Đà Nẵng cuối tuần
Phép cộng của kiến thức, kỹ năng và thái độ
Để làm một công dân ASEAN, ngoài ngoại ngữ và sự hiểu biết về các nước trong khối, khi đang đi học, sinh viên (SV) cần trang bị cho mình nhiều kiến thức, kỹ năng mang tính toàn cầu để hội nhập. Hiện nay, nhiều SV chỉ chú trọng đến kiến thức chuyên ngành, thiếu rèn luyện và hình thành kỹ năng trong những năm ở giảng đường, nhiều bạn vượt qua vòng thi kiến thức do các nhà tuyển dụng tổ chức nhưng lại không qua được vòng phỏng vấn vì thụ động và thiếu tự tin.
Cuộc thi Tuần lễ kinh doanh do Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng tổ chức là một cách để giúp sinh viên rèn luyện, tích lũy kiến thức – kỹ năng và thái độ. |
Mùa đi “rải” hồ sơ
Anh Bùi Trung Hiệp - Phó phòng Công tác HSSV Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng kể: “Trong một lần lấy ý kiến phản hồi của doanh nghiệp về chương trình đào tạo của trường, giám đốc của một công ty máy tính có tiếng ở Đà Nẵng kể tôi nghe câu chuyện rất phổ biến về những SV trong các lần tuyển dụng: Khi trả lời mức lương có thể chấp nhận được, các bạn đều đưa ra con số khoảng từ 6-7 triệu đồng/tháng.
Nhưng khi hỏi các bạn những thông tin về công ty, dù là thông tin đơn giản, các bạn hầu như nắm rất chung chung; đưa ra một số tình huống để các bạn tìm giải pháp giúp công ty tháo gỡ khó khăn thì các bạn thực sự rơi vào thế bí, dù là giải pháp mang tính lý thuyết.
Đại diện doanh nghiệp này nhận xét rằng, hình như nhận bằng tốt nghiệp xong là số đông tân cử nhân, tân kỹ sư bắt đầu tham gia tuyển dụng bằng cách “rải” hồ sơ… cầu may chứ ít có sự tìm hiểu kỹ lưỡng về vị trí công việc trong tương lai mà mình quan tâm.
Qua tham khảo tiêu chí tuyển dụng của các doanh nghiệp, anh Bùi Trung Hiệp nhận xét rằng: “Khác với thời học phổ thông, thường những bạn có điểm số cao là giỏi, nhưng tiêu chí đánh giá ở ĐH, CĐ có khác hơn.
Các nhà tuyển dụng thường đánh giá ứng viên dựa trên 3 yếu tố: kiến thức - kỹ năng - thái độ (KSA: knowledge - skill - attitude). Trong đó, yếu tố thái độ trong công việc bao giờ cũng được đánh giá cao vì kỹ năng thì có thể huấn luyện được nhưng sự tự giác, chủ động thì không”.
Có thể nhận thấy điều này qua đánh giá của đại diện Công ty CP Ô-tô Trường Hải trong một diễn đàn về hợp tác giữa ĐH Đà Nẵng với địa phương và doanh nghiệp do ĐH Đà Nẵng tổ chức: “SV không thấy được tầm quan trọng của kỹ năng mềm, không rèn luyện, không tự tin”.
Trong khi đáng ra, những lao động đã được đào tạo bậc CĐ, ĐH phải là nguồn quản lý nhóm, đội của các xưởng sản xuất nhưng hầu như đối tượng này lại không có kỹ năng quản lý, dù chỉ là một tổ sản xuất 15 - 20 người. Nguyên nhân của tình trạng này là do SV thiếu tự tin.
Ở một khía cạnh khác, qua nhiều năm tham gia hỗ trợ doanh nghiệp trong phỏng vấn và tuyển dụng nhân sự, ông Phan Kim Tuấn - Trưởng phòng Tổ chức - hành chính, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cho biết: “Một đặc điểm chung của SV miền Trung, theo như nhận xét của nhiều doanh nghiệp là hạn chế về kỹ năng giới thiệu bản thân, rất khiêm tốn, “không biết tự sáng lên trước mắt các nhà tuyển dụng”.
Trong khi thực tế tuyển dụng, mỗi một hồ sơ của ứng viên, bộ phận nhân sự chỉ xem trong chưa đầy một phút, nên bằng cấp của các bạn SV chưa phải là điều quan trọng, mà phải là những chi tiết liên quan đến thế mạnh của mỗi cá nhân.
Quản trị viên tập sự
Một xu hướng tuyển dụng mới đối với các doanh nghiệp có chiến lược về nhân sự, theo như anh Bùi Trung Hiệp, là hình thức quản trị viên tập sự. Theo đó, quá trình tiếp nhận SV thực tập cũng đồng thời là quá trình đơn vị bồi dưỡng nghiệp vụ, sàng lọc ứng viên để tuyển dụng nhân lực.
Chính vì vậy, ngay từ khi SV nhập học, trong tuần sinh hoạt đầu khóa, Trường ĐH Kinh tế bao giờ cũng tổ chức cho SV giao lưu với doanh nghiệp để SV xác định được mục tiêu, phương hướng học tập. “Ngay từ năm thứ nhất, bên cạnh hướng dẫn phương pháp học ĐH, SV cũng đã được hướng dẫn phương pháp quản lý thời gian. Trong 4 năm học, nhà trường tổ chức những cuộc thi lớn nhằm giúp SV có cơ hội cọ xát với thực tế, rèn luyện các kỹ năng ứng dụng”.
Cùng với việc trang bị những kỹ năng cứng là những kiến thức chuyên ngành mà SV đã chọn, các trường ĐH, CĐ, TCCN đang có những nỗ lực để SV tự tin hơn trước các nhà tuyển dụng. Khoảng 3 năm trở lại đây, Trường CĐ Thương mại Đà Nẵng đã đưa nội dung dạy kỹ năng mềm thành môn học chính khóa với thời lượng 90 tiết cho 5 kỹ năng: giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình, tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề. Giáo viên giảng dạy được chọn từ các khoa tâm lý, quản trị và marketing, sau đó được đi bồi dưỡng, tập huấn thêm. Trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng) đưa nội dung về kỹ năng giao tiếp trở thành môn học tự chọn với dung lượng 2 tín chỉ áp dụng cho SV năm cuối.
Thế nhưng, theo kinh nghiệm của các chuyên gia tâm lý thì những khóa học kỹ năng mềm chỉ mang tính chất khơi gợi cách thức, phương hướng chứ không thể có sự thực tập, trải nghiệm.
Trong khi đó, học kỹ năng sống cũng giống như học bơi, SV muốn biết bơi không có cách nào khác phải xuống nước tập bơi chứ không thể đứng trên bờ nhìn mà biết được. Không ai khác, chính SV phải chủ động tham gia các hoạt động xã hội ở trường, lớp, các CLB đội nhóm, đi làm thêm hay chỉ đơn giản là học tập theo nhóm.
HÀ TRẦN