Đà Nẵng cuối tuần
Nhớ mẹ
Chị tôi gọi điện thoại vào khoe là mới vừa ăn bữa trưa cùng mẹ, với những món “cây nhà lá vườn” dân dã mẹ nấu, rồi thì hai mẹ con trải chiếu nghỉ trưa bên hông nhà. Mẹ kể đủ chuyện trên đời, nhắc về em (là tôi) nhiều nhất. Những chia sẻ từ chị, làm tôi nhớ mẹ quá chừng. Nỗi nhớ mẹ của đứa con gái lấy chồng xa có thể nói là đau đáu nhất, đong đầy biết bao yêu thương.
Nỗi nhớ được nhân lên khi sáng nay trên đường ra chợ, thấy cụ già lưng còng, tóc bạc nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, đang bước vội trên đường. Cụ vẫy tay xin quá giang. Thú thật xưa nay tôi không dám chở người già và con nít, vì sợ rủi ro cho cả đôi bên. Nhưng với cụ bà này, sau vài giây đắn đo, tôi đã mời lên xe. Cụ ôm cứng lấy vòng eo tôi, giống y chang mẹ tôi vậy. Tôi chạy đã chậm, cụ ngồi sau cứ nhắc đi nhắc lại “từ từ mà chạy nghen con”. Xuống xe, tôi mới có dịp quan sát cụ. Đám đồi mồi trên mặt, trên tay, cái quần đen, chiếc áo bà ba, nhất là cái miệng móm sao mà giống mẹ mình quá. Vì cụ, tôi bần thần mấy hôm liền.
Nỗi nhớ nhân lên khi chiều nay bỗng dưng thèm bột huỳnh tinh khuấy đường, cái món “cứu đói” một thời mẹ nấu. Vì không biết cách nấu, nên phải gọi về nhờ mẹ tư vấn, cuối cùng tôi cũng có được món bột huỳnh tinh khuấy đường đúng điệu. Lại nhớ, không chỉ với món chè huỳnh tinh, mà các món bắp rang ngào đường, món khoai mì hay khoai lang luộc, món xôi đậu, chè đậu, cháo trắng hay các loại bánh gói lá như bánh ít, bánh gói, bánh nậm, là những món ăn trừ cơm một thời. Khi dạy con gái cách chế biến thức ăn, mẹ không quên dạy con phải biết “thổi hồn” vào mỗi món ăn, biết nghĩ đến người thưởng thức món ăn mình nấu.
Món ăn ngon và độc đáo không chỉ nằm trong thành phần chế biến, mà còn là cách nêm nếm, bài trí, chăm chút, cả sự vui vẻ, cởi mở của người nấu và người thưởng thức. Tỷ như món chè huỳnh tinh mà không có chút gừng giã nhỏ thì xem như chưa đúng điệu, món này sẽ ngon hơn khi thưởng thức lúc trời mưa, cùng với nhiều người. Nhờ thế mà một thời gian khó, những món ăn do chính tay mẹ cải thiện, bao giờ cũng ngon một cách đặc biệt.
Nỗi nhớ nhân lên khi nhìn thấy chiếc nón lá mẹ treo nơi góc nhà. Mỗi lần vào thành phố thăm con, mẹ bao giờ cũng mang theo chiếc nón. Mẹ dùng để đội ra chợ, đi thăm hàng xóm của con. Có mẹ ở chơi suốt tháng, đứa con xa nhà vốn bận bịu công việc như tôi, cảm thấy sung sướng nhất đời. Lâu ngày được làm đứa con thơ của mẹ, được mẹ nấu ăn rồi dọn sẵn sàng ra mâm, tôi sà vào mâm như đứa trẻ bị bỏ đói lâu ngày, khiến mẹ phải lo lắng. Lòng mẹ với con cái muôn đời vẫn thế, yêu thương, trăn trở dù con cái đã có gia đình riêng, dù cuộc sống có phần sung túc, nhưng nỗi lo vẫn đau đáu trong lòng mẹ. Rời nhà con, mẹ để lại cái nón lá, không quên dặn con nhớ đội nón mỗi khi đi bộ sang hàng xóm, hay ra chợ. Đàn bà con gái ra ngoài phải có cái nón không chỉ để che nắng, mà còn làm cho mình duyên dáng nữa.
Nỗi nhớ nhân lên ngay cả khi vợ chồng giận nhau, tôi càng nhớ đến mẹ. Ngày lấy chồng, mẹ dặn dò chị em tôi phải biết nhường nhịn, vị tha, vợ chồng biết tựa vào nhau mà sống, biết hy sinh, chia sẻ thì hạnh phúc mới vững bền. Thế nhưng, có những khi không kìm nén được lòng mình, vợ chồng cũng không tránh khỏi đụng chạm, để rồi khi cơn giận qua đi, mới thấy lời mẹ chí lý. Trải qua gần hết cuộc đời, những trải nghiệm của mẹ, là bài học quý cho chúng tôi. Từ thuở nhỏ tới lúc trưởng thành, chưa bao giờ nghe mẹ lớn tiếng với ba. Mẹ biết “nguội” khi cần thiết, biết tìm cách “hạ nhiệt” những lúc ba tôi nóng nảy. Có lẽ nhờ mẹ mà tuổi thơ chúng tôi không một chút tì vết từ những bất đồng của người lớn.
Chị lại gọi điện thoại kể mẹ mới đi bộ tới nhà thăm chị. Tôi đùa và so bì “con gái lấy chồng gần có khác! Biết đến bao giờ mẹ mới vào thăm em!”. Mẹ ngày càng già, đi đứng ngày càng khó khăn, việc đi xa chắc sẽ vất vả, tôi nhờ chị thay tôi chăm sóc mẹ. Tự dặn lòng từ nay sẽ dành nhiều thời gian cho mẹ hơn. Thật ra, ai cũng bận bịu với công việc riêng, nhưng nếu biết sắp xếp, và nhất là nếu có tấm lòng, việc đường xa hay bận bịu, chỉ là cái cớ để thoái thác mà thôi.
SONG NGUYÊN