Đà Nẵng cuối tuần
Một lần bất tín, vạn lần bất tin
Mua phải hàng xấu, hàng kém chất lượng, gần hết hạn sử dụng, màu sắc, mẫu mã khác xa so với quảng cáo là một số rủi ro khi quyết định mua sắm trực tuyến. Thậm chí, nhiều trường hợp rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” khi trót giao dịch mua bán với các trang mạng làm ăn gian dối, thiếu trung thực.
Hàng được quảng cáo trên mạng (trái) và hàng thực tế khách hàng nhận (phải). (Ảnh minh họa) |
Rủi ro khi mua hàng trực tuyến
Những năm gần đây, bán hàng qua mạng online trở thành hình thức mua sắm tiện lợi, hấp dẫn với đa số chị em bởi tính năng ưu việt như cung cấp các dòng sản phẩm đa dạng, tiết kiệm thời gian, thường xuyên có chương trình giảm giá.
Thế nhưng, không phải lúc nào người mua cũng hài lòng với sản phẩm mình nhận được, nhất là các mặt hàng như giày dép, túi xách, quần áo thời trang. Không ít trường hợp phải dở khóc, dở cười, vứt sản phẩm mình vừa mua vào “một xó” vì quá xấu hay kém chất lượng, không thể sử dụng được.
Chị Nguyễn Thị Thu, trú đường Nguyễn Trung Trực, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà chia sẻ, chị muốn tặng bố chồng chiếc điện thoại Viettel X6216 có tính năng hỗ trợ người già như thiết kế bàn phím to, nổi, rõ ràng; hỗ trợ đọc số bằng giọng nói; cài đặt nhiều phím tắt giúp người cao tuổi dễ dàng gọi nhanh cho người thân, hỗ trợ đèn led siêu sáng…
Qua tìm hiểu, chị biết thêm việc nghe FM trên X6216 không cần gắn tai nghe, được hỗ trợ cần angten để bắt sóng ở mọi vị trí, rất phù hợp với người thích nghe đài FM như bố chồng chị.
Đầu năm bận rộn, chị Thu quyết định lướt website và tiến hành giao dịch trên một trang bán hàng trực tuyến khi nhìn thấy chiếc điện thoại Viettel X6216 được rao bán với giá 549.000 đồng trong khi giá ngoài thị trường là 650.000 đồng.
Vài ngày sau, chị nhận được sản phẩm, vui vẻ mang đi tặng bố chồng và không quên việc quảng cáo về chiếc điện thoại X6216 có giá rẻ nhưng mang nhiều tính năng ưu việt, trong đó, bố chồng chị rất thích chi tiết dung lượng pin có thể sử dụng đến 6 ngày.
Niềm vui trong lòng chị Thu còn chưa tắt thì bố chồng gọi chị qua nhà phàn nàn về việc chiếc điện thoại sử dụng chưa đến 2 ngày đã hết pin. Chị mang điện thoại đến cửa hàng di động trên đường Hoàng Diệu nhờ kiểm tra thì nhân viên ở đây cho biết chị mua phải điện thoại đã được đánh tráo pin chính hãng bằng pin kém chất lượng.
Chị liên lạc lại bên bán thì được trả lời rằng do người mua không kiểm tra kỹ trước khi nhận hàng nên giờ họ không có trách nhiệm giải quyết. Đến lúc này chị đành ngậm bồ hòn làm ngọt!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặt hàng điện tử bị “đánh lận con đen” như trường hợp chị Thu gặp, không nhiều bằng sản phẩm giày dép, quần áo thời trang. Không ít trường hợp khi nhìn thấy hình ảnh quảng cáo trên mạng đã không ngần ngại đăng ký mua nhưng khi nhận hàng mới biết sản phẩm thực tế hoàn toàn khác xa với hình ảnh quảng cáo.
Thời gian trước Tết, chị Hoàng Thị Anh, sống tại một căn hộ chung cư trên đường Trần Cao Vân truy cập vào trang cungmuadanang.com, chị khá ưng ý mẫu chiếc đầm body labelle D194 màu trắng, có chất liệu thun có thiết kế ôm sát thân thể, đơn giản nhưng hiện đại, trẻ trung, sang trọng và gợi cảm giá 340.000 đồng với các số đo rõ ràng, nên chị đã đăng ký mua.
Tuy nhiên, khi nhận hàng và cầm sản phẩm trên tay, chị “ngã ngửa” khi thấy sản phẩm thực tế có chất thun siêu mỏng màu mỡ gà, khi mặc vào, nội y bên trong bị phơi bày trông rất phản cảm. Không những thế, đường chỉ may rất cẩu thả, dáng váy không cân đối khiến chị không thể mặc được.
