Hòa Phú xa hơn 20km, trưa chủ yếu ăn mì tôm vì ở đây chưa có quán cơm nào, ngủ lại trên chiếc ghế tại văn phòng. Chị Lê Thị Thu Hà nhà ở Hòa Khương, theo “tiếng gọi 89” lên làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cũng gặp không ít khó khăn trong vấn đề nơi ăn chốn ở.
Để tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ nhận nhiệm sở xa nhà, ông Lê Trung Thắng, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hòa Vang cho biết, mỗi tháng ngoài 1 triệu đồng của thành phố hỗ trợ, cán bộ từ Đề án 89 còn được nhận thêm 2 triệu đồng theo chính sách chung của huyện hỗ trợ cán bộ các xã miền núi khó khăn, cán bộ các xã còn lại nếu luân chuyển khác địa bàn được hưởng 1 triệu đồng.
Nhận được nhiều ưu đãi, thế nhưng không phải tất cả cán bộ Đề án 89 đều “trụ” được với thời gian. Ông Thắng kể, có người về địa phương mà 3 năm không hoàn thành nhiệm vụ, nhiều lần cam kết sửa đổi mà vẫn thế.
Có người nhà rất xa, lên công tác miền núi, năng lực tốt nhưng lại đi trễ về sớm, có hiện tượng không trung thực... Cuối cùng, đành phải đưa họ ra khỏi đề án. “Một số nơi vẫn còn tư tưởng cục bộ địa phương. Lúc đầu khi cán bộ Đề án 89 về, cán bộ địa phương không tán thành. Muốn “trụ” vững và thành công trong nhiệm vụ được giao, các anh, các chị phải nỗ lực tự thân để khẳng định mình, sao cho mọi người tâm phục khẩu phục”, ông Thắng nhấn mạnh.
“Tinh thần 89”
Nguyễn Văn Minh, Quận ủy viên, Bí thư Quận Đoàn Ngũ Hành Sơn, từng là học viên Đề án 89 khóa đầu tiên. Năm 2010, với anh, là năm để lại dấu ấn trong quãng đời làm cán bộ của mình. Tháng 2 được Ban Tổ chức Thành ủy điều động về Tổ một cửa phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn; 2 tháng sau được chỉ định làm Phó Bí thư Đoàn phường; cuối tháng 5 được chỉ định Phó Bí thư Quận Đoàn, 3 tháng sau là Bí thư Quận Đoàn. Tự xét mình một năm mà thăng tiến đến những 4 lần, anh càng phấn đấu, rèn luyện hơn nữa cho xứng đáng với sự tin tưởng của cấp trên và của đoàn viên thanh niên.
Rèn luyện, theo cách nói của Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Trần Đình Hồng, là lăn lộn với công việc, với nhân dân, nếu chỉ ngồi miết ở văn phòng thì không hòa nhập được, không phát triển được. “Tất nhiên cũng đã có một số người ra khỏi đề án.
Ngón tay có ngón ngắn ngón dài, những cán bộ Đề án 89 hiện nay như hạt gạo còn lại trên sàng, hy vọng sẽ có bứt phá từ đội ngũ này. Anh nào qua thực tiễn, có năng lực được dân tín nhiệm thì sẽ được đào tạo cán bộ cấp quận, huyện và cao hơn”, ông Hồng khẳng định.
Chị Vân sau khi sinh con thứ 2 được hơn 3 tháng đã trở lại công tác, đi sớm về trễ, nhiều lúc quên cả mình là nữ có con dại. Chị Hà giờ đã “bén rễ” ở Hòa Bắc. Anh Hải quyết tâm xây dựng một Hòa Phú phát triển về mọi mặt. Chị Phương cảm thấy yêu thích công việc được giao, sẽ nỗ lực hơn nữa để được cấp trên quan tâm, ghi nhận, tin tưởng.
132 “hạt gạo trên sàng” của Đề án 89 sẽ tiếp tục học hỏi, tích lũy để phát huy “Tinh thần 89” (như cách nói của anh Minh) trong công việc được giao, góp phần xây dựng một Đà Nẵng phát triển bền vững, an bình.
Năm 2010, sau đại hội Đảng bộ cấp cơ sở, có 15 cán bộ từ Đề án 89 được tín nhiệm bầu vào cấp ủy phường, xã; trong đó 7 người giữ vị trí cán bộ chủ chốt (4 phó bí thư, 3 phó chủ tịch UBND). Năm 2015, có 94 cán bộ được tín nhiệm bầu vào cấp ủy cấp quận, phường, xã; trong đó 5 người là Quận ủy viên (2 Bí thư Quận Đoàn, 3 Bí thư phường), 16 Phó bí thư thường trực, 9 Phó bí thư tăng thêm, 6 Phó bí thư - Chủ tịch UBND, 24 Phó chủ tịch UBND, 2 Phó chủ tịch HĐND xã, 2 Bí thư Đoàn phường, 28 cấp ủy viên cấp phường không chuyên trách. Huyện Hòa Vang hiện là địa phương có số cán bộ Đề án 89 vào cấp ủy nhiều nhất với 22 người, xếp sau đó là quận Hải Châu với 20 người, hai quận Thanh Khê và Cẩm Lệ cùng 14 người. Nguồn: Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng |
VĂN THÀNH LÊ