Đà Nẵng cuối tuần

Cơ hội và thách thức

07:59, 20/03/2016 (GMT+7)

Các nước trong khối ASEAN đã ký 8 thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs - Mutual Recognition Agreement), theo đó cho phép chứng chỉ của lao động lành nghề được cấp bởi các cơ quan chức năng tương ứng tại một quốc gia sẽ được thừa nhận bởi các nước thành viên khác trong khu vực.

Trong lĩnh vực du lịch là Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động du lịch (MRA-TP).  Đây vừa là cơ hội để các lao động tìm kiếm những cơ hội mới tốt và cũng là thách thức lớn của lao động ngành du lịch tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.

Sử dụng ngoại ngữ thành thạo là lợi thế giúp cho ban nhạc Philippines “Myla và những người bạn” thoải mái giao tiếp, tạo được sự thân thiện, gần gũi với du khách quốc tế. Ảnh: N.H
Sử dụng ngoại ngữ thành thạo là lợi thế giúp cho ban nhạc Philippines “Myla và những người bạn” thoải mái giao tiếp, tạo được sự thân thiện, gần gũi với du khách quốc tế. Ảnh: N.H

Vào các buổi tối trong tuần, khu vực quầy bar Hải Vân Lounge là điểm đến yêu thích của nhiều du khách quốc tế khi lưu trú tại Furama Resort Đà Nẵng (gọi tắt là Furama). Tại đây, ban nhạc “Myla và những người bạn” (Myla and Friends) gồm 4 thành viên người Philippines luôn nhiệt tình trong các buổi biểu diễn phục vụ du khách.

Anh Trương Ngọc Thành, trợ lý Giám đốc Truyền thông của Furama cho biết, được hình thành từ cuối năm 2008, các thành viên của ban nhạc có thể chơi đa dạng các loại nhạc cụ như guitar solo, guitar bass, trống, keyboard, piano và hát. Bên cạnh kỹ thuật cao, chơi nhạc cụ tốt và giàu cảm xúc, ban nhạc còn có phong cách, dòng nhạc phù hợp với không gian và đối tượng khách của Furama.

Những ca khúc do ban nhạc chơi mỗi đêm không chỉ cuốn hút, tạo không gian gần gũi, thân thiện mà còn khiến du khách thích thú, vui tươi khi vừa giao lưu vừa thưởng thức ẩm thực tại đây. Thậm chí, ban nhạc còn tập và biểu diễn được nhiều ca khúc Việt Nam, ca sĩ cũng nhớ tên của khách khi họ quay trở lại sau nhiều năm khiến du khách quốc tế rất thích thú.

Tương tự Furama, một số khu nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng như Vinpearl Luxury Đa Nang, Hyatt Regency, Fullman resort, Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort… đều sử dụng nhân lực nước ngoài tại một số bộ phận, trong đó có không ít lao động đến từ một số quốc gia trong khu vực AEC. Một trong những lý do các nhà quản lý lựa chọn tuyển dụng nhân sự quốc tế vì vốn ngoại ngữ lưu loát. Trong khi làm việc họ có thể thoải mái giao tiếp với du khách, tạo được sự thân thiện, gần gũi cho du khách quốc tế.

Là đơn vị có sử dụng lao động người nước ngoài, đại diện Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitours lý giải, thực tế tại một số vị trí như nhân sự cấp cao, doanh nghiệp cũng muốn sử dụng lao động trong nước nhưng xét ở mọi khía cạnh, nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận chi một số tiền lớn để trả lương cho nhân sự cấp cao người nước ngoài vì hiệu suất làm việc cũng như tính chuyên nghiệp của họ tốt hơn hẳn lao động trong nước.

Ông Trần Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch đánh giá, một trong những hạn chế của lao động trong nước, nhất là sinh viên mới ra trường cũng như những người mới đi làm - đó là kỹ năng mềm rất hạn chế, trình độ ngoại ngữ của các lao động này cũng yếu hơn rất nhiều nước trong khu vực. Bên cạnh đó, những kỹ năng như lập kế hoạch, làm việc nhóm cũng là những yếu tố hạn chế của lao động Việt Nam.

Thỏa thuận MRA-TP có hiệu lực, khả năng cạnh tranh các nghề của ngành du lịch ngày càng lớn, bản thân mỗi lao động phải có sự chuẩn bị phù hợp nhất của riêng mình như tự trau dồi thêm kiến thức, các kỹ năng mềm… Mặt khác, một số các cơ sở đào tạo, đội ngũ giáo viên, tiêu chuẩn đào tạo…, vẫn còn thiên nhiều về lý thuyết nên không đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải thu hút những lao động có năng lực đến từ các quốc gia trong khu vực.

Giám đốc nhân sự Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort, bà Nguyễn Thị Ngọc Hiền từng cho rằng, cái mà doanh nghiệp làm dịch vụ cần là các trường, trung tâm đào tạo nên dạy thêm cho các em các kỹ năng, trang bị cho các em tố chất của người làm dịch vụ du lịch. Đó là biết chủ động chào hỏi khách hàng, chủ động tiếp xúc và yêu cầu người khác để mình được phục vụ…

Thạc sĩ Đặng Phúc Sinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Việt – Úc cho biết, bên cạnh các kỹ năng nghề, trường đã có giáo trình riêng về ngoại ngữ để dạy cho các học viên, thời gian tới sẽ hình thành lớp chất lượng cao và giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Từ lâu, nhà trường đã liên kết với một số doanh nghiệp, đối tác để học viên có thể đến thực tập, thực hành nghề.

Ông Sinh cũng cho rằng việc hợp tác sớm với doanh nghiệp là bước đệm tốt cho các em được rèn luyện các kỹ năng, thực hành nghề. Doanh nghiệp cần nhân lực có chất lượng thì cơ sở đào tạo phải có kỹ năng nghề và làm được việc, có như vậy mới sẵn sàng để gia nhập ASEAN.

Anh Trương Ngọc Thành cũng đánh giá, việc dịch chuyển lao động trong khu vực, nhất là nhân sự quản lý cấp cao hoặc những chuyên ngành đặc thù của ngành nhà hàng khách sạn từ các nước khác sẽ làm tăng tính cạnh tranh, khi đó chất lượng dịch vụ tốt lên. Xu hướng này cũng khiến nhân sự ngành du lịch bớt chủ quan để phấn đấu và tăng năng suất lao động.

Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cho hay, ở góc độ quản lý Nhà nước, Sở chỉ có thể tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, hỗ trợ trong việc định hướng, hỗ trợ thông tin. Các cơ sở đào tạo cũng phải cố gắng trong công tác đào tạo để cho ra đội ngũ chất lượng tốt, thực hành tốt, có kỹ năng mềm, có trình độ ngoại ngữ…

Các trường phải có sự kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp để sinh viên có cơ hội được thực hành nghề nhiều hơn. Còn bản thân người lao động phải có ý thức, chủ động trang bị kiến thức, ngoại ngữ cho nghề nghiệp tương lai bởi không ai có thể học thay hay làm thay họ được.

“Sắp tới Sở cũng sẽ nghiên cứu việc ký kết với một số tổ chức du lịch của các nước trong khu vực để có thể đưa sinh viên của một số trường sang thực tập rồi đưa về lại, nhưng những ký kết thỏa thuận mới chỉ là trên khung còn việc quan trọng là các trường, các doanh nghiệp phải chủ động kết nối với nhau để làm.” – Ông Trần Chí Cường nói.

NHẬT HẠ

.