Đà Nẵng cuối tuần

Bén duyên với tuồng

16:56, 24/06/2016 (GMT+7)

Trong khi nhiều bạn trẻ quay lưng với loại hình nghệ thuật truyền thống thì Võ Lan Nhi (sinh năm 1990), diễn viên nhỏ tuổi nhất của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh lại đặt tình yêu cho tuồng và quyết tâm theo đuổi đến cùng môn nghệ thuật này.

Lan Nhi rất yêu mến những làn điệu dân tộc và mong muốn các loại hình nghệ thuật truyền thống sẽ được các bạn trẻ đón nhận. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Lan Nhi rất yêu mến những làn điệu dân tộc và mong muốn các loại hình nghệ thuật truyền thống sẽ được các bạn trẻ đón nhận. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Sinh ra ở vùng quê thuộc huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình), trong khi bạn bè cùng trang lứa chọn các nghề “thời thượng” thì Lan Nhi xác định sẽ theo đuổi nghệ thuật đến cùng, nhất là khi có thêm sự ủng hộ của bố mẹ. Tại quê cô, thành kiến của người dân về cái nghề “xướng ca vô loài” vẫn còn hằn sâu. “Từ bé tôi đã yêu ca hát và quyết tâm sau này sẽ trở thành nghệ sĩ. Chính vì đam mê này mà tôi thuyết phục bố mẹ từ đầu là con sẽ theo đuổi nghệ thuật. Dù chưa hoàn toàn thoát khỏi định kiến xưa cũ nhưng vì thương con gái, bố mẹ tôi tin tưởng và ủng hộ”, Lan Nhi thổ lộ.

Ngày thi vào Trường Trung học Văn hóa - nghệ thuật Đà Nẵng, Lan Nhi dự thi ngành thanh nhạc. Tuy nhiên, các thầy cô của trường đã khuyên Nhi thi thêm ngành Nghệ thuật biểu diễn múa dân gian - dân tộc. Nhi đậu một lúc 2 ngành và chọn học múa.

Đến với múa khi tuổi đã lớn, khung xương cố định không còn dẻo dai, Nhi gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều ngày tập múa về, tay chân nhức mỏi không thể nhấc lên được nhưng trong cô chưa bao giờ tồn tại khái niệm bỏ cuộc. Nhi kể, lớp học của cô ban đầu có 16 bạn nhưng rơi rớt dần, đến khi tốt nghiệp chỉ còn 10 bạn trụ lại với nghề. Dù quyết tâm theo đuổi đam mê nhưng thi thoảng, Nhi cũng chạnh lòng khi nghe ai đó mỉa mai: cái nghề làm đêm ngủ ngày. 

Ra trường, Nhi xin vào làm cộng tác viên của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, chuyên biểu diễn các bài múa dân gian phục vụ khách du lịch. Có cơ hội tiếp xúc với các vở diễn tuồng, cảm giác của Nhi ban đầu là “không hiểu, không “cảm” nổi bộ môn nghệ thuật truyền thống này”. Đến khi xem vở diễn “Xuân Đào cắt thịt”, nội dung về nàng dâu vì thương mẹ chồng đói nên đã lóc thịt trên cánh tay của mình nướng cho mẹ ăn và dối mẹ đó là thịt của con thú lạc vào nhà, Nhi khóc vì xúc động. Cô nhận ra, bấy lâu nay mình thờ ơ với tuồng là do không hiểu cốt chuyện. Từ đó, mỗi khi nhà hát diễn các vở dân gian, Nhi đều chăm chú xem và bị tuồng cuốn hút lúc nào không hay.

Đến khi nhà hát mở lớp đào tạo diễn viên từ nguồn cộng tác viên trẻ, Nhi hăng hái tham gia. Càng học, Nhi càng say mê tuồng. Khép lại khóa học với vai diễn Trưng Trắc trong vở “Trưng Trắc-Trưng Nhị”, Nhi trở thành diễn viên của nhà hát. Dù chỉ mới được giao các vai nhỏ như dân làng, tù binh nhưng với Nhi, đó là niềm hạnh phúc. “Tuy chỉ được xuất hiện trên sân khấu một vài phút ngắn ngủi nhưng không vì thế mà tôi chủ quan. Bởi khi diễn vai nhỏ, ít lời thoại thì diễn viên phải tập trung vào điệu bộ, nét mặt. Bất cứ vai diễn nào dù nhỏ cũng là mắt xích quan trọng góp phần đưa vở diễn đến thành công”, Nhi chia sẻ.

Hiện nay, Nhi vẫn đang trên con đường học hỏi để có thể trở thành một diễn viên tuồng chuyên nghiệp. Mơ ước của cô là được đóng một vai bi có nội tâm hoặc vai phản diện có chiều sâu. Để nuôi được ước mơ đó, hằng ngày Nhi vẫn chăm chỉ “cày” ở các trung tâm dạy hát, múa dành cho thiếu nhi để kiếm thêm thu nhập. “Dù chỉ là hạt cát giữa sa mạc nhưng mình quyết tâm gắn bó với tuồng suốt đời. Bên cạnh đó, mình sẽ cố gắng diễn ngày càng hay, gần gũi để ngày càng nhiều người trẻ đến với tuồng hơn nữa”, Nhi bày tỏ.

HẢI ÂU

.