Đà Nẵng cuối tuần

Sau lũy tre làng

13:46, 26/06/2016 (GMT+7)

Theo thống kê của Công an huyện Hòa Vang, trong 6 tháng đầu năm 2016, trên toàn huyện xảy ra 12 vụ bạo lực gia đình (BLGĐ), 12 đối tượng gây bạo lực. So với 6 tháng cùng kỳ năm ngoái, tăng 10 vụ, 10 đối tượng.

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ cha mẹ học sinh phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái xã Hòa Khương. (Ảnh:Hội LHPN thành phố cung cấp)
Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ cha mẹ học sinh phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái xã Hòa Khương. (Ảnh:Hội LHPN thành phố cung cấp)

Bạo lực gia đình diễn biến phức tạp

Đáng chú ý, trong 12 vụ BLGĐ vừa xảy ra 6 tháng đầu năm nay, có 1 vụ, 1 đối tượng bị xử lý hình sự, khi người chồng, vì ghen tuông đã dùng thanh sắt đánh vợ, gây thương tích 14%, ngay giữa chợ. Phụ trách công tác gia đình hơn 5 năm nay, ông Trần Đình Ngô, Phó phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hòa Vang cho biết, tình trạng BLGĐ ở Hòa Vang đáng báo động vào những năm cuối 2010, 2011, 2012, khi nhiều gia đình ở các xã Hòa Liên, Hòa Sơn “đột nhiên giàu có”, sau đền bù giải tỏa (làm đường tránh La Sơn - Túy Loan, Túy Loan - Quảng Ngãi…).

Mâu thuẫn xảy ra khi các ông chồng “đốt tiền” vào các cuộc nhậu nhẹt, ăn chơi quá đà, vợ “ý kiến” thì lập tức “thượng cẳng tay hạ cẳng chân”. Đó chính là một trong những lý do khiến các “tổ phản ứng nhanh” trên địa bàn huyện ra đời cuối năm 2012. Tổ phản ứng nhanh quy tụ đại diện của Hội Phụ nữ, Công an, Hội Nông dân, Thanh niên, những người có ảnh hưởng đối với cộng đồng, sẵn sàng có mặt để can thiệp, hòa giải các vụ BLGĐ ở khắp các thôn xóm, ngay sau khi nhận được tin báo. Hiện 11/11 xã, 119/119 thôn, trên địa bàn huyện đều có tổ phản ứng nhanh. Theo ông Ngô, chính hoạt động năng nổ, hiệu quả của các tổ phản ứng nhanh này đã góp phần can thiệp kịp thời các vụ BLGĐ từ cơ sở, giảm hẳn và hầu hết dừng lại ở mức độ dân sự, phạt hành chính để răn đe.

Vậy mà, chưa kịp mừng khi nhiều địa phương như các xã Hòa Phước, Hòa Ninh, Hòa Châu, Hòa Bắc, hay các “điểm nóng” về BLGĐ trước đây như Hòa Liên, Hòa Sơn, trong 6 tháng đầu năm 2016, không có vụ BLGĐ nào bị phát hiện đưa ra xử lý, thì những người tâm huyết với công tác phòng, chống BLGĐ không khỏi lo lắng khi có một số địa phương gia tăng mạnh, số vụ BLGĐ bị phát hiện xử lý lại tăng đến 10 vụ so với cùng kỳ, tính chất bạo lực cũng nghiêm trọng hơn. Nhiều nhất là xã Hòa Phú, có 5 vụ, chiếm 33,4%. Trong 12 vụ BLGĐ ở Hòa Vang bị chính quyền phát hiện, xử lý vừa qua, có đến 9 vụ phát sinh mới, đối tượng hành hung vợ có những người còn rất trẻ (sinh năm 1990). Chị Võ Thị Kim Uyên, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Liên cho biết, dù 6 tháng đầu năm nay, không có vụ BLGĐ nào trên địa bàn xã bị phát hiện, song Hội Phụ nữ xã vẫn phối hợp với các hội, đoàn thể thường xuyên theo dõi, động viên nhắc nhở các đối tượng trước đây có hành vi BLGĐ, chứ “chưa thể yên tâm hoàn toàn”.

Hay theo chia sẻ của anh Lâm Quang Sơn, Phó Trưởng công an xã Hòa Phong, Chủ nhiệm CLB cha mẹ học sinh phòng, chống BLGĐ xã, hiện nay, số vụ BLGĐ trên địa bàn giảm hẳn so với trước, song có những vụ dai dẳng, diễn biến phức tạp, các tổ phản ứng, hòa giải cũng phải “thả tay”: Như chuyện vợ chồng ông T.H và bà Đ.T.M.N (thôn Nam Thành), dù được bà con làng xóm, chính quyền địa phương hết sức can ngăn, khuyên giải, nhưng nhiều năm nay, cứ mỗi khi quá chén, ông H. lại nổi cơn ghen tuông vô cớ, đánh đập bà N. Đến nay, khi 2 vợ chồng đã ở riêng, nhưng mỗi khi có “cơ hội” là ông H. vẫn dở thói vũ phu với vợ.

Khó xử lý tận gốc

Năm 2015, toàn huyện Hòa Vang có 15 vụ BLGĐ/31.676 hộ, chiếm 0,04%. Trong khi, theo kết quả nghiên cứu quốc gia về BLGĐ đối với phụ nữ tại Việt Nam do Tổng cục Thống kê và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện cho thấy có tới 32% phụ nữ đã từng kết hôn phải hứng chịu bạo lực thể xác trong đời sống gia đình. Đồng thời, hơn một nửa phụ nữ Việt Nam đã phải hứng chịu bạo lực tinh thần trong đời. Bà Hoàng Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN thành phố cho biết, hiện Đà Nẵng chưa có cuộc khảo sát, thống kê hay công trình nghiên cứu bài bản nào về các số liệu liên quan đến BLGĐ.

