Đà Nẵng cuối tuần
Phong trào Duy tân - sự tiếp biến văn hóa phương Tây đầu thế kỷ XX
Phong trào Duy tân đầu thế kỷ XX khởi phát đầu tiên ở đất Quảng, sau đó nhanh chóng trở thành phong trào vận động cách mạng trên phạm vi cả nước, trước hết là các tỉnh ven biển miền Trung, và bước đầu đã có một vài mối liên hệ quốc tế. Có thể nói tầm nhìn chính trị/văn hóa của Phong trào Duy tân rộng hơn rất nhiều nhờ có điều kiện liên hệ quốc tế. Với phương Đông, sang tận nơi tìm hiểu thực tiễn công cuộc canh tân của Nhật Bản. Với phương Tây, qua tân thư, sớm tiếp cận được tư tưởng dân chủ/dân quyền của Montesquieu, Jean Jasques Rousseau...
Tượng bán thân Phan Châu Trinh tại Trường THPT mang tên ông.Ảnh: MINH TRÍ |
Tân thư và vấn đề dân quyền
Một trong những cách thức phổ biến mà Phong trào Duy tân đầu thế kỷ XX tiếp biến văn hóa phương Tây là thông qua các tân thư được truyền vào Việt Nam theo con đường Trung Quốc. Từ nửa cuối thế kỷ XIX, các nhà cải cách Trung Quốc đã chọn một số sách báo phương Tây chứa đựng kiến thức mới về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội để chuyển ngữ qua bản dịch tiếng Nhật hoặc trực dịch ra chữ Hán, có khi chỉ dịch tóm tắt cốt lấy nội dung chính và gọi chung là tân thư.
Với những người Việt không thông thạo ngoại ngữ nào khác ngoài Hán tự như các lãnh tụ Phong trào Duy tân và số đông sĩ phu yêu nước đương thời thì đọc tân thư thông qua bản dịch chữ Hán là phương án tốt nhất và duy nhất. Con đường Trung Quốc ở đây còn được hiểu là con đường phát hành sách: tân thư được du nhập trực tiếp từ Trung Quốc vào nước ta để tìm đến với độc giả biết chữ Hán và tất nhiên phải đang khao khát cái mới.
Thực ra biết chữ Hán và khao khát cái mới cũng chưa đủ để tiếp biến văn hóa phương Tây thông qua các tân thư. Muốn có năng lực tiếp biến văn hóa phương Tây thông qua tân thư, Phong trào Duy tân đầu thế kỷ XX còn đòi hỏi các lãnh tụ của mình phải có một cách đọc thông minh nhằm lĩnh hội từ trong tân thư những gì tinh túy nhất và chân truyền nhất, và Phong trào Duy tân đã may mắn có được những lãnh tụ biết-đọc-tân-thư tiêu biểu như Phan Châu Trinh.
Vào khoảng những năm 1902 - 1903, ở ngay kinh thành Huế, Phan Châu Trinh đã có điều kiện tiếp xúc với nhiều tân thư trong tủ sách gia đình của một số trí thức nho học như các cụ Đào Nguyên Phổ, Thân Trọng Huề…(1)
Nhờ biết-đọc-tân-thư, hướng đến những gì tinh túy nhất, Phan Châu Trinh đã chú mục nghiền ngẫm hai cuốn sách có dấu ấn sâu đậm đối với tư tưởng Duy tân của cụ sau này: Vạn pháp tinh lý và Dân ước, tức là bản dịch chữ Hán của hai cuốn De l’esprit des lois (Bàn về tinh thần của pháp luật, 1748) của Montesquieu và Contrat social (Bàn về khế ước xã hội, 1762) của Jean Jasques Rousseau.
