Đà Nẵng cuối tuần

Hướng đến sự bền vững

16:46, 06/03/2016 (GMT+7)

Ban chỉ đạo quốc gia về giảm nghèo đã xây dựng Đề án tổng thể đổi mới phương pháp tiếp cận nghèo đói ở Việt Nam từ đơn chiều sang đa chiều. Sau thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đang triển khai giảm nghèo theo hướng đa chiều.

Điều tra viên lấy thông tin hộ cận nghèo trên địa bàn phường Thọ Quang (quận Sơn Trà).
Điều tra viên lấy thông tin hộ cận nghèo trên địa bàn phường Thọ Quang (quận Sơn Trà).

Thắc thỏm cái nghèo

Hộ anh Nguyễn Văn Thành (tổ 29C, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) đã thoát nghèo từ năm 2013 (tính theo chuẩn thu nhập), nhưng cuộc sống của gia đình này hơn 2 năm qua luôn trong cảnh chật vật, túng thiếu, nên vừa được xếp vào hộ cận nghèo của phường.

Anh Thành là công nhân của Công ty Cổ phần Lương thực Đà Nẵng (Danafood), thu nhập trên dưới 2 triệu đồng/tháng (tùy thuộc việc tăng ca). Để nuôi 2 con gái đang tuổi ăn, tuổi học, vợ anh - chị Đặng Thị Hương, trong người mang bệnh, vẫn gắng gượng đi làm thời vụ để đỡ đần chồng.

Song, cuộc sống cứ khó khăn, cái nghèo vẫn chực chờ, đeo bám. “Thẻ bảo hiểm y tế (được cấp từ khi còn là hộ nghèo) của tôi đã hết hạn, tính mua mới mà tiền còn phải lo nhiều khoản quá, chưa dám mua”, chị Đặng Thị Hương buồn bã chia sẻ.

Tài sản quý giá nhất của hai vợ chồng anh là căn nhà cấp 4 xập xệ - chỗ che mưa, che nắng của cả gia đình. Mấy năm nay, anh Thành rất muốn sửa chữa lại căn nhà mái tôn này, nhưng ngay cả việc “vá” lại mái tôn cho đỡ dột thôi, cũng là việc nằm ngoài khả năng của vợ chồng người công nhân hiền lành này.

Theo chị Nguyễn Thị Loan - Điều tra viên ghi phiếu các hộ cận nghèo (theo hướng đa chiều) trên địa bàn phường Thọ Quang, thì các “chiều thiếu” phổ biến của người nghèo, người cận nghèo tại địa bàn này là nhà ở kiên cố. Tình cảnh bất an về nhà ở như gia đình anh Thành, chị Hương chỉ là một trong rất nhiều trường hợp của những gia đình làm nghề biển, lao động thời vụ hoặc buôn bán nhỏ trên địa bàn.

Thực tế tại Đà Nẵng cho thấy, nhiều người dù đã thoát nghèo/không thuộc hộ nghèo theo tiêu chuẩn nhưng vẫn chưa tiếp cận đầy đủ, hoặc khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ về y tế, giáo dục, Internet, nước sạch... Với nhận định này, hẳn nhiều người sẽ cho rằng, không thật đúng với Đà Nẵng, vì nhìn bề mặt, ngay tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa nhất của thành phố như các xã Hòa Phú, Hòa Bắc, Hòa Ninh… thì trường học, bệnh viện, điện, nước sạch, Internet, truyền hình số… đều đã đến tận nơi.

Song, khi xem xét ở chiều sâu, với nhiều trường hợp cụ thể, sẽ thấy vấn đề còn nằm ở ý thức người dân: khi mọi điều kiện đã sẵn, nhưng nếu người dân không có ý thức tiếp cận các dịch vụ tối thiểu, không ý thức được tầm quan trọng của các dịch vụ này đối với đời sống của bản thân thì cũng vô ích.

Không nói đâu xa, ngay trên địa bàn quận Hải Châu, tại một trong những phường trung tâm nhất của quận là Hải Châu 1, đến nay vẫn có những người không chịu mua thẻ bảo hiểm y tế. “Có những trường hợp hộ cận nghèo không chịu mua thẻ bảo hiểm y tế khiến chúng tôi rất đau đầu. Có thể giờ khỏe mạnh họ thấy chưa cần, nhưng khi ốm đau, tai họa bất ngờ ập xuống thì không thể lường hết hậu quả. Khi đó, cái nghèo, khó khăn, túng quẫn là hệ quả nhãn tiền”, chị Huỳnh Thị Tuyết, cán bộ giảm nghèo phường Hải Châu 1 phản ánh.

Giảm nghèo đa chiều

Thực tế, các chính sách giảm nghèo của Đà Nẵng lâu nay đã quan tâm đến các khía cạnh đa chiều của người nghèo như: hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, cho vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn... Các chỉ số “giáo dục trẻ em”, “nhà ở”, “nước sạch”, “hố xí”, “tài sản tiếp cận thông tin” được đặt ra khi tiếp cận giảm nghèo đa chiều hầu như không còn thiếu hụt, song, vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết tận gốc. Và một trong số đó là việc làm.

