Đà Nẵng cuối tuần
Thương nhau kiểu đó bằng mười hại nhau
Khoảng 5 năm trở lại đây, 70% các vụ án ly hôn do phụ nữ đệ đơn lên tòa án, 60-70% vụ ly hôn xảy ra trong gia đình trẻ (kết hôn trên dưới 5 năm, tuổi đời của vợ hoặc chồng dưới 35). Nguyên nhân ly hôn phần lớn rơi vào mâu thuẫn gia đình hoặc một bên bị đánh đập, ngược đãi… Những con số trên được thống kê từ tòa án các cấp tại Đà Nẵng cho thấy trong nhiều gia đình, chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” dẫn đến tan vỡ, có bóng dáng của bạo lực (cả thể chất và tinh thần) và nó luôn ám ảnh người trong cuộc cũng như những người đại diện cho công lý để thống nhất cho hai người chia tay.
Yêu thương được nuôi dưỡng, sẽ không còn bạo lực. (Tranh minh họa Internet) |
Bạo lực “ăn mòn” con người
Năm 2015, Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ kết hôn có yếu tố nước ngoài thuộc Hội LHPN thành phố Đà Nẵng tư vấn cho 117 trường hợp liên quan đến hôn nhân gia đình, bạo lực gia đình, mâu thuẫn vợ chồng. Theo một chuyên viên tư vấn, một điểm chung của nhiều gia đình khi có “lục đục” đó là sự nhẫn nhịn cho qua (rơi vào người phụ nữ), không muốn người khác biết chuyện. Sau nhiều lần bị ông chồng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, có khi kéo dài nhiều năm, các bà vợ tìm đến Trung tâm cầu cứu, mong được giúp một giải pháp. Lúc ấy tư vấn viên chỉ có thể trấn an, động viên tinh thần và gợi ý một số cách có thể áp dụng phù hợp với người bạn đời vũ phu.
Với những người trong cuộc thì ngoài ông chồng xem vũ lực là vũ khí tối thượng trấn áp người bạn đời, những người phụ nữ ở trong các gia đình có bạo lực thể chất hầu hết có tính cam chịu, xấu hổ, khi xảy ra chuyện ít kể với ai. Khi đã cam chịu một lần, họ có thể nhẫn nhục chịu đựng những lần tiếp theo. Tình cảnh này dễ “ăn mòn” cả thể xác và tinh thần, khiến họ dễ bị tổn thương.
Ông Phùng Anh Dũng, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân quận Sơn Trà cho biết, 70% các vụ ly hôn xảy ra trên địa bàn có liên quan đến bạo lực, đa số là bạo lực thể chất. Với những gia đình có bạo lực tinh thần, thì cách im lặng, không nói chuyện với bạn đời được xem là một cách “tra tấn, khủng bố về tinh thần”. Năm 2015, Tòa án quận Sơn Trà thụ lý 358 hồ sơ ly hôn, hòa giải 112 gia đình đoàn tụ. Riêng 5 tháng đầu năm 2016, tòa thụ lý hơn 150 vụ ly hôn. Theo ông Dũng thì những năm gần đây, số vụ ly hôn tăng 10%/năm. “Giờ ly hôn được nhiều người xem là chuyện bình thường. Khi giá trị gia đình không bền vững; sự tự ái, cái tôi cá nhân quá lớn; thời gian tìm hiểu người bạn đời để kết hôn ngắn, không có các điều kiện thử thách; sự tìm hiểu của người lớn về người bạn đời của con ít đi… là điều kiện để các vụ ly hôn tăng”, ông Dũng nhấn mạnh.
Đặc biệt, các vụ ly hôn đều có ít nhiều liên quan đến bạo lực thể chất và tinh thần, thì các thẩm phán ở tòa án nhiều cấp cho rằng điều này liên quan đến trình độ nhận thức, học vấn của vợ/chồng. Riêng bạo lực thể chất thì có thể biết qua nội dung hồ sơ ly hôn, còn bạo lực tinh thần thì chưa bao giờ có con số thống kê đầy đủ. Ở góc độ xã hội học, yếu tố gia đình trí thức xảy ra bạo lực tinh thần được ghi nhận. Một thẩm phán ở Tòa án thành phố Đà Nẵng cho biết là hầu hết những người đàn ông mà ông từng tiếp xúc, hòa giải trong các vụ ly hôn thú nhận rằng họ bị vợ bạo lực tinh thần, “khủng bố” bằng tin nhắn, điện thoại, đề nghị bố mẹ hai bên “vào cuộc” nói chuyện; thậm chí người vợ còn đến cơ quan chồng đe dọa hoặc báo cho lãnh đạo đơn vị biết với mục đích “răn đe”. Vị thẩm phán cho rằng xã hội cần thay đổi tư duy về nạn nhân, khi chủ yếu là nam chịu bạo lực tinh thần chứ không phải cứ là nạn nhân của bạo lực sẽ là nữ.
