Đà Nẵng cuối tuần

Thủy lợi mùa khô hạn

21:05, 04/06/2016 (GMT+7)

Là huyện thuần nông, Hòa Vang hiện có hơn 2.600ha đất trồng lúa và hơn 800ha đất trồng hoa màu. Tuy nhiên, có không ít diện tích chỉ canh tác vụ Đông Xuân do lượng nước tưới không bảo đảm trong những ngày nắng hạn.

Mực nước ở hồ Hố Cau vẫn thấp sau một cơn mưa lớn chiều hôm trước.  Ảnh: T.Y
Mực nước ở hồ Hố Cau vẫn thấp sau một cơn mưa lớn chiều hôm trước. Ảnh: T.Y

Bỏ hoang vì thiếu nước

Những ngày cuối tháng 5, khi bà con xã Hòa Phú đồng loạt xuống giống vụ Hè Thu thì bà Sáu, sinh sống gần đập Phú Túc vẫn ngồi nhà vì khu vực ruộng lúa nhà bà đang thời kỳ khô hạn, không thể sản xuất. Gần chục năm nay, gia đình bà chỉ sản xuất vụ Đông Xuân còn Hè Thu thì “chịu chết”. Trời nắng nóng liên tục, có khi cả tháng không xuất hiện trận mưa nào khiến nước trong hồ dân sinh Phú Túc có những thời điểm cạn trơ đáy. Dù không thể trồng lúa nhưng cũng như nhiều hộ dân khác, bà Sáu nhất quyết không chuyển sang trồng hoa màu vì “đất ở đây nắng thì thiếu nước nhưng chỉ cần một trận mưa lớn là ngập nước, nếu trồng hoa màu sẽ hư hại liền”.

Được biết, xã Hòa Phú có 95ha đất trồng lúa nhưng chỉ sản xuất thường xuyên 85ha, còn 10ha không thể xuống giống vụ Hè Thu vì nguồn nước tưới không đảm bảo. Trong khi đó, một số hồ đập khác nằm trên địa bàn xã như Hố Cau, Hố Trẩy, Đồng Tréo trữ lượng nước hiện nay chỉ tạm đủ cho việc xuống giống, nếu tình hình nắng nóng kéo dài sẽ gây khó khăn cho lịch trình tưới nước, bón phân, chăm sóc cây trồng của bà con nông dân.

Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết, hồ Hố Cau hiện cung cấp nước tưới cho 25ha đất sản xuất. Thế nhưng nhiều năm qua, hồ này liên tục bị đất từ khu vực Bà Nà - Núi Chúa bồi lấp lòng hồ dẫn đến lưu lượng nước tích trữ trong hồ sụt giảm nghiêm trọng. Thậm chí, trong mùa khô năm 2015, hồ Hố Cau lần đầu tiên trơ đáy, bà con phải lấy nước từ sông Hậu Phước cách đó chừng 1,5km, gây không ít khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.

Năm 2015, được sự hỗ trợ của UBND huyện Hòa Vang, UBND xã Hòa Phú tổ chức, vận động nhân dân đối ứng và hiến đất xây dựng 1.200m kênh tưới và tiêu Bàu Đá và 200m kênh tưới Đồng Tréo với tổng kinh phí 1,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, với diện tích sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, nằm rải rác do địa bàn đồi núi chia cắt, chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung, chuyên canh nên nguồn nước thủy lợi vẫn luôn là bài toán khó cho địa phương này. Ông Nguyễn Văn Bảo, Trưởng thôn Đông Lâm, đồng thời là Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Hòa Phú có 2 sào lúa, 5 sào hoa màu nằm ở khu vực Hốc Cửa, lấy nước tưới từ hồ Hố Cau. Thời điểm khô hạn trong năm, ông cùng người dân khu vực này phải chặn dòng chảy để lấy nước vào ruộng. Điều này phần nào ảnh hưởng đến năng suất lúa vụ mùa.

Không chỉ Hòa Phú mà rất nhiều xã khác như Hòa Ninh, Hòa Nhơn, Hòa Sơn… đều có những khu vực chỉ sản xuất được vụ Đông Xuân. Kết quả quan trắc tại các trạm thủy nông ở Hòa Vang cuối năm 2015 cho thấy mực nước không đạt lượng nước lưu trữ trong năm như mực nước trên các sông Túy Loan tại trạm Túy Loan, sông Yên tại trạm An Trạch, sông Quá Giáng tại trạm Bích Bắc đều thấp.