Tại Hội nghị chuyên đề về phương pháp tiếp cận giảm nghèo đa chiều do Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng tổ chức ngày 29-2 vừa qua, các đại biểu đến từ thành phố Hồ Chí Minh - địa phương tiên phong trong tiếp cận giảm nghèo đa chiều đã chia sẻ kinh nghiệm rằng, cần mở thêm “chiều việc làm” trong cách nhìn nhận, tiếp cận giảm nghèo đa chiều.

Đại diện Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cũng cho rằng, việc làm là một trong những vấn đề mà công tác giảm nghèo Đà Nẵng lâu nay quan tâm. Trong thời gian tới, “chiều việc làm” này sẽ được Đà Nẵng quan tâm đặc biệt, với những giải pháp ngày càng căn cơ, hiệu quả hơn.

“Có thể cần nghĩ đến việc phổ cập việc làm đối với người trong độ tuổi lao động, như phổ cập tiểu học, THCS trong giáo dục lâu nay chúng ta vẫn làm vậy”, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng đề xuất.

Bám sát thực tiễn

Để bắt đầu với cách tiếp cận đa chiều, hiện tại toàn thành phố đang tiến hành khảo sát thực tế theo phiếu điều tra các chỉ số (theo mẫu Trung ương) đối với từng hộ nghèo và cận nghèo, ở tất cả các địa phương. Theo phiếu điều tra mới này, ngoài các thông tin về tên họ, số chứng minh nhân dân, điện thoại, các chỉ số về dùng điện, nước, bảo hiểm y tế, mức độ kiên cố của nhà ở, các điều tra viên sẽ về tận nhà dân để khảo sát thực tế; từ đó, sẽ xác định được các “chiều thiếu” phổ biến của người nghèo, người cận nghèo.

"Chiều nhà ở" đang là vấn đề khó khăn của những hộ nghèo như gia đình chị Đặng Thị Hương.

Thông tin từ Sở LĐ-TB&XH cho biết, dự kiến đến 15-3, việc viết, thu phiếu sẽ hoàn tất trên toàn thành phố. Tất cả sẽ được tập hợp, gửi ra Trung ương, qua Trung tâm phân tích số liệu, đến tháng 6-2016, sẽ có kết quả sau cùng, từ đó, dựa vào kết quả phân tích, từ định hướng của Trung ương, đồng thời căn cứ vào thực tiễn địa phương, Đà Nẵng sẽ đưa ra những chính sách, giải pháp giảm nghèo, gắn với phương pháp tiếp cận đa chiều phù hợp nhất.

Trao đổi về chủ trương này, ông Nguyễn Đắc Xứng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết, ngoài khảo sát từ phiếu, quận sẽ tiến hành đối thoại trực tiếp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn, để biết họ thực sự cần gì, họ muốn gì mà có thể những điều ghi trên phiếu điều tra chưa nói hết được.

Chỉ bám sát thực tiễn thì mọi chính sách, giải pháp mới phát huy hiệu quả. Đối với công tác giảm nghèo, muốn giải quyết đúng vấn đề, phải nghe người nghèo nói. Chẳng hạn, liên quan đến “chiều nhà ở” cho người nghèo, tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà đã có không ít trường hợp được cấp chung cư nhưng người nghèo không ở, vì nhiều lý do như xa nơi làm việc nảy sinh thêm chi phí thuê nhà, đi lại… Vì vậy, “người nghèo thực sự cần gì?” xem ra vẫn là câu hỏi cần được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Trở lại với vấn đề giảm nghèo đa chiều, bà Nguyễn Thị Thu Hương cho rằng, dù nhìn nhận, tiếp cận theo cách nào thì cái đích cuối cùng vẫn là sự bền vững. Giảm nghèo đa chiều không phải là khái niệm gì mới mẻ, xa lạ, thực chất chỉ là một cách nhìn, một liệu pháp hỗ trợ để công tác giảm nghèo lâu nay của chúng ta phát huy hiệu quả hơn. Những định hướng xuyên suốt về công tác giảm nghèo lâu nay sẽ không có gì thay đổi.

Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách giảm nghèo của thành phố theo hướng thống nhất, tránh phân tán, chồng chéo; ngoài hỗ trợ cho người nghèo nâng cao thu nhập cải thiện đời sống cần quan tâm hỗ trợ để người nghèo tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản; tiếp tục quan tâm hỗ trợ vấn đề nhà ở, việc làm cho người nghèo; phân loại, hỗ trợ phù hợp với từng loại người nghèo (đô thị/nông thôn, người còn/không còn sức lao động…); tiếp tục huy động, khai thác, tận dụng các nguồn lực của toàn xã hội để đầu tư cho công tác giảm nghèo; nhân rộng các mô hình hay, được nhiều hộ vận dụng thoát nghèo bền vững…

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng: Giảm nghèo đa chiều có nghĩa là xét hộ nghèo không chỉ dựa trên mức thu nhập mà những ai không được khám chữa bệnh, không được đến trường, không được tiếp cận thông tin... cũng được xác định là hộ nghèo. Cách tiếp cận đa chiều là cách phân tích nguyên nhân vì sao dẫn đến hiện tượng nghèo trong xã hội, để từ đó có thể đưa ra những giải pháp mang tính gián tiếp chứ không phải trực tiếp hỗ trợ. Khi tiếp cận đa chiều người ta sẽ thấy rằng, ở vùng này còn yếu/thiếu  gì để từ đó sẽ đưa ra những giải pháp tăng cường đầu tư hơn nữa.

THANH TÂN

.