Có thể nói nhờ biết-đọc-tân-thư, Phan Châu Trinh đã nắm bắt được yếu tố hết sức căn cốt có khả năng thay đổi số phận đất nước lúc bấy giờ là vấn đề dân chủ/dân quyền và sớm trở thành một “Nam quốc dân quyền tiên tổ chức - người đầu tiên tổ chức dân quyền ở nước Nam” (đánh giá của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong lễ tang Phan Châu Trinh hồi tháng 4 năm 1926).
Học để được biết mình có những quyền gì
Tuy nhiên điều quan trọng nhất để Phong trào Duy tân đầu thế kỷ XX có được năng lực tiếp biến văn hóa phương Tây thông qua cách thức này là làm sao cho đông đảo quần chúng có điều kiện tiếp cận được tân thư - nói đúng hơn là tiếp cận được với cái căn cốt của tân thư mà cũng là của văn hóa phương Tây - vấn đề dân quyền/dân chủ. Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng không phải là những người đầu tiên khai sinh Phong trào Duy tân - công lao này thuộc về những nhà canh tân lớp trước như Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ… - thế nhưng bộ ba Quảng Nam đều cảm nhận rằng muốn kế thừa và phát triển tư tưởng Duy tân của Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Trường Tộ và của người đồng hương Phạm Phú Thứ không còn con đường nào khác là phải chuyển căn cứ địa Phong trào Duy tân về xứ Quảng.
Tại Hội An hồi đầu thế kỷ, một thành viên Duy tân hội là Phan Ngọc Cư đã có sáng kiến mở hiệu sách Đức An - hiệu sách độc nhất vô nhị ở Trung Kỳ thời ấy, nơi cung cấp những tân thư du nhập từ Trung Quốc, nơi gặp gỡ của các nhà nho yêu nước lúc bấy giờ(2).
Bộ ba Quảng Nam cũng ý thức sâu sắc rằng sẽ khó lòng tiếp cận được với cái căn cốt của tân thư mà cũng là của văn hóa phương Tây - vấn đề dân quyền/dân chủ - nếu không tìm cách nâng cao mặt bằng dân trí của đông đảo sĩ phu và dân chúng, trong đó cấp bách nhất mà cũng cơ bản nhất là mở trường dạy - học theo lối mới.
Cho nên chỉ trong vòng hai năm từ 1906 đến 1907, trường học Duy tân được mở ra nhiều nơi, nổi tiếng như các trường Diên Phong, Bảo An, Phú Bông, Quảng Huế, La Châu, Lạc Thành, Quảng Phước, Phước Bình, Phú Lâm... ở xứ Quảng, như Dục Thanh ở Phan Thiết và như Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội - nếu hiểu đây chính là Phong trào Duy tân miền Bắc, là mô hình hoàn chỉnh về phương diện tổ chức dạy - học, chính quy bài bản hơn nhiều so với các trường Duy tân ở Quảng Nam kể cả những trường quy mô lớn.
Có thể nói muốn tạo được năng lực tiếp biến văn hóa phương Tây thông qua tân thư, Phong trào Duy tân đầu thế kỷ XX phải giải quyết thật rốt ráo mối quan hệ giữa dân chủ/dân quyền và dân trí: nâng cao dân trí chính là điều kiện tiên quyết để nâng cao nhận thức về dân chủ/dân quyền.
Khởi sự Phong trào Duy tân, Phan Châu Trinh chọn trong rất nhiều việc phải làm ba việc cần làm trước: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh; và trong ba việc cần làm trước ấy, cụ xếp khai dân trí vào vị trí số một. Sự chọn lựa thứ tự ưu tiên của Phan Châu Trinh là do xuất phát từ quan niệm khi dân trí còn thấp kém thì khó mà đặt ra những mục tiêu cao hơn như dân khí, dân sinh, dân chủ, dân quyền...
Điều này có nghĩa là cách hiểu về dân trí trong Phong trào Duy tân được mở rộng hơn nhiều so với phạm vi học đường. Nét chủ đạo trong cách nghĩ, cách làm giáo dục được xem là tiên tiến và giàu chất nhân văn của Phan Châu Trinh cũng như cả bộ ba Quảng Nam nằm ở việc xác định mục đích học tập trong các nhà trường Duy tân - các nghĩa thục.
