Vết thương làm nên sự can trường cũng như vẻ bi thương của một chiến binh. Đấu trường sinh tử của Suzanne Collins cũng nói về những vết thương bằng lối viết hiện đại, nhiều bất ngờ và một chút thi vị. Mở đầu series Đấu trường sinh tử - Bắt lửa - Húng nhại, đã trở thành cú hích quyết định đẩy tên tuổi của Collins lên trên những bảng xếp hạng sách bán chạy, kể cả vào Top 100 người có sức ảnh hưởng nhất thế giới.
Katniss Everdeen, cô gái ở quận 12, nhân vật trung tâm của tiểu thuyết chính là người trải nghiệm những vết thương do đấu trường sinh tử đem đến. Truyện bắt đầu bằng cơn thức dậy của Katniss, khi mà ngày tìm vật tế sắp đến, lạnh lùng và bình thản.
Sẽ có 26 vật tế mỗi năm được xác định từ 13 quận và bị đẩy vào đấu trường, nơi đó, các vật tế sẽ tiêu diệt lẫn nhau để tìm ra được một người chiến thắng duy nhất, còn sống. Và thực tế là, ngoài giết những vật tế từ các quận khác, để chiến thắng, kẻ tồn tại duy nhất còn phải triệt hạ cả người bạn đồng hương của mình.
Đấu trường sinh tử là một giả định được Collins xác lập tại thời điểm tương lai của nước Mỹ, một giả định về một thể chế độc tài và trịch thượng mang cái tên rất chệch choạc “Capitol” lên nắm quyền thượng phong và dìm toàn bộ 13 quận trực thuộc trong màn đêm của câm lặng và đói kém.
Và đấu trường được “trung tâm” mở ra để khẳng định uy quyền và một ám chỉ mang tính truyền kiếp - thuận ta thì sống, nghịch ta thì chết, kể cả khi, ta đẩy ngươi vào cái chết. Katniss không phải là vật tế được bốc thăm ngẫu nhiên, Katniss không được cái gọi là định mệnh để trở thành anh hùng gọi tên trong lần hiến tế này, cô gái ấy đã tự chọn mình trở thành một vật tế khi quyết định đi thay cho Prim, cô em gái mỏng manh, bé bỏng. Katniss chọn đấu trường để tránh đi nỗi đau mất người thân. Và có thể cô sẽ chết.
Từ một cô gái cá tính, dám vượt qua khu vực kiểm soát của chính quyền để dạo quanh khu rừng, nơi cô có thể đi săn, có thể biết được thiên nhiên tươi đẹp với những màu sắc và thanh âm khác, ngoài một màu xám của quận 12, cánh chim húng nhại Katniss đã bước vào đấu trường với tất cả sự trầm cảm, tình cảm và lòng quả cảm.
Katniss đã được đào tạo để trở thành một chiến binh, ý hướng của chính quyền chính là biến cô cũng như 25 vật tế khác thành những cỗ máy giết người. Và chỉ có Katniss và vài người bạn của mình đã thoát khỏi ngành công nghiệp sản xuất máy giết người hàng loạt đó, dù có những vật tế đã chết, nhưng Katniss sau khi trải qua những đào tạo khốc liệt và dằn vặt nhất, đã trở thành người có thể đứng giữa quyền sống và quyền chết.
Tôi đã khóc khi đọc đến đoạn Katniss làm một tang lễ tiễn đưa Rue. Có thể mọi đau đớn thể xác sẽ dằn vặt những chiến binh suốt cuộc đời họ, nhưng những vết thương lòng như kiểu chứng kiến cái chết của những sinh vật diệu kỳ có khả năng chữa lành như Rue có lẽ sẽ ám ảnh không chỉ một đời Katniss mà còn tất cả những ai được tham dự tang lễ đó, trực tiếp hay gián tiếp.
Điểm sáng này có thể đã giúp tiểu thuyết giả tưởng của Collins vươn lên bậc cao hơn so với những tiểu thuyết kiểu như vậy về ma cà rồng, về thế giới tương lai… vẫn đang rất được săn đón hiện thời. Collins thực sự là một nhà văn thông minh và đa cảm, tình yêu của bà ở khắp nơi, đặc biệt là trong những tiểu tiết, như những bông hoa nhỏ được tìm về để rải lên xác Rue trước khi em biến mất giữa đấu trường sinh tử.
Collins cũng là nhà văn rất am hiểu về ngành truyền hình, chính vì vậy, những thủ pháp trong truyền hình được vận dụng rất nhiều trong Đấu trường sinh tử. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến Đấu trường sinh tử dễ dàng được dựng phim và trở thành một cái tên rất đáng chú ý một lần nữa trong bảng xếp hạng phim màn ảnh rộng.
Và có lẽ không ai phù hợp đảm nhiệm vai Katniss hơn Jennifer Lawrence. Katniss hay Jennifer Lawrence đều phải diễn cảnh đang diễn trước ống kính, nghĩa là họ phải trở thành những chiến binh quả cảm và tuyệt vời nhất với nhiệt huyết được chiến đấu vì danh dự của bản thân và danh dự của Capitol. Họ phải là những con rối đẹp nhất.
Nhưng không như vậy, họ chọn trở thành những chiến binh mang trên mình những vết thương. Và vết thương đã làm nên sự can trường và vẻ bi thương của tiếng hát loài húng nhại ấy:
Phải anh không, phải em không
Đến đây trên cái cây này
Nơi họ đã treo một người mà họ nói rằng đây là cái xác thứ 3 rồi đấy
Những điều kỳ quái nhất đã xảy đến tại đây
Và không gì kỳ lạ hơn nó nữa
Như là chúng ta hội ngộ tại cái cây treo lơ lửng những xác người này.
QUỲNH LINH
(*) Đấu trường sinh tử - Suzanne Collins, Trần Quốc Tân dịch, NXB Văn học và Nhã Nam ấn hành.