.

Những công trình xanh

.

Bên cạnh những công trình có thiết kế đẹp, hiện đại, thì cây xanh, thảm cỏ đang trở thành yếu tố không thể thiếu trong ngôn ngữ kiến trúc. Sống giữa không gian xanh, thoáng mát không chỉ giúp con người thư giãn, làm việc hiệu quả mà còn góp phần tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường sống.

Cây xanh được trồng và chăm sóc thường xuyên tại Naman Retreat. Ảnh: T.Y
Cây xanh được trồng và chăm sóc thường xuyên tại Naman Retreat. Ảnh: T.Y

Công trình xanh ghi điểm

Năm 2015, Trường Chuyên biệt tư thục Thanh Tâm (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) nhận giải nhất mô hình Công trình xanh tại cuộc thi “Mô hình tiêu biểu phát triển cây xanh đô thị” của thành phố Đà Nẵng. Soeur Anne Nguyễn Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, giải thưởng thực sự là món quà ý nghĩa, như tiếp thêm sức mạnh cho những trẻ khuyết tật đang được chăm sóc, nuôi dạy tại đây.

Xây dựng từ năm 2008 trên diện tích 13.626 m2, ngôi trường là mái nhà ấm áp cho trẻ em bị dị tật từ 2 đến 16 tuổi. Theo thời gian, những khoảng sân rộng rãi, thoáng mát nơi  đây bắt đầu phủ hàng trăm bóng cây xanh, xen kẽ là tiểu cảnh non bộ khiến cảnh quan ngôi trường đẹp như một công viên thu nhỏ.

Bên cạnh không gian mát rượi giữa ngày hè, Trường Chuyên biệt tư thục Thanh Tâm còn thuyết phục Hội đồng chấm giải bằng vườn rau xanh rộng chừng 5.000 m2. Theo Soeur Tuyết Lan, câu chuyện bắt đầu từ năm 2013 khi lần đầu tiên, nhà trường cung cấp 600 kg rau sạch gồm 20 loại như muống, dền, húng, quế... cho Hyatt Regency Danang Resort and Spa.

Đây là kết quả từ chương trình hợp tác trồng rau sạch giữa hai đơn vị do ông Frederik Farina, bếp trưởng Hyatt Regency Danang Resort and Spa tư vấn, hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ năng làm vườn và duy trì cho đến hiện nay. Vườn rau không những giúp học sinh của trường có thêm kiến thức thực tế trong quá trình học nghề làm vườn (một trong 5 nghề đang được đào tạo) mà toàn bộ số tiền bán rau của nhà trường đều được sử dụng vào việc hỗ trợ, cải thiện bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ.

Thời gian gần đây, những công trình xanh luôn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân, góp phần tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường xung quanh. Nhiều tòa nhà được thiết kế tận dụng tối đa sự thông thoáng, ánh sáng tự nhiên, làm mát không khí bằng hơi nước và cây xanh cũng như sử dụng các loại vật liệu rẻ tiền từ tre hay gạch không nung.

Đơn cử, bắt đầu hoạt động từ tháng 3-2015, Naman Retreat nằm trên con đường Hoàng Sa thuộc quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng được tạp chí Kiến trúc nổi tiếng Dezeen ca ngợi về “tính xanh” trong kiến trúc. Không gian nghỉ dưỡng được thiết kế như những vườn treo với giàn cây leo phủ bóng, lối đi nhỏ hẹp, sạch sẽ giữa vườn cây mang lại cảm giác thư giãn tuyệt vời và không kém phần lãng mạn.

KTS Võ Trọng Nghĩa, người thiết kế nhiều hạng mục công trình tại Naman Retreat cho biết ý đồ chủ đạo xuyên suốt trong thiết kế ở Naman là “kín và mở”. Do đó, dù ở khu nhà nào, mỗi người đều có được không gian xanh, riêng biệt và hưởng thụ được cảnh quan gần gũi xung quanh.

Tre vẫn là nguyên liệu chính tạo nên kiến trúc những khối nhà, được ngâm tẩm kỹ lưỡng nhằm đảm bảo độ bền vững, ổn định của công trình. Ông khẳng định: “Ngoài kiến trúc đặc biệt, tôi tin rằng hệ thống dây leo và cây xanh mát mắt, ấn tượng, đan xen hài hòa với đá tự nhiên và tre trúc sẽ giúp cho khách hàng thật sự thư giãn và thanh lọc tâm trí khi chọn địa chỉ này làm nơi nghỉ dưỡng”.

Trẻ em khuyết tật được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây xanh. Ảnh: T.Y
Trẻ em khuyết tật được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây xanh. Ảnh: T.Y

Xu hướng tất yếu trong xây dựng

Với mong muốn cùng chung tay nâng tầm ý tưởng phát triển cây xanh đô thị, trong đó có những công trình xanh, Sở Xây dựng thành phố từng tổ chức Hội thảo “Ý tưởng phát triển cây xanh thành phố Đà Nẵng”. Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND thành phố kỳ vọng Đà Nẵng sẽ xanh hơn nếu trong tương lai có thêm nhiều ngôi nhà xanh, chung cư xanh, những góc phố xanh, những công trình, con đường và không gian xanh trên địa bàn thành phố.

