Đà Nẵng cuối tuần
Vì dân phục vụ
Nhiều sở, ngành cung cấp dịch vụ công trực tuyến đến mức 3 và 4 qua hệ thống điện tử; một nền hành chính công chuyển từ “can thiệp” sang “phục vụ”; năm 2015, toàn thành phố có 1.184 thủ tục hành chính, trong đó 100% thực hiện theo cơ chế một cửa, 14% thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông… Những con số đó cho thấy Đà Nẵng đang đẩy mạnh cải cách mạnh mẽ nền hành chính công, thể hiện một chính quyền hiện đại, phục vụ lợi ích nhân dân.
Thủ tục hành chính ngày càng được cải cách theo hướng hiện đại, nhanh gọn và công khai. Trong ảnh: Người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm Hành chính thành phố. |
Từ “can thiệp” chuyển sang “phục vụ”
Là địa phương được chọn thí điểm triển khai quận, phường một cửa điện tử từ tháng 4-2014, quận Liên Chiểu luôn dẫn đầu thành phố về cải cách thủ tục hành chính (HC). Chị Bùi Thị Ngân Hà, chuyên viên Phòng Nội vụ quận Liên Chiểu cho biết, có được thành công này nhờ thời gian đầu ở Trung tâm Hành chính quận luôn có một nhân viên đứng ra hướng dẫn người dân mọi cách thức khi đến làm thủ tục HC.
Ngoài ra, người dân còn nhận được tờ rơi hướng dẫn hoặc đọc các thông tin về thủ tục một cửa điện tử tại Trang thông tin điện tử của phường, quận. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn rõ ràng thủ tục, hướng dẫn một lần trên phiếu và giải quyết sớm hồ sơ.
Tất cả những thủ tục được công khai, minh bạch, chưa kể việc trả thủ tục HC cho người dân ngay tại nhà dành riêng cho những người già, đau ốm… cũng giúp cán bộ làm công tác HC ở Liên Chiểu “ghi điểm”. “Khi khảo sát mức độ hài lòng của người dân, Liên Chiểu nhận được con số trên 90% người dân hài lòng.
Tuy nhiên, cán bộ HC ở cấp quận cũng như phường nhận thấy không được tự mãn với con số này, vì 90% vẫn chưa phải là tuyệt đối và không thể dừng lại ở đây”, chị Ngân Hà nói.
Nhiều thủ tục HC được quận Liên Chiểu lồng ghép cấp một lần, đơn giản hóa thủ tục cho công dân; như lồng ghép cấp giấy phép xây dựng cùng một lần với cấp giấy phép vỉa hè bắt đầu từ năm 2013; cấp giấy phép kinh doanh đồng thời với cấp mã số thuế vào năm 2014.
Ông Đinh Hữu Phúc, Phó phòng Nội vụ quận cho rằng, khi tiếp nhận hồ sơ một chỗ còn tránh tình trạng nhũng nhiễu dân. “Khi cải thiện các biện pháp hỗ trợ người dân trong thủ tục HC, cán bộ công vụ trở nên thân thiện hơn.
Như khi dân đến đăng ký khai sinh, phường sẽ gửi thư chúc mừng thành viên mới của gia đình, khi nhà có người qua đời, cán bộ chính sách đến chia buồn và làm thủ tục khai tử giúp ngay tại nhà đã tạo nên sự gắn kết giữa người dân và chính quyền địa phương. HC vì dân phục vụ là ở đó”, ông Phúc nhấn mạnh.
Năm 2015, Đà Nẵng có 1.184 thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa, trong đó 14% thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông; 29 thủ tục có cơ chế phối hợp, 31 thủ tục có cơ chế liên thông liên kết giữa các sở, ban, ngành.
Mô hình một cửa điện tử triển khai ở cả 7 quận, huyện từ năm 2012, năm 2014 ở Trung tâm Hành chính thành phố và năm 2015 ở 54/56 xã phường, trong khi mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 mới thực hiện ở cấp này.
