Đà Nẵng cuối tuần

Nỗi ám ảnh bom mìn ở Lào

13:13, 10/04/2016 (GMT+7)

Trong 9 năm của thập niên 60 và 70 của thế kỷ XX, Mỹ đã ném hàng triệu quả bom xuống đất Lào tới mức Lào được coi là nước hứng chịu bom nhiều nhất trên thế giới. Di chứng chiến tranh vẫn còn đó dù nỗ lực xử lý bom mìn vẫn đang tiếp diễn. Lào đã có hơn 20.000 người chết và bị thương vì bom kể từ khi chiến tranh kết thúc. Làng Ban Napia ở tỉnh Xiang Khouang được gọi là làng “muỗng chiến tranh”.

Lấy bom mìn làm muỗng ở làng Xiang Khoang.
Lấy bom mìn làm muỗng ở làng Xiang Khoang.

La lok Phengparkdee, 23 tuổi đã bắt đầu học làm muỗng từ cha mình lúc mới 8 tuổi. Cha anh đã làm việc với những quả bom chưa nổ, vật liệu nổ (UXO) từ năm 1978. “Bom có khắp mọi nơi ở đây nên không dám làm gì cả. Chúng tôi quyết định kiếm sống từ chính nó”, La lok nói. Son Mia Seeonchan, 37 tuổi cũng như La lok vậy. Son Mia nung chảy UXO để làm muỗng và các vật dụng khác trong gia đình để kiếm sống. Son Mia học nghề từ cha và giờ đây đang truyền lại cho con mình. Son Mia thừa nhận làm công việc đầy rủi ro nhưng không có sự lựa chọn nào khác. Ông hy vọng đời con ông là thế hệ cuối cùng sống với bom mìn.

Ngành du lịch Lào còn non trẻ nhưng đã đóng góp tới 18% vào tăng trưởng kinh tế hằng năm. UXO là một trong những trở ngại lớn của du lịch Lào. Tỉnh Xiang Khouang nổi tiếng với những cánh đồng chum (những chum đá to khổng lồ có nguồn gốc cổ xưa nằm rải rác). Chỉ mới có 3 nơi được rà phá sạch bom mìn từ 1991-2004.

“Người dân rất sợ khai phá đất để trồng trọt bởi vì họ sợ đụng phải UXO và nó sẽ gây thương vong”, Kommaly Chanthavong - người đứng đầu trang trại dâu tằm Mulberries ở tỉnh Xiang Khouang nói. Bà Chanthavong đã lên thủ đô Vientiane từ năm 11 tuổi để thoát khỏi bom mìn.

Bà đi bộ bằng chân trần đoạn đường dài tới 600km. Sau chiến thắng bà quay trở lại giúp đỡ quê hương phát triển và đồng sáng lập trang trại dâu tằm từ năm 1976. Trang trại của bà có 50 người làm và hợp tác với 600 gia đình trong làng. Bà hướng dẫn họ cách làm ăn và mua lại sản phẩm họ làm ra.

Bà Chanthavong từng được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2005 và đoạt giải thưởng Ramon Magsaysay 2015 nhờ làm sống lại nghề dệt lụa cổ truyền của Lào, tạo sinh kế cho hàng nghìn người nghèo và bị chiến tranh phải lưu lạc. Chính quyền địa phương có kế hoạch giúp bà phát triển công việc để thu hút khoảng 600 gia đình nữa tham gia vào năm 2020. Sở dĩ, sự phát triển này khá chậm vì quá trình tìm vùng đất “sạch bom” là rất khó khăn.

Một dự án khác đã phải thay đổi ở làng Xiang Khouang. Công ty nhiên liệu sinh học có trụ sở tại California (Mỹ) có kế hoạch trồng 298 ha cây thầu dầu ở đây, thu hút 900 lao động vào lúc cao điểm nhưng sau đó phải rút nhỏ lại quy mô. Giám đốc điều hành Tyler Garner cho biết tỉnh này quá nhiều bom mìn. Ông kể tại một địa điểm dự kiến trồng cây thầu dầu phát hiện 3 UXO thì ngày kế tiếp phát hiện thêm 4 UXO nằm sát bên. 60ha đành phải bỏ cuộc.

Barack Obama sắp sửa trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Lào. Ông Obama dự kiến sẽ công bố tăng mức hỗ trợ khôi phục đất nước Lào sau chiến tranh bằng những quỹ mới và tăng cường công tác rà phá bom mìn như một cách tạo thêm công ăn việc làm và sự yên tâm cho người dân. Mỹ từng bị chỉ trích đóng góp quá ít cho công việc rà phá bom mìn trong thập niên 90 và thập niên đầu của thế kỷ 21 vì chỉ chi ra 2 triệu USD mỗi năm. Con số này quá ít, trong khi họ đã chi ra tới 13 triệu USD mỗi ngày cho bom mìn trong giai đoạn từ 1964 tới 1973. Ông Obama đã tăng quỹ này lên 15 triệu USD/năm hồi năm 2015 và lần này sẽ tiếp tục tăng nữa để người dân Lào ít thương vong hơn và nhanh thoát nghèo hơn…

ANH THƯ (Theo Guardian)

.