Đà Nẵng cuối tuần
Chiếc xe đạp
Chiếc xe bây giờ vẫn còn. Là chiếc xe của má. Nhưng đã là cổ vật, già nua mệt mỏi. Ngày anh em biết đạp xe đến trường, ba má mua cho bốn đứa hai chiếc xe, thay phiên nhau, đèo nhau, má chắt chiu mua một chiếc đi chợ búa nữa là ba. Hồi đó mua một chiếc xe đạp không đơn giản, nó đắt, ngang ngửa bây giờ một chiếc xìn xịn ba bốn triệu. Xe ngày đó là xe ráp, loại xe đầm khung sắt rất nặng và sên líp cũng rất nặng, mỗi lần leo dốc đạp bở hơi tai.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Hè lại, đứa nào đứa nấy hí hửng, ba tháng nghỉ xả hơi. Chỉ ba má lo căng não, lo đủ thứ tiền cho bốn anh em sắp khai giảng. Nhiều lúc mệt mỏi má rên, “biết dầy tao ém ở trỏng hết đẻ ra chi khổ dữ dầy”. Đứa nào cũng cười hì hì, nói, ai biểu má đẻ chi.
Lên lớp năm, đứa nào cũng phải lo tập đi xe, để năm nữa phải tự đạp xe sang trường cấp hai xa lắc xa lơ. Nhà, vườn rộng lắm tha hồ mà tập tha hồ mà đạp từ sáng tới chiều. Tập xe đầm dễ như chơi, cái đầm thâm thấp ngồi đó chớ ngồi lên yên cao chót sao nổi, ngồi đó mà nhấp nhấp. Cứ nhấp nhấp. Nhấp nhả nhấp nhả. Nhấp được nửa vòng bàn đạp bỗng thấy y như là một con người khác liền, một siêu sao xiếc chớ chẳng vừa. Cố làm sao cái xe cân bằng là “ô cơ”, sẽ tính tiếp. Nhấp làm sao xe lao đi là “ô cơ”, sẽ tính tiếp. Cứ vậy cố nhấp, cố căng mắt điều khiển.
Đùng. Ngã. Thứ nhất không quen phanh, gọi là cái thắng, thắng không được là đâm vào gốc cây, vườn rộng mà vườn nhiều cây như thể đang trong một ma trận hiểm nghèo. Thứ hai máu liều, đạp được nửa vòng thì cố, cố làm sao để được tròn trọn một vòng, lẽ tự nhiên tay chân là anh em, chân sao thì tay vậy, chân đang đạp tay không kiểu gì bóp thắng nổi. Thế là đùng, ngã đánh rầm.
Xe vẹo vọ cả, bèo nhèo thảm thương. Người xơ xác xước rách đủ bề. Không khóc, nhớ là không khóc, chỉ thấy đau, đau ghê gớm. Và tức ghê gớm. Cứ thế, lao vào gốc míc gốc xoài gốc dừa, một lần ba lần năm lần bảy lần mười lần. Xe ngã người ngã, lom khom dựng xe dậy, tiếp. Nhưng, cũng có lần không dậy nổi. Đau buốt, đau hạ bộ, đau điên người, đau trào nước mắt sống. Nhưng không khóc, nhớ là không một lần khóc, vật vã trên đất oằn mình trên đất hồi cũng lom com bò dậy, chiến tiếp.
Có ai đi xe mà không té. Tập xe phải té. Thế mà đi được rồi chạy được rồi vẫn té. Lạ vậy.
Lớp sáu thích một nhỏ, thích lắm mà không tài nào không biết cách nào làm sao để cho nó biết là “tao thích mày”. Cứ lầm lũi vậy, nhìn không dám nhìn nói không dám nói, chỉ biết bám theo lúc tan trường về. Mặc kệ, nó thấy đấy nó né đấy vẫn cứ bám. Nó khôn, nó đạp vun vút rồi đùng đùng bất chợt thắng cái kít inh tai, lách sang một bên, thằng phía sau hùng hổ khoái chí đang đà thì trở tay sao cho kịp, một cái hố phải nói là ông nội của voi trước mặt.
Thế là té, ngã, một lần té hai lần ngã nhẹ thì cái hự nặng thì cái ầm. Mới lớp sáu mới chỉ biết thinh thích đã phải trả giá đắt như vậy. Bữa, về quê gặp nó, hỏi, sao bà né tôi. Nó nói, hi hi ai biết đâu, sợ quá nên… Hỏi, thế giờ có còn muốn né nữa không. Nó không nói gì, ngoảnh mặt đi chỗ khác. Con gái là vậy. Hiểu hết chết liền.
Lên cấp ba thì biết yêu, yêu đúng nghĩa hẳn hoi, yêu da diết hẳn hoi, nhớ trăng nhớ sao lãng mạn hẳn hoi. Khổ nỗi, cái xe trải qua bao nhiêu năm “sóng gió thời cuộc” cà tàng không thể tả. Không dám chở cô ấy đi. Cứ vậy cho đến khi xong phổ thông. Ba năm trời chỉ ước sao có đủ tiền mua được cái xe gọi là đàng hoàng chở cô ấy ra bờ đê ngắm trăng mà không được. Bữa, về quê gặp, hỏi, bộ hồi đó không chê nghèo sao. Đằng ấy nói, giàu nghèo không quan trọng. Hiểu. Giờ thì hiểu.
Giờ, hai chiếc xe đạp dành cho bốn anh em ngày ấy không còn nữa, nó đã mệt mỏi, nó đã tìm một nơi nào đó để an nghỉ rồi. Qua hai thập niên phục vụ những quãng đường từ nhà đến trường, từ trường về nhà, gần thì năm ba cây, xa thì tám mười cây, ngày nắng như ngày mưa, hè như đông. Có lẽ, giờ nó đang luân hồi sang một kiếp nào khác.
Sắt đá, chỉ có sắt đá mới chịu nổi va đập với thời gian. Ngỡ là thế, mà có phải như thế đâu.
NGÔ THUẬN