Đà Nẵng cuối tuần
Cùng nhau phát triển
Đồng hành Thương mại điện tử (TMĐT) là sự nảy sinh, phát triển những ngành nghề, các công ty chuyên cung cấp, hỗ trợ các dịch vụ giúp công việc sản xuất, kinh doanh, mua bán thông qua mạng Internet ngày càng thuận lợi.
Một buổi chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức với cộng đồng Marketing Online tại Đà Nẵng,thu hút sự quan tâm của khá nhiều bạn trẻ. (Ảnh do SMOD cung cấp) |
SEO – nghề được trọng vọng trong TMĐT
SEO (viết tắt của từ Search Engine Optimization) là hoạt động đưa trang chủ cùng từ khóa lên TOP các công cụ tìm kiếm. SEO phát triển mạnh ở Việt Nam cách đây chừng 5 năm, nhưng hiện đối với Đà Nẵng, còn khá mới mẻ.
Theo anh Hà Duy Sơn – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV SMOD Đà Nẵng – Công ty chuyên đào tạo SEO, cung cấp, hỗ trợ các dịch vụ SEO website lên Google; quảng cáo và PR trên mạng xã hội (cụ thể là Facebook); quảng cáo trên Google và Cốc Cốc ; SMS Marketing, Email Marketing…, SEO là “chìa khóa” quan trọng đối với những người muốn thành công kinh doanh qua mạng Internet.
SEO giúp tiếp cận khách hàng một cách có mục tiêu, đưa đến cho thương hiệu một lượng khách hàng tiềm năng và ổn định; giúp thương hiệu phủ sóng rộng rãi nhanh hơn, mạnh hơn, đặc biệt qua công cụ tìm kiếm phổ biến nhất: Google. “SEO tốt cũng giống như doanh nghiệp đang đặt trụ sở ở mặt phố chính vậy”, anh Sơn ví von. Khách hàng mua online bao giờ cũng có tâm lý muốn tham khảo ý kiến tại các địa chỉ khác nhau để so sánh giá cả, chất lượng, nguồn gốc…, kể cả khi họ biết rất rõ về sản phẩm.
Thông thường, khách hàng chỉ quan tâm đến 10 địa chỉ đầu tiên trên công cụ tìm kiếm như Google, Yahoo, Bing. Đây cũng là những vị trí mà các doanh nghiệp cần duy trì lâu dài để thu hút người mua. Vì vậy, TMĐT càng phát triển thì nhu cầu làm SEO càng tăng.
Cũng theo Phó Giám đốc Sơn, nếu có kỹ năng tốt, ngoài công việc tại một công ty, những người làm trong nghề này có thể xây dựng các trang web cá nhân tự kinh doanh, kiếm tiền trên mạng.
Tại Đà Nẵng, các lĩnh vực kinh doanh có nhu cầu SEO lớn nhất là du lịch, kế đến là điện thoại di động, vật liệu xây dựng, thời trang, đồ chơi trẻ em… Sau khi sử dụng dịch vụ SEO từ khóa lên TOP Google, doanh số bán hàng tăng từ 40-60%/tháng là phản hồi của hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư SEO.
Tuy nhiên, thực tế, đối với thị trường TMĐT tại Đà Nẵng, việc đầu tư để SEO các sản phẩm kinh doanh, thương hiệu và duy trì trên Top Google nhìn chung còn khá dè dặt. SEO một từ khóa lên TOP có thể dao động từ 1 triệu đồng đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để duy trì vị trí Top. Đó là khoản chi không hề nhỏ, nhất là với những doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh nhỏ, lẻ.
Theo nhận định của các chuyên gia, TMĐT là xu hướng tất yếu có thể thay thế kênh mua sắm truyền thống hiện nay. Do đó, dù không còn “hot” như cách đây vài năm, nhưng nhu cầu nhân lực nghề SEO vẫn sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho người trẻ
Nguyễn Thị Hiền Lương, Quản lý nội dung marketing của Công ty cổ phần CTNET Digital (Đà Nẵng), tỏ ra khá hài lòng với công việc hiện tại của bản thân. Tốt nghiệp Đại học ngành Kinh tế đối ngoại, song Hiền Lương luôn đam mê với mảng Content (nội dung), với việc viết lách.
