Có người nói: Người xưa đã sử dụng tinh tú như là một thứ ngôn ngữ để ghi lại lịch sử nhân loại. Cách nói có vẻ hình tượng ấy, thực ra, là hàm chỉ những lý thuyết thiên văn học cổ vốn căn cứ vào sự vận hành của các vì sao để giải thích những hoạt động của con người trong một quan niệm sống minh triết: trong vũ trụ vô cùng tận, tất cả là một khối thống nhất.
Những kiến giải này, trong hàng trăm năm qua, đã bị xem là cổ hủ, lạc hậu, mê tín. Ngày nay, với những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực vật lý, giới khoa học đã trả lại cho nó những giá trị cần ghi nhận và tiếp tục nghiên cứu. Vài kiến giải sơ lược sau đây về nhân sinh và thế giới, liên quan đến mùa xuân, có thể xem như đôi điều tham khảo đáng chú ý.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Về thời tiết và các hoạt động xã hội, lịch cổ sắp xếp căn cứ theo những chuyển biến của giới tự nhiên và nhằm ứng dụng vào sự sinh hoạt - sản xuất của con người. Ví như mùa xuân gồm có các tiết sau đây, mỗi tiết 15 ngày.
Tiết Lập xuân bắt vào đầu tháng Giêng âm lịch, tương ứng với dương lịch là ngày 4 tháng hai, là lúc đã hết lạnh, sâu bọ trong đất cựa quậy, cá ngoi lên từ bên dưới những vùng nước sâu. Tiếp theo là tiết Vũ thủy (mưa rơi) vào cuối tháng Giêng (khoảng ngày 19 tháng hai, là lúc những lễ hội cúng tế bắt đầu diễn ra. Tiết thứ ba là Kinh trập (sâu bọ cựa quậy) vào đầu tháng Hai (khoảng ngày 5 tháng ba), là lúc nhiều loại cây cối nở hoa, chim chóc cất tiếng hót.
Tiết Xuân phân (giữa tháng Hai, khoảng 21 tháng ba), là lúc trời bắt đầu có sấm có chớp, sau đó đến tiết Thanh minh (trong sáng), vào đầu tháng ba (5 tháng tư), là khi cây ngô đồng nở hoa, cầu vồng xuất hiện. Tiết thứ sáu, tiết cuối cùng của mùa xuân là Cốc vũ (mưa nuôi lúa) khi các mầm, mộng nẩy nở, chim tu hú vỗ cánh kêu, vào khoảng tương ứng với Tây lịch là 20 tháng tư.
Về ý nghĩa, trong Thập can, mùa xuân tương ứng với chữ Giáp, có nghĩa đạp vỏ mà ra, chỉ sự bắt đầu của cuộc sống muôn vật. Cho nên ngày xưa, vào ngày đầu năm mới, đích thân nhà vua phải xuống đồng cày cấy cho dân noi theo. Cũng có nghĩa, nhà vua thay Trời cày vạch đường cho sự sống phát triển.
Về ý nghĩa giáo dục, thiên văn học cổ lấy tinh tú và sự vận hành của chúng làm hình chiếu cho hoạt động xã hội. Mỗi mùa, mỗi tiết trong năm đều ứng với một chòm sao trên trời. Do đó, có thể quan sát tinh tú mà đoán biết những gì sẽ xảy ra trong năm. Mùa xuân được xem là ứng với chòm sao Thanh Long mọc ở hướng Đông. Chòm sao này gồm 7 ngôi sao trong Nhị thập bát tú. Xin sơ lược vài ý nghĩa sau đây.
Sao Tiến hiền: là để nhắc người đứng đầu một đất nước phải cầu tìm người có tài đức ra giúp nước. Vì vậy mà có lệ, vào đầu xuân, vị nguyên thủ quốc gia phải xa giá đi đến các địa phận, vừa du xuân, vừa xem xét dân tình và mời những ẩn sĩ ra làm công việc giúp nước, chăn dân.
Sao Phòng: là ngôi sao mọc vào khoảng giữa mùa xuân, nhằm báo hiệu đã đến lúc có thể thả gia súc ra ăn cỏ (lúc thời tiết đã bớt lạnh giá). Sao Điếu linh có nghĩa lưu ý nhà cầm quyền giảm bớt hình phạt, không xử án, không bắt dân vào tù, không phá rừng, không vét ao hồ, để cho vạn vật được thoải mái.
Tương tự như phương châm khoan sức dân. Còn sao Tâm là vì tinh tú mà khi xuất hiện vào lúc giáp hạt khó khăn, là để nhắc nhà cầm quyền lưu tâm mở kho thóc để cứu tế người nghèo đói.
Vài nét hết sức giản lược vừa giới thiệu có thể cho chúng ta thấy rằng, thiên văn học cổ đã chi phối lâu dài và sâu rộng trong nhiều quốc gia ở phương Đông. Đây không phải là chuyện huyền bí, siêu hình hoặc nhuốm màu mê tín như một số định kiến cũ về nó. Ngược lại, nó có ý nghĩa khá thiết thực trong những hoạt động của xã hội cổ và ít nhiều, đã nêu lên được những tiêu chuẩn đạo đức - nhân sinh cần thiết cho công cuộc quản lý Nhà nước.
NGUYỄN ĐÔNG NHẬT