Đứng trước tình hình khô hạn kéo dài, nguồn nước các hồ Đồng Nghệ và Hòa Trung được dự báo sẽ thiếu hụt từ 30% đến 50%. Ông Trần Quốc Nhung, Trưởng phòng Quản lý nước, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng (tạm viết tắt là Công ty KTTL) cho biết hiện công ty đang quản lý, vận hành hệ thống các công trình thủy lợi gồm Trạm thủy nông An Trạch phục vụ cấp nước cho 524ha đất sản xuất; Trạm thủy nông Bích Bắc cấp nước cho 423ha cho 2 xã Hòa Khương và xã Điện Hòa (Quảng Nam); Trạm thủy nông Túy Loan và Trạm thủy nông Đồng Nghệ cung cấp nước tưới cho 930ha đất sản xuất ở Hòa Vang và xã Đại Hiệp (Quảng Nam)… Từ đầu năm 2016, công ty đã lên phương án chống hạn nhằm đảm bảo nước tưới theo lịch trình cho bà con nông dân.

Trước tình hình khí hậu thay đổi thất thường, mưa lụt ít xuất hiện trong những năm gần đây, thì nguy cơ hồ chứa khô nước và nhiễm mặn là không thể tránh khỏi. Ông Trương Văn Lân, Giám đốc Công ty KTTL cho hay ở Hòa Vang, một số xã như Hòa Tiến, Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Khương, Hòa Phong nằm trong diện “cảnh báo” thiếu nước do nằm gần sông dẫn đến việc giữ nước rất khó, nước dễ ngấm theo mạch nước ngầm về sông khi sông cạn kiệt. Chưa kể, một số nơi nằm trên vùng cát nên việc giữ nước càng khó.

Nhiều diện tích đất hoa màu bị bỏ hoang trong vụ Hè Thu. (Ảnh chụp tại xã Hòa Phú) Ảnh: T.Y
Nhiều diện tích đất hoa màu bị bỏ hoang trong vụ Hè Thu. (Ảnh chụp tại xã Hòa Phú) Ảnh: T.Y

Nỗ lực của chính quyền địa phương

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hòa Vang cho biết, năm 2016, toàn huyện dự kiến gieo sạ 5.080ha. Trong đó, vụ Đông Xuân 2015-2016 gieo sạ trên diện tích 2.610ha, vụ Hè Thu 2016 là 2.470ha. Trong đó, có khoảng  500ha phụ thuộc hoàn toàn vào các hồ đập nhỏ, giếng bơm và khoảng 1.000ha có nguồn nước tưới chủ động nhưng rất bấp bênh.

Bước vào vụ Hè Thu 2016, diện tích chống hạn trên toàn huyện là 481ha (chưa kể diện tích do Công ty KTTL quản lý, cung cấp nước). Ông Nguyễn Văn Lý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hòa Vang cho biết, thời gian qua huyện đã tăng cường vận động, tuyên truyền và hỗ trợ nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt chú trọng chuyển đổi những diện tích đất lúa ở những khu vực không chủ động nước sang các loại cây trồng cạn có khả năng chống hạn như đậu xanh, bắp lai, mè, dưa hấu; vận động bà con nông dân chuyển đổi sử dụng giống lúa dài ngày sang sử dụng giống trung, ngắn ngày như HT1, OM6976,  BT7… nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng, tiết kiệm lượng nước tưới và hạn chế thiệt hại do mưa lũ cuối vụ.