Vì vậy, cô đã chuyển hướng theo đuổi lĩnh vực Content Marketing, đến với công việc hiện tại: phụ trách lên kế hoạch, xây dựng, định hướng và sáng tạo nội dung marketing cho các dự án của công ty cũng như của các đối tác và khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là nội dung trên các kênh marketing online như mạng xã hội, website, các ấn phẩm chạy quảng cáo Facebook, Google, bài PR trên các trang tin, báo mạng… đồng thời kiểm soát hiệu quả và đề xuất chiến lược sao cho phù hợp nhất với từng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh của từng đối tác, khách hàng.
Một khối lượng công việc khá đồ sộ so với sức vóc của một cô gái nhỏ bé, song chưa bao giờ Hiền Lương cảm thấy chán nản, mệt mỏi. Cô luôn làm việc với tâm thế học hỏi, khám phá cái mới mỗi ngày.
T.T.N, nhân viên chuyên viết bài quảng bá thương hiệu áo cưới MaiWedding Đà Nẵng trên Google và các trang mạng xã hội, cho biết công việc này khá thú vị và đem lại nguồn thu nhập khá ổn định cho cô hằng tháng. Tốt nghiệp ngành báo chí, song trầy trật mãi, cô vẫn không theo được nghề. “Cách đây mấy tháng, nhận được thông báo tuyển dụng của MaiWedding em quyết định thử, và bây giờ em thấy khá hài lòng với lựa chọn của mình”, T.T.N bộc bạch.
Nhiều công ty, doanh nghiệp sau khi mở thêm kênh kinh doanh online đều cho rằng, sẽ nảy sinh một nhu cầu khá lớn về nhân lực để đảm đương các công việc như thiết kế web, xây dựng nội dung quảng bá, tư vấn, chăm sóc khách hàng, dịch vụ vận chuyển…
Anh Huỳnh Quang Bình, Giám đốc Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Hưng Gia Bình (Đà Nẵng) thú nhận, để tiết kiệm tối đa chi phí, vị giám đốc này đã “tự làm” nhiều việc như đưa thương hiệu công ty lên Top Google (tự Seo), tự viết nội dung quảng bá… nhưng còn “hàng núi” công việc khác liên quan đến kinh doanh online, thì “có ba đầu sáu tay”, anh cũng không kham nổi. So với ngày đầu thành lập, đến nay, nhân sự tại Hưng Gia Bình đã “nở” ra gấp 5, 6 lần so với trước, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Vận động không ngừng
Có kinh nghiệm hơn 3 năm phụ trách nội dung marketing tại Hà Nội và gần 1 năm tại Đà Nẵng, song mỗi ngày làm việc đối với Hiền Lương luôn là một trải nghiệm mới. Trong chiều rộng không giới hạn và yêu cầu luôn cập nhật thông tin, liên tục thay đổi của các loại hình kinh doanh trực tuyến không cho phép cô dừng lại.
Theo Hiền Lương, đó cũng là tâm thế làm việc của hơn 30 nhân viên (phần lớn còn rất trẻ) tại CTNET. Cũng như T.T.N, dù chỉ phụ trách một bộ phận công việc rất nhỏ tại MaiWedding, cô cũng luôn ý thức và không ngừng nỗ lực làm mới mỗi ngày, nếu muốn đứng vững với nghề.
Hay như Công ty TNHH MTV SMOD (Đà Nẵng), dù đã khá thành công trong việc đẩy mạnh thương hiệu của nhiều đối tác, xây dựng được lượng khách hàng ổn định, song các dịch vụ của công ty luôn được cập nhật mới, hoàn thiện, nhằm đem lại hiệu quả kinh doanh tối đa cho khách hàng, với chi phí thấp nhất.
Hiện SMOD đang chuẩn bị cho ra sản phẩm phần mềm hỗ trợ Marketing (SMS và Email) nhằm phục vụ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, dịch vụ và chăm sóc khách hàng tốt hơn qua tin nhắn và email. Với xu thế người người, nhà nhà sử dụng smartphone, wifi – 3G phủ sóng mọi lúc mọi nơi, TMĐT có xu hướng dịch chuyển một phần sang SMS và Email Marketing, là tất yếu, bởi chi phí thấp, dễ thực hiện, tiếp cận đa đối tượng, khả năng truyền tải thông điệp, tạo ấn tượng với người dùng cao, Phó Giám đốc SMOD Hà Duy Sơn phân tích.
SMOD hiện cũng đang hợp tác với Cổng thông tin dịch vụ công Đà Nẵng (Sở TT&TT Đà Nẵng) để khai thác tin nhắn thương hiệu (SMS Brandname) và tin nhắn chào mừng (SMS Welcome) nhằm giúp doanh nghiệp chăm sóc khách hàng và tiếp cận khách hàng mới tốt nhất có thể.
THANH TÂN