Sau nhiều lần đến tận trụ sở khiếu nại, yêu cầu trả lại tiền, song chị Anh chỉ được đồng ý đổi trả váy này để lấy một váy khác phù hợp hơn. “Dù đã trực tiếp chọn một sản phẩm khác nhưng tôi thấy không thật sự thoải mái vì giống như mình bị bắt ép mua hàng. Một lần bất tín, vạn lần bất tin, có lẽ từ đây đến già tôi không dám đăng ký mua hàng trên trang đó nữa”, chị Anh thẳng thắn bày tỏ.
Cần tỉnh táo trước những “mối hời”
Không thể phủ nhận thời gian qua, xu hướng bán hàng qua mạng, mua sắm trực tuyến đã tiết kiệm thời gian, mang lại nhiều lợi ích cho các đối tượng thụ hưởng.
Thế nhưng, các trường hợp như chị Thu, chị Anh gặp phải thường không được cơ quan chức năng giải quyết do hiện nay chưa có chế tài xử phạt cụ thể đối với trường hợp người bán cung cấp sản phẩm kém chất lượng, không giống như quảng cáo để bảo vệ người tiêu dùng. Chính kẻ hở này đã giúp một số địa chỉ kinh doanh làm ăn gian dối, đánh lận con đen nhằm trục lợi bất chính.
Thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), mua bán trực tuyến... Trong các năm từ 2011 đến 2015, Chi cục tiến hành kiểm tra, xử lý 4 doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực TMĐT với tổng số tiền xử phạt là 34,5 triệu đồng.
Cụ thể, Chi cục xử phạt Shop Xdeal Đà Nẵng (www.xdealdang.com, 95 Hàm Nghi, Đà Nẵng) vi phạm về bán hàng hóa xâm phạm bản quyền; Chi nhánh Công ty Cổ phần Truyền thông Việt Nam tại Đà Nẵng (muachung.vn, 21 Hàm Nghi, Đà Nẵng) thực hiện khuyến mại không thông báo về Sở Công Thương theo quy định; xử phạt cungmuadanang.com (316 Nguyễn Hữu Thọ, Đà Nẵng) về các hành vi như bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, kinh doanh hàng mỹ phẩm nhập lậu, thực hiện khuyến mại không thông báo; Văn phòng Cùng mua tại Đà Nẵng (www.cungmua.com, 62 Lưu Quý Kỳ, Đà Nẵng) về kinh doanh không biển hiệu. Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường cũng nhắc nhở, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động TMĐT.
Có thể nói, con số xử lý vi phạm trên chỉ như muối bỏ bể bởi hầu hết khách mua hàng trực tuyến được chúng tôi khảo sát đều trả lời từng ít nhất một lần trong đời gặp phải trường hợp mua phải hàng xấu, hàng kém chất lượng, hàng giả, gần hết hạn sử dụng hoặc màu sắc, mẫu mã khác xa so với quảng cáo.
Thời gian gần đây, việc mua hàng trên mạng không chỉ dừng lại ở rủi ro như trên mà còn đối mặt với tình trạng lừa đảo như việc mua phải hàng ảo, hàng không có thật. Đơn cử vừa qua, cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Công an TP. Đà Nẵng ra lệnh bắt khẩn cấp Lương Thái Vỹ sinh năm 1997, trú thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam về hành vi “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Được biết, khi đang là sinh viên một trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Vỹ đã đăng những thông tin bán hàng, chủ yếu là xe máy trên trang raovat.com. Nhiều người có nhu cầu mua xe máy đã liên lạc vào số điện thoại Vỹ cung cấp và được Vỹ hướng dẫn đặt cọc, chuyển tiền vào tài khoản Vỹ. Ngay khi nhận được tiền, Vỹ nhanh chóng rút tiền và khóa tài khoản…
Nhằm hạn chế rủi ro trong mua sắm trực tuyến, những người thường xuyên mua hàng trên mạng thường truyền kinh nghiệm cho nhau. Người mua nên chọn những địa chỉ uy tín, được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép hoạt động.
Về hình thức thanh toán, nên chọn địa chỉ có hình thức thanh toán sau khi nhận hàng, tuyệt đối không chuyển tiền trước vào tài khoản người bán. Bên cạnh đó, người mua cần tìm hiểu kỹ các thông tin như xuất xứ, nhãn hiệu, kích thước, chất liệu… nhằm tránh mua phải hàng giả các thương hiệu uy tín, trao đổi cụ thể về chất liệu vải, các số đo để có cơ sở khiếu nại nếu hàng không đúng chất lượng.
Người mua cũng cần tìm hiểu kỹ chính sách bán hàng, có được đổi trả nếu hàng bị lỗi hoặc lưu lại các thông tin, nội dung giao dịch, đơn đặt hàng, biên lai để làm cơ sở khiếu nại, giải quyết tranh chấp, nếu có.
TIỂU YẾN