Đà Nẵng cuối tuần

Khổ luyện với nghề… múa chai

07:56, 10/07/2016 (GMT+7)

Những ngày cuối tuần, Công viên Biển Đông hoặc khu vực trước khách sạn À La Carte trở thành nơi tập “múa chai” của nhiều bạn trẻ đang làm nghề pha chế (bartender) tại các quán cà-phê, quán bar và theo lời các bạn thì để trụ được với nghề, không chỉ ngày một ngày hai là thành công.

Để thành thạo nhiều động tác khó, các bartender trẻ phải dành nhiều thời gian để chia nhóm tập với nhau tại khu vực Công viên Biển Đông. Ảnh: N.H
Để thành thạo nhiều động tác khó, các bartender trẻ phải dành nhiều thời gian để chia nhóm tập với nhau tại khu vực Công viên Biển Đông. Ảnh: N.H

Chọn đi làm luôn sau khi học hết lớp 9, Đàm Nguyễn Thái Phát (20 tuổi, ở quận Thanh Khê) có kinh nghiệm 2 năm bán hàng và nhiều năm làm phụ việc ở quán cà-phê. Khi được người quen giới thiệu đi học nghề miễn phí do Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố phối hợp với Rich tổ chức, Phát chọn bartender. Sau 4 tháng theo học, Phát nhận một chân làm pha chế ở một quán bar trên đường Nguyễn Du.

Theo Phát thì em và các bạn đã học được các kỹ năng nghề cơ bản khi theo học ở trường nhưng muốn làm nghề giỏi và phát triển được thì phải có nhiều thời gian luyện tập. Vậy là lúc nào có thời gian rảnh, Phát rủ thêm các bạn cùng khóa ra công viên luyện tập vì ở đây có thảm cỏ rộng, không gian thoáng đãng để có thể thoải mái “tung chai”. “Nếu chỉ đơn thuần là pha chế thì rất nhiều người làm được, cái khác biệt của nghề này là kỹ thuật biểu diễn của mỗi người, càng có kỹ thuật trình diễn tốt, đẹp mắt thì càng được trọng dụng. Nhưng việc rèn luyện đòi hỏi người tập phải kiên trì vì có những động tác phải tập rất lâu mới làm được, mà khi làm được rồi thì phải luyện tiếp cho thành thục ”, Phát tâm sự.

Cùng luyện tập với Phát hằng tuần là Lương Quang Tùng. Sau khi tốt nghiệp THPT, Tùng muốn đi làm một thời gian xem mình phù hợp với nghề nào. Đến khi theo học bartender, Tùng mê luôn và muốn gắn bó với nghề này. Tùng cho hay, nghề pha chế cần nhất là sự chăm chỉ, chuyên cần. Lúc đầu không có chai để luyện tập, Tùng và các bạn chủ yếu tập bằng chai nhựa và gỗ, sau này mới đi xin chai ở các quán đã dùng hết rượu để tập. Trong lúc thực hành các động tác tung chai, quay ly để rót rượu bị vỡ chai, vỡ ly là chuyện thường, thậm chí các kỹ năng tung chai, đỡ chai không chuẩn xác nên bị bong gân, bầm mặt hay rơi bể và cả trúng vào tay, chân chảy máu diễn ra như cơm bữa.

Những bạn đang làm bartender cho rằng, để trụ được với nghề pha chế sẽ khó hơn rất nhiều, nhất là với các bạn nữ. Thế nên Lê Thị Ngọc Ngần (sinh năm 1997, quê Gia Lai) đã không ngại khó, ngại khổ. Tốt nghiệp khóa bartender tại Trung tâm Hướng nghiệp Á – Âu, Ngần đang làm pha chế cho một quán bar trên đường Đống Đa. Mải mê tung những chiếc chai thủy tinh rồi khéo léo nghiêng người bên trái, bên phải để đỡ cho trúng, những giọt mồ hôi rịn ra trên trán không làm Ngần nản chí.

Cúi nhặt mấy chiếc chai không đỡ kịp bị rơi xuống thảm cỏ xanh, dừng lại nghỉ mệt, Ngần chia sẻ: nhiều bạn có bằng đại học, cao đẳng cũng khó kiếm việc làm, bản thân em hồi còn đi học rất thích nghề pha chế nên tốt nghiệp phổ thông trung học xong em chọn học nghề luôn. Suốt một năm qua em thấy nghề này rất “kén” người làm, phải yêu thích và đam mê lắm thì mới làm được, nhất là với bạn nữ. Có thể có nhiều bạn nữ cũng chọn học nghề này nhưng theo được nghề thì không nhiều vì nếu làm ở các quán bar thì thời gian làm việc chủ yếu là các buổi tối, lúc mình còn trẻ thì có thể theo nghề nhưng khi có gia đình, con cái thì rất khó. Ngay bản thân em, trước mắt cứ làm nghề mình yêu thích đã, rồi sẽ tính tiếp sau.

Ngoài các kỹ năng pha chế, trình diễn, nghề bartender còn cần nhiều kiến thức khác như am hiểu về đồ uống, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp với khách hàng… nên nhiều bạn trẻ đã không ngại khó, ngại khổ để rèn luyện, bám trụ với nghề. Thái Phát mong muốn, khi có tay nghề vững vàng em sẽ học thêm một số kỹ năng khác như pha chế cà-phê máy, tham gia một số cuộc thi về nghề do thành phố tổ chức để có thể khẳng định mình trong nghề này.

Anh Tô Minh Quang, giảng viên Trung tâm Rich Đà Nẵng đánh giá, với các nghề do tổ chức Rich phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố tổ chức, các học viên sau khi học xong đều được hỗ trợ xin việc và trung tâm cũng theo dõi việc làm của các em trong thời gian 6 tháng. Có khoảng 80-85% các em sau khi ra trường có việc làm, có khóa lên tới 90% có việc làm. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để duy trì và làm nghề tốt, ngoài những điều học được ở trường, bản thân các em phải có khả năng tự học, tự luyện tập, trau dồi thêm kiến thức về chuyên ngành, chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao tay nghề cũng như kỹ năng nghề.

NHẬT HẠ

.