Nói chung, số phận lịch sử của những trường học loại này quá ngắn - kể cả trường Dục Thanh, chưa đủ để có thể hình dung người học khi tốt nghiệp ra trường có được nhận bằng cấp gì không. Nhưng có lẽ từ người chủ trương mở trường, người dạy cho tới người học, chắc không ai nghĩ rằng vào học tại các nhà trường Duy tân - các nghĩa thục là cốt để giành được một bằng cấp nào đó. Vì lý do rất giản đơn thôi: nội dung học tập đã khác trước!
Cũng có thể hiểu ngược lại: nội dung học tập khác trước là bởi mục đích học tập đã hoàn toàn không giống trước. Theo tư duy giáo dục của Phan Châu Trinh, người dân bấy giờ đi học ở các nhà trường Duy tân - các nghĩa thục là để được biết mình có những quyền gì, và cũng là để được biết mình chưa hề được hưởng những quyền ấy.
Đương nhiên, đi học ở các nhà trường Duy tân - các nghĩa thục còn là để biết chữ - chữ quốc ngữ thậm chí chữ Pháp, biết buôn bán và biết nhiều thứ khác nữa. Đi học mà cốt để biết những điều cần biết, đi học mà không bị sức ép của bằng cấp và đi kèm là sức ép của thi cử đè nặng, người học dễ đến gần với thực học hơn - thực học ở đây vừa được hiểu là học thực sự - chiếm lĩnh tri thức thực sự và có khả năng sáng tạo thực sự; lại vừa được hiểu là học gắn liền với thực tiễn đời sống, tức là gắn liền những gì thiết thân với số phận của cộng đồng, với đòi hỏi bức xúc của nhân dân.
Có thể nói, với Phong trào Duy tân đầu thế kỷ XX, dân trí chính là dân chủ/dân quyền và đây cũng là điểm sáng lấp lánh trong quá trình tiếp biến văn hóa phương Tây.
Tôn vinh thương nghiệp
Vấn đề tiếp biến văn hóa phương Tây của Phong trào Duy tân đầu thế kỷ XX còn có một điểm đáng chú ý nữa là sự tôn vinh thương nghiệp. Nhà Duy tân Lương Khải Siêu từng khuyên cụ Phan Bội Châu: “Quý quốc không lo không có ngày độc lập, mà chỉ lo quốc dân không có đủ tư cách độc lập... thực lực của quý quốc là dân trí, dân khí và nhân tài”(3).
Trong lời khuyên chân thành và hầu như cũng xuất phát từ thực tiễn Trung Quốc đương thời, có thể thấy Lương Khải Siêu tiếp cận vấn đề khá toàn diện, quan tâm vừa là số đông quần chúng - quốc dân, vừa là lực lượng sĩ phu tân tiến - nhân tài; vừa là dân trí, vừa là dân khí. Phan Châu Trinh đi xa hơn một chút khi đề cập đến yêu cầu hậu dân sinh.
Cái mới của Phong trào Duy tân so với các cuộc vận động cách mạng khác là hết sức chú ý đến khía cạnh kinh tế, đúng hơn là quan tâm đồng thời cả ba khía cạnh dân trí, dân khí và dân sinh - tức kinh tế. Chính nhờ những lãnh tụ Phong trào Duy tân nhận thức rõ mối quan hệ giữa khai dân trí và hậu dân sinh cho nên đã xuất hiện mô hình phát triển của một số nhà trường Duy tân có quy mô lớn ở Quảng Nam: mở trường học đi liền với mở hội buôn - lấy hội buôn nuôi trường học, điển hình như trường Diên Phong gắn với Hợp thương Diên Phong và một trong những người sáng lập - cụ Phan Thúc Duyện là nhà kinh doanh có tiếng hơn là thầy giáo giỏi.