Cuộc vận động “3 hơn” (nhanh hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn) do Sở Nội vụ và Thành Đoàn phối hợp thực hiện trong giải quyết thủ tục hành chính qua 2 năm triển khai đã rút ngắn thời gian giải quyết cho tổ chức, công dân hơn 312.000 ngày. Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ phục vụ cho ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước.
Năng động, đổi mới và hiệu quả trong cải cách hành chính
Quá trình cải cách HC của Đà Nẵng đang bước sang năm thứ 16. Có thể nói, thành phố đạt được nhiều kết quả khả quan trong rút gọn quy trình, đơn giản hóa thủ tục và giảm bớt thời gian của người dân và doanh nghiệp.
Ông Chế Viết Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, nên mọi vấn đề HC đều hướng đến đối tượng phục vụ là người dân. Thay vì chờ dân đến, nay cán bộ HC chủ động đến với dân, sẵn sàng phục vụ người già, mù chữ, phụ nữ có thai; thay vì đến nơi nhận kết quả, khách hàng sẽ được đưa đến tận nhà hoặc được Bưu điện chuyển phát nhanh nếu có yêu cầu.
Các trung tâm HC đều có thanh niên tình nguyện đón khách hàng từ cửa, hướng dẫn kê khai với thái độ sẵn sàng phục vụ. Cán bộ công chức liên tục được tập huấn kỹ năng giao tiếp, ứng xử.
Đi đôi với thái độ phục vụ là vấn đề tăng cường công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình với tổ chức, công dân. Gần đây, đầu số 1022 của Tổng đài dịch vụ công tích hợp tất cả các số thuộc đường dây nóng tất cả các lĩnh vực (đề xuất, kiến nghị, thắc mắc, kể cả hiến kế của công dân được giám đốc các sở, ngành hoặc Chủ tịch UBND thành phố tiếp nhận và có thông tin phản hồi).
Những năm qua, có từ 80-98% người dân hài lòng với dịch vụ công của thành phố thông qua phiếu khảo sát trực tiếp và trực tuyến. Ông Chế Viết Sơn nhấn mạnh: Chúng tôi không coi trọng thứ hạng mà coi trọng mức độ hài lòng của người dân, để hiện đại hóa nền HC, nâng cao chất lượng dịch vụ công.
Đà Nẵng xác định phương châm trong cải cách HC là đồng bộ, kiên trì, quyết liệt. Muốn thế, mỗi công chức phải đi bằng hai chân (giỏi tin học, ngoại ngữ), làm việc bằng hai tay (giỏi một việc, biết nhiều việc), tư duy bằng cái đầu (có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm) và xử lý bằng trái tim (có tâm, tình người, vì dân phục vụ). Qua cải cách HC, có thể giảm sự nhũng nhiễu của một số cán bộ với dân.
Ông Sơn cho biết: “Chúng tôi có cơ chế giám sát thông qua mô hình Đánh giá công chức theo kết quả việc làm nên có thể tiên lượng được điều này”. Việc cải cách đột phá nền HC của Đà Nẵng những năm qua đi đúng hướng. Hiện nay, Sở Nội vụ đang gấp rút xây dựng đề án nâng cao chất lượng của Trung tâm HC thành phố, triển khai cơ chế một cửa cho tất cả các sở, ngành về một đầu mối. Đề án hoàn thành trong năm 2016 sẽ “chăm sóc” một cách chủ động, tận tình đến từng người dân và doanh nghiệp.
Những nỗ lực chung về CCHC tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố sâu rộng trên tất cả lĩnh vực, góp phần đưa Đà Nẵng đến thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng tỉnh, thành theo nhiều chỉ số. Từ năm 2005 đến 2015, Đà Nẵng luôn có kết quả tốt và thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); dẫn đầu 6 năm liền về Chỉ số mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT-Index) từ 2009 đến 2014; 2 năm liền xếp thứ nhì về chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2012 và 2013; dẫn đầu hai năm liền về Chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index) năm 2012 và 2013; đứng đầu về Chỉ số công lý và tiêu chí thủ tục hành chính công năm 2014… (Trích Báo cáo sơ kết Cải cách HC Nhà nước giai đoạn 2011-2015 của Sở Nội vụ Đà Nẵng) |
HOÀNG NHUNG