Con số vụ ly hôn tăng 10%/năm cũng là điều đáng lo ngại. Khi năm 2014 toàn thành phố có 2.188 vụ, năm 2015 tăng lên 2.416 vụ và tính đến ngày 31-5-2016 đã có 1.094 vụ ly hôn. Các thẩm phán cho rằng tỷ lệ ly hôn cao so với quy mô dân số. Và những đặc điểm như đa số vụ ly hôn rơi vào người trẻ, ly hôn liên quan đến bạo lực gia đình khi nam giới có hơi men trong người cũng là những yếu tố xã hội học cần quan tâm.
Ngoài ra còn phải kể đến các yếu tố như kỹ năng xử lý tình huống phát sinh trong gia đình chưa “chín”; quan niệm về sự bền vững của gia đình truyền thống kém hay một trong hai người chưa xác định được ranh giới để đòi hỏi sự bình đẳng tuyệt đối; phụ nữ nói nhiều và không đúng thời điểm… cũng là yếu tố phát sinh mâu thuẫn. Thẩm phán Đoàn Văn Mạnh, Tòa án Nhân dân thành phố cho rằng xã hội cần giúp phụ nữ đấu tranh với vấn đề bạo lực, không khuyến khích họ cam chịu; và cần có các lớp học tiền hôn nhân, kỹ năng mềm giúp họ nói không với bạo lực.
Đừng nói “thương cho roi cho vọt”
Những năm gần đây, mạng xã hội phát triển thì nhiều người có thể xem những clip chồng đánh vợ, những học sinh đánh nhau khiến người xem nghẹt thở. Gặp ông chồng đánh vợ, nhiều người chửi ông chồng vũ phu. Cũng có người mắng chị vợ nhu nhược, sao không chạy đi, sao không đánh lại.
Nhưng, không phải một ai đó nói “chạy đi” là cô ấy chạy, hay bảo “đánh lại đi” là cô ấy sẽ đánh lại! Có những người không thể làm theo lời mách bảo vì không phải cứ nói là hiểu, cứ giục là sẽ làm.
Khi bị chồng đánh, nhiều phụ nữ chịu đựng, vì họ hy vọng gia đình mình còn cơ may cứu vãn, chồng có thể thay đổi, con sẽ còn đủ cha mẹ. Họ chịu đựng bởi họ thấy mình cũng có lỗi và những lời đàm tiếu của người đời có thể đau đớn hơn đòn roi của chồng. Khi sự vũ phu của người bạn đời lặp đi lặp lại, có những người phụ nữ báo với Hội Phụ nữ, báo với Công an, đó là khi họ ở bước đường cùng, họ tin chắc bên ngoài có người bênh vực mình, và việc chồng mất mặt không phải là ngày tận thế của vợ con.
Nhiều nhà tâm lý học cho rằng nếu người đàn ông nghĩ rằng mình nên dạy vợ bằng bạo lực, hay người phụ nữ đã quen với sự rèn giũa khắc nghiệt của cha mẹ, đều bắt nguồn từ những trận đòn họ đã chịu hay chứng kiến ở tuổi ấu thơ. Chị Hồng Khánh, chuyên viên tư vấn của Hội LHPN thành phố Đà Nẵng cho rằng, khi đứa trẻ sống trong môi trường có cha mẹ bạo lực, khi lớn lên sẽ bị ảnh hưởng. Nếu con trai, sẽ thấy bố/mẹ có uy quyền, thấy người khác phụ thuộc vào mình, và chuyện “vung nắm đấm” có thể giải quyết tất cả. Nếu là con gái, sẽ thấy uy lực của người nói to hơn, có sức mạnh hơn, họ sẽ thuần phục vô điều kiện. Điều này sẽ ảnh hưởng nặng nề tới cả cuộc đời của những đứa trẻ. Hiện tượng “bắt nạt” hình thành tính cách rụt rè, thiếu tự tin.
Cho nên, đã làm cha mẹ thì không bạo lực với nhau là một chuyện, và tuyệt đối đừng có nhân danh tình yêu mà đánh con. Hay đánh con với những câu nói như: Vì muốn dạy con nên người nên ba mẹ đánh con, thương cho roi cho vọt. Cũng tuyệt đối không gửi gắm thầy cô giáo với câu: Nó hư thầy/cô cứ đánh nó thật nghiêm khắc giùm tôi! Vì đánh mắng không bao giờ đồng nghĩa với yêu thương. Khi cha mẹ trân trọng con cái thì ngày sau, cuộc đời mới trân trọng nó, và con biết cách yêu cầu người khác trân trọng mình.
Sự tôn trọng còn lan tỏa ở môi trường học đường qua dự án “Hành trình yêu thương” do Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng phối hợp với tổ chức Hòa bình và phát triển của Tây Ban Nha triển khai ở một số trường ở Đà Nẵng. Và yêu thương, tôn trọng, tin tưởng, quan tâm, không bạo lực sẽ là tiền đề để hình thành nhân cách con người, không còn bạo lực ở bất kỳ đâu, đặc biệt là trong gia đình.
HOÀNG NHUNG