Ngay cả Đông Kinh nghĩa thục ban đầu chủ trương dạy học không lấy tiền nhưng sau một thời gian phát triển đã phải chấp nhận mô hình Quảng Nam lấy hội buôn nuôi trường học, trong đó đáng chú ý là hiệu buôn Đông Thành Xương ở Hàng Gai của cụ Hoàng Tăng Bí - một trong những sáng lập viên chính đồng thời là thầy dạy Hán văn của nghĩa thục này.
Có thể nói trong quá trình tiếp biến văn hóa phương Tây của Phong trào Duy tân đầu thế kỷ XX thì sự tôn vinh thương nghiệp mới là bước chuyển ngoạn mục nhất về văn hóa đối với một xã hội có truyền thống trọng nông ức thương hàng ngàn năm như nước ta (chứ không chỉ là việc thay đổi kiểu tóc - cắt tóc ngắn, hay thay đổi y phục - ăn mặc theo mode Tây Hồ…).
Điều cốt lõi nhất trong tiếp biến văn hóa là thái độ ứng xử đối với cái cũ và cái mới. Nhờ biết-đọc-tân-thư, lĩnh hội từ trong tân thư những gì tinh túy nhất và chân truyền nhất, nắm bắt được yếu tố hết sức căn cốt có khả năng thay đổi số phận đất nước lúc bấy giờ - vấn đề dân chủ/dân quyền, Phan Châu Trinh còn có thái độ ứng xử rất đúng mực với văn hóa cổ truyền của dân tộc và với văn hóa phương Tây.
Đọc những gì Phan Châu Trinh viết về văn hóa cổ truyền, chúng ta có thể thấy cụ cố tình phân biệt hai khái niệm đạo đức và luân lý. Theo cụ thì đạo đức là cái có giá trị bất biến cần gìn giữ, khác với luân lý là cái có thể và cần phải thay đổi cho phù hợp với thực tiễn xã hội, và như vậy cả đạo đức lẫn luân lý của văn hóa cổ truyền sẽ không mất đi và hơn thế nữa, đều có thể tồn tại song song cùng văn hóa phương Tây.
Nói khác đi, văn hóa phương Tây không thể thay cho những tinh hoa khả thủ - chuyện đó đã đành - mà cũng không thể thay cho những cái cần xóa bỏ triệt để trong di sản văn hóa cổ truyền, theo quan niệm tiếp biến văn hóa phương Tây của Phan Châu Trinh.
Thiết nghĩ chín mươi năm đã qua kể từ ngày Phan Châu Trinh vĩnh biệt đồng bào cả nước để đi vào cõi vô cùng, nhưng nhìn lại công cuộc tiếp biến văn hóa phương Tây trong Phong trào Duy tân đầu thế kỷ XX mà ông là một trong những người lĩnh xướng, chúng ta vẫn có thể cảm nhận được tính thời sự nóng bỏng của những quan điểm tiếp biến đúng đắn như vừa phân tích ở trên.
BÙI VĂN TIẾNG
(1) Tham khảo nhận định của cụ Huỳnh Thúc Kháng: “Sách mới, báo mới xuất hiện đã tràn qua nước ta, mà ảnh hưởng nhất là sách của Khang Hữu Vi, cùng Lương Khải Siêu, vì sách ấy nói tới dân quyền tự do, phát minh được cái đặc sắc - chân tướng của văn minh Âu Châu rất nhiều, tiên sinh Phan Châu Trinh thường qua lại với ông Thân Trọng Huề, Đào Nguyên Phổ mượn những sách nói trên trong lòng ham thích quên ngủ, quên ăn, từ đó trong tư tưởng đổi hẳn ra một cách mới mẻ” (Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử, Nxb Anh Minh, Huế, 1959).
(2) Theo báo Tiền Phong chủ nhật số 3-2001.
(3) Dẫn theo Vĩnh Sính: Việt Nam và Nhật Bản giao lưu văn hóa, Nxb. Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2001, trang 140.