Đà Nẵng cuối tuần

Đồ mới, đồ cũ

15:48, 31/01/2016 (GMT+7)

Không khó để nhận ra cái không khí tất bật ngày cuối năm ở những phiên chợ, từ chợ phố cho tới chợ quê. Nơi tập trung đông nhất vẫn là những gian hàng bán áo quần. Chỉ khác xưa, bây giờ chợ nào cũng có những gian hàng áo quần mới và áo quần cũ, gọi là đồ bành.

Những bàn tay lật ví thật nhanh, cũng có những bàn tay thoáng chần chừ, do dự. Những ánh mắt ánh lên niềm vui khi chọn được bộ đồ ưng ý cho người thân và cả cho mình!

Cùng mẹ xuống chợ chọn áo mới. Ảnh: T.L
Cùng mẹ xuống chợ chọn áo mới. Ảnh: T.L

Hẳn với ai từng trải qua ấu thơ trong những tháng năm dài gian khó, hai từ “áo mới” sẽ khó phai trong ký ức. Cái tuổi được mẹ may áo mới trong tôi đã qua lâu lắm rồi. Nhịp sống đô thị tất bật cứ mãi cuốn con người ta vào vòng xoáy của nó.

Và tôi cũng không là ngoại lệ. Cũng đã lâu lắm tôi không còn đủ thời gian thong thả dạo chợ để chọn cho mình manh áo mới, thay vào đó là chút thời gian vội vã tạt ngang một shop áo quần bất kỳ, miễn ở đấy có thứ cho mình chọn một cách vừa phải với túi tiền. Giờ có dịp thong dong chợ phố, chợ quê, chợt nhận ra muôn vàn thay đổi đến ngỡ ngàng.

Tuổi học trường làng, ước mơ lớn nhất của lũ chúng tôi là được mẹ may cho manh áo thật đẹp để hân hoan trong lễ khai giảng năm học mới. Ngày ấy, nhà nào kinh tế khá giả một chút, vào mỗi độ Tết, những đứa trẻ lại được ba mẹ sắm thêm cho một bộ áo quần đẹp nữa để đi chơi xuân. Vào những dịp đó, bộ áo quần mới đố mà rời được chủ nhân của nó, như niềm vui bất tận không muốn có điểm dừng.

Lũ trẻ cứ hít hà hơi vải thơm lựng và mặc mãi dù dăm ba đận mẹ giục thay ra để giặt. Nhưng cũng có nhiều đứa trẻ sinh ra trong nhà nông đông con, ngặt của thì việc có được chiếc áo mới đôi khi là mơ ước kéo dài từ năm này sang năm khác, từ tiểu học cho tới cấp hai. Trong những ngôi nhà khó nghèo ấy, niềm vui áo mới đôi khi chỉ dành cho đứa lớn nhất.

Không phải cha mẹ thương đứa lớn hơn đứa bé, mà đơn giản áo may cho đứa lớn, những đứa bé đằng sau cứ thế nối đuôi nhau mặc từ năm học này sang năm học khác. Những bộ áo quần “truyền kiếp” được chuyển chủ nhân vào đầu mỗi năm học cho đến lúc cũ sờn. Tôi mang lời hứa của cha về bộ áo quần mới dành cho đứa con áp út là tôi suốt những tháng năm tiểu học tới tận bây giờ.

Chắc cha đã để nó lẩn khuất, quên lãng vào đâu đó giữa muôn vàn tất bật của cuộc sống đầy lo toan, gồng gánh vì đàn con. Nhưng lời hứa ấy là hành trang nuôi dưỡng tâm hồn tôi trong va vấp dòng đời. Tôi thầm cám ơn cha vì chưa thực hiện lời hứa.

Bây giờ lũ trẻ đến trường, dù nhà khá giả hay nghèo khó đều không còn niềm ước mong áo mới nữa. Vào đầu mỗi năm học, dù cha mẹ tự mua hay đặt từ phía nhà trường, kiểu gì cũng có đồng phục để mặc. Mỗi năm đôi lần, tùy cảnh mỗi nhà, những đứa trẻ cũng được sắm sanh thêm vài manh áo mới, hàng hiệu hoặc hàng “sale”, tùy vào mỗi mùa.

Cụm từ áo mới vài năm nay không đơn thuần chỉ những thớ vải mới toanh. Thay vào đó, có một cụm từ khác được nhắc đến là “cũ người mới ta” chỉ về thứ áo quần đã qua tay người dùng được đem ra bán lại với giá rẻ, gọi là đồ sida hoặc đồ bành, gọi nôm na là đồ cũ. “Mười lăm ngàn một đôi”; “Mười ngàn ba cái”… những tiếng rao liên hồi, có tiếng phát ra từ chiếc loa rè rè thông qua băng ghi âm, có tiếng rao mộc vang lên một góc chợ.

Tầm 5 giờ chiều trở về tối, đó là thời gian những gian hàng bán đồ bành tập trung đông nhất, đủ mọi lứa tuổi. Họ cặm cụi chọn lựa, ngắm nghía, xáo lật để mong tìm ra được manh áo vừa ý cho người thân hoặc cho mình.

Tiếng trả giá thi thoảng lắm mới cất lên bởi giá cả với họ đã là quá “bèo”. Những gương mặt lộ nét vui vì tìm được món đồ vừa ý. Cũng có người tỏ ra mệt phờ sau chục lần xáo trộn vẫn chưa tìm thấy thứ gì như ý muốn. Khác với những gian hàng mới reo bảng giá “sale” to đùng, chất liệu vải ở gian hàng đồ bành khá tốt, có nhiều thứ là hàng hiệu hẳn hoi.

Trong tất bật của phiên chợ chiều. Nhìn những gian hàng đồ bành mỗi lúc càng tấp nập, ai cũng cố tranh thủ sau giờ tan ca để chọn cho mình một món hàng vừa ý nhất, tránh bị người đến trước “ẵm” mất. Tôi tần ngần nhìn những đống hàng bành được xếp lớp bỗng chốc trở thành đống xà bần trong tiếng rao không ngớt của những chủ hàng buôn, chợt chạnh lòng hình dung tiếng reo hò của con trẻ.

Khoảnh khắc ấy tôi nhớ về niềm vui ngày cũ của mình. Cuộc sống luôn là sự tiếp nối không ngừng nghỉ. Và sự đổi thay xô bồ và chóng vánh đến mức đôi khi chính tôi cũng không thể bắt nhịp. Kí ức ngập tràn cũ mới lẫn lộn. Dĩ nhiên tôi luôn muốn niềm vui áo mới trong tâm hồn con trẻ và ngay cả những người thuộc về lớp cũ như cha tôi được vẹn tròn như niềm vui của tôi ngày xưa, giữa thời khắc giao thoa của đất trời vào xuân mới!

THIÊN LAM

.