Các con số có được đến thời điểm hiện tại chỉ là những vụ bị các cấp chính quyền phát hiện đưa ra xử lý và so với thực tế, còn quá khiêm tốn. Nhìn trên bề mặt, thiên về bạo lực thân thể, chân tay chính là điểm khác biệt trong tính chất BLGĐ ở Hòa Vang so với các quận nội đô: 15 vụ BLGĐ phát hiện năm 2015 trên địa bàn huyện này thì cả 15 vụ đều là bạo hành thể xác, 11/12 đối tượng gây bạo lực trong 6 tháng đầu năm đều “đánh vợ”. “Song, nói như thế không có nghĩa ở Hòa Vang không có bạo lực tinh thần. Vấn đề cần được nhìn nhận toàn diện, sâu sắc, tinh tế hơn trong điều kiện hiện nay”, bà Hương nói.

Theo bà Hương, dù ở nông thôn hay thành thị, có 2 nhóm nguyên nhân cơ bản làm nảy sinh BLGĐ hiện nay: Thứ nhất thuộc về các đức ông chồng, dù đã “tiến bộ” nhiều trong nhận thức so với trước đây, song họ vẫn chưa thực sự “chia sẻ” những gánh nặng trong cuộc sống gia đình với vợ. Nhóm nguyên nhân thứ hai thuộc về chính những người phụ nữ - nhiều chị em đã “trỗi dậy”, hoặc “nín nhịn” thiếu kiểm soát, thiếu chừng mực, dẫn đến luôn tồn tại một “độ vênh” nhất định trong nhận thức, hành động, xử sự giữa vợ và chồng khiến mâu thuẫn dễ nảy sinh, bùng phát. Ở nông thôn, miền núi, do hạn chế về trình độ dân trí, cùng sự đè nặng của tư tưởng cổ hủ, đời sống bao bọc sau lũy tre làng, ít có cơ hội giao lưu, điều chỉnh, khiến “độ vênh” càng lớn, tiềm ẩn nguy cơ BLGĐ cao.

Cũng theo bà Hương, áp lực cuộc sống ngày một gia tăng khiến BLGĐ chưa bao giờ giảm so với trước đây mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác, lúc nổi, lúc ngầm, diễn biến ngày càng phức tạp. Vì vậy, trong công tác tuyên truyền, vận động phòng, chống BLGĐ của Hội và các đoàn thể, cấp ngành liên quan thời gian qua đã liên tục đổi mới. Chẳng hạn, thay vì tuyên truyền bằng miệng, hiện các cấp hội phải đầu tư trực quan, video, tiểu phẩm, phim ảnh; “khoanh vùng” để tuyên truyền; tăng cường vai trò của các ngành, các cấp, vai trò của nam giới trong phòng, chống BLGĐ…

Tuy nhiên, làm sao để các cấp, các ngành, đoàn thể thấy vấn đề BLGĐ là bức bách nhức nhối như chính chị em phụ nữ là nạn nhân cảm thấy, để ưu tiên tập trung giải quyết trong hàng núi vấn đề quan trọng khác của địa phương? Làm sao để cùng lúc giải quyết các vấn đề liên quan như giúp chị em phát triển kinh tế, tạo việc làm - một trong những giải pháp quan trọng đẩy lùi BLGĐ, đảm bảo gia đình hạnh phúc? Việc thành lập các mô hình, các CLB phòng, chống BLGĐ đã khó nhưng làm sao để duy trì, phát huy hoạt động càng khó, khi lực lượng cán bộ hội, cộng tác viên hoạt động còn quá mỏng, thiếu kinh phí… là những vấn đề khiến các cấp hội trăn trở.

Bà Hoàng Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN thành phố:

Cần được cung cấp các kỹ năng

Trước đây, nhiều người, trong đó có cả lãnh đạo nhiều cấp đều cho rằng phòng chống BLGĐ là của phụ nữ, tác động vào phụ nữ. Thực tế, nam giới là người gây BLGĐ cũng cần được giúp đỡ để nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ làm chồng, làm cha, hiểu rằng đánh vợ con là vi phạm pháp luật. Họ cũng cần được cung cấp các kỹ năng giải tỏa các cơn nóng giận để không trút bực tức lên vợ con. Đồng thời, nam giới có chung tiếng nói, thường “nhìn nhau để sống”, nhìn nhau mà điều chỉnh… nên dễ vận động nhau nói không với bạo lực, thay đổi quan niệm gia trưởng. Nam giới cũng là lực lượng hữu hiệu để can thiệp các vụ BLGĐ.

Nếu có vụ việc chồng đánh vợ xảy ra thì phụ nữ khó mà vào can thiệp, ngăn cản. Vì vậy, từ cuối năm 2014 đến nay, Hội LHPN thành phố đang tiến hành thí điểm dự án nâng cao vai trò của nam giới trong phòng, chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái. Riêng huyện Hòa Vang, 2 xã được chọn thí điểm mô hình này là Hòa Khương và Hòa Phong (ở khu vực thành thị thí điểm tại phường Hòa Cường Bắc - quận Hải Châu). Qua hơn 1 năm thí điểm, các CLB như “CLB cha mẹ học sinh phòng, chống BLGĐ”, “Nam giới tiên phong trong phòng chống bạo lực phụ nữ, trẻ em gái”, cùng nhiều hoạt động phong phú của dự án đã tạo những hiệu ứng tích cực. Hiện Hội LHPN đang bắt đầu tiến hành giai đoạn 2, nhân rộng dự án này.

THANH TÂN

.