Để làm được điều đó, ông kêu gọi mỗi cá nhân, tổ chức cùng quan tâm, chia sẻ, đồng thuận, cam kết và tự nguyện tham gia phong trào xã hội hóa phát triển cây xanh. Đây cũng là xu hướng tất yếu ở những nước phát triển trên thế giới.

Theo đánh giá của nhiều người, giá trị mua bán và cho thuê công trình xanh có xu hướng cao hơn từ 4 đến 9% giá trị các công trình bình thường. Tuy nhiên, nếu như các quốc gia trên thế giới xét “tính xanh” ở mỗi công trình bao hàm nhiều yếu tố như tiết kiệm năng lượng, gần gũi thiên nhiên, thân thiện với môi trường thì ở Việt Nam, các công trình xanh mới dựa hoàn toàn vào mật độ cây xanh tại công trình đó.

ThS, KTS Ngô Thái Mỹ Trà, Viện Quy hoạch Xây dựng Đà Nẵng cho rằng, thời gian tới, Đà Nẵng nên tăng cường trồng cây xanh tại các điểm công cộng trên các tuyến đường. Vị trí cổng chào, dải phân cách, trạm chờ xe buýt cần được bố trí thêm các bức tường xanh hoặc trồng cây trên mái nhà.

Bên cạnh đó, các công trình xây dựng cần có những dải cây bụi nhỏ hoặc trồng cỏ giữa các lối đi  nhằm tăng diện tích phủ xanh bề mặt. Cũng theo ông, việc trồng cây gì phù hợp cũng cần được tính tới bởi sau khi đã trồng cần có biện pháp để chăm sóc, bảo vệ cây, giúp cây sống và sinh trưởng tốt.

Năm 2015, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành quy định về Quản lý kiến trúc công trình trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, theo đó mật độ xây dựng tối đa đối với biệt thự là 55%, dành tối thiểu 20% trồng cây xanh, tiểu cảnh. Bên cạnh đó, các quận, huyện cũng có những quy định riêng nhằm xây dựng nét kiến trúc xanh, sạch, đẹp trên địa bàn mình quản lý.

Ví dụ UBND quận Hải Châu quy định đối với các công trình nhà vườn liền kề có sân vườn, biệt thự (trừ các biệt thự dọc theo tuyến đường Thăng Long và khu Đảo Xanh thuộc Công viên Bắc Đài Tưởng niệm) mật độ xây dựng không được vượt quá 65%, tỷ lệ đất tối thiểu trồng cây xanh là 25% diện tích lô đất.

Cùng với những quy định nghiêm ngặt trong quy hoạch đô thị, có thể nói rằng, giải thưởng mô hình Ngõ xanh, Phố xanh, Nhà xanh, Chung cư xanh, Khu dân cư xanh được tổ chức và trao thưởng thời gian qua cho thấy Đà Nẵng đang rất chú trọng đến không gian xanh giữa những công trình, đường phố.

Mới đây nhất, thành phố cũng đã đồng ý chủ trương thành lập “Quỹ Đà Nẵng xanh” với vốn điều lệ khoảng 1 tỷ đồng thông qua sự kêu gọi đóng góp từ các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan đơn vị đóng chân trên địa bàn thành phố.

Quỹ Đà Nẵng xanh chú trọng phát triển mảng xanh đô thị, quản lý cây xanh trong những công trình hiện đại, theo quy hoạch bài bản. Ông Lê Tùng Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, cùng với chủ trương xã hội hóa cây xanh, lập quy hoạch hệ thống cây xanh - công viên đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng thì Quỹ Đà Nẵng xanh ra đời là rất cần thiết.

Trong đó, Ban sáng lập cần quy tụ đầy đủ các tổ chức xã hội nghề nghiệp; các nhóm cá nhân tâm huyết, doanh nghiệp lớn như SunGroup, FPT, VinGroup; nhóm cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội để cùng chung tay đóng góp kinh phí, hiến ý tưởng, tư duy hướng đến một Đà Nẵng với những công trình xanh, độc đáo và ấn tượng trong tương lai.

Đầu năm 2016, Hội nghị thượng đỉnh quốc tế lần thứ 21 tại Paris một lần nữa khẳng định vai trò của Công trình xanh đã và đang trở nên vô cùng quan trọng trong giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu thông qua chiến dịch mới Better build green (Xanh hóa công trình xây dựng) của Hội đồng Công trình xanh thế giới. Đây cũng là trọng tâm tại Hội nghị thượng đỉnh quốc tế lần thứ 21 về biến đổi khí hậu COP 21 tại Paris, nơi quy tụ các chính trị gia, chủ doanh nghiệp và các đàm phán viên của Liên Hợp quốc.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.