Bên cạnh đó, Công ty KTTL phối hợp với UBND các xã tăng cường công tác quản lý nước, thường xuyên kiểm tra công trình kênh mương, đồng ruộng để điều tiết nước hợp lý; tu bổ, đắp kín các đập thời vụ, đập ngăn kênh tiêu trong khu tưới, khắc phục tình trạng rò rỉ nước kênh mương và đồng ruộng, tuyên truyền và vận động nhân dân đắp bờ giữ nước, sử dụng nước tiết kiệm. Những khu tưới có điều kiện sẽ tổ chức áp dụng tưới tiêu theo công thức tưới nông-lộ-phơi để tiết kiệm nước, nâng cao năng suất cây trồng. Mặc khác, UBND các xã cần tiếp tục củng cố đội ngũ thủy nông trên cơ sở tổ chức lấy nước đúng phiên, kiểm tra kênh mương, lịch phân phối nước và xử lý kịp thời những sự cố. Kiểm tra các ao nuôi cá, phân phối nước hợp lý và ưu tiên cho cây trồng, đặc biệt là lúa để đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn huyện.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hiện tượng EL Nino tiếp tục ảnh hưởng đến nước ta, mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, tổng lượng mưa phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, đặc biệt là khu vực Trung Bộ thiếu hụt từ 30% đến 50%. Trong khi nhiều xã ở Hòa Vang đang đối mặt với tình trạng khô hạn thì bà con nông dân thôn Nam Yên thuộc xã miền núi Hòa Bắc lại ung dung sản xuất nhờ triển khai hiệu quả mô hình “giếng thủy lợi” trên đồng ruộng.

Ông Lê Văn Chín, cán bộ nông nghiệp xã Hòa Bắc cho biết, toàn thôn hiện có hơn 200 giếng khoan thủy lợi phục vụ sản xuất. Nếu như trước đây, cứ đến vụ Hè Thu, nhiều diện tích thuộc thôn Nam Yên phải bỏ hoang vì phụ thuộc vào nguồn nước từ khe suối thì nay, “giếng thủy lợi” đã giải tỏa nỗi lo thiếu hụt nước trong mùa khô. Theo đó, những giếng nước sẽ được khoan sâu hàng chục mét xuống lòng đất ngay tại chân ruộng để tận dụng nguồn nước ngầm. Mô hình này không chỉ giúp người dân chủ động nguồn nước tưới mà năng suất lúa đạt trung bình 60-65 tạ/ha, cao hơn nhiều so với thời điểm trước năm 2014. Tuy nhiên, việc khoan giếng cần phải có sự tư vấn của chuyên gia về vị trí khoan cũng như độ sâu của giếng để đảm bảo không ảnh hưởng đến dòng chảy của nước ngầm. Việc khoan quá nhiều giếng nước trên cùng một cánh đồng sẽ làm cạn kiệt nguồn nước ngầm gây khó khăn cho sản xuất sau này.

Giữa những ngày nắng nóng, mực nước trên các sông, hồ đập tại Hòa Vang tiếp tục xuống thấp, hàng chục ha đất sản xuất nông nghiệp không thể sản xuất vì thiếu nước. Mô hình “giếng thủy lợi” ở thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc tuy là giải pháp hữu hiệu, nhưng không thể triển khai ồ ạt. Việc bảo đảm nguồn nước tưới cho bà con nông dân yên tâm sản xuất vụ Hè Thu vẫn là một bài toán khó.

Các công trình thủy lợi ở Hòa Vang đa số được xây dựng trên 25 năm. Hiện nay, các hồ đều đã xuống cấp nặng, không đảm bảo an toàn trong mưa lũ. Đặc biệt với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay thì thường xảy ra các đợt mưa lớn làm cho mực nước hồ có khả năng vượt mực nước gia cường, tràn qua đỉnh đập, gây mất an toàn cho dân cư sống ở hạ du hồ. Một số hồ chứa nhỏ, lượng bùn cát bồi lắng lòng hồ rất lớn làm suy giảm dung tích của hồ, gây tình trạng thiếu nước cuối vụ sản xuất. Các máy bơm, nhà trạm của trạm bơm xuống cấp gây khó khăn cho công tác vận hành, bảo quản nhất là khi có mưa lũ xuất hiện.

Ông Lê Văn Tuyến, Chi cục phó, Chi cục Thủy lợi

(Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đà Nẵng)

Hòa Vang hiện có 59 công trình thủy lợi bao gồm 19 hồ chứa, 20 trạm bơm điện, 20 dập dâng nước và 245,25km kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất cho 5.640ha lúa/năm, nuôi trồng thủy sản 113ha, cây rau màu các loại 905ha. Ngoài ra còn có 2 trạm bơm (Bích Bắc và Đông Quan, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam) phục vụ 197ha ở xã Hòa Châu và 148ha ở xã Hòa Phước. Bên cạnh nhiệm vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, công trình đập dâng An Trạch còn tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho Nhà máy nước Cầu Đỏ.

TIỂU YẾN

.