Đà Nẵng cuối tuần

Phượt nội thành

07:54, 10/07/2016 (GMT+7)

Đi đâu cho ngái cho xa, chỉ cần loanh quanh nội thành Đà Nẵng cũng đủ cho những chuyến lên rừng xuống bể để đời mà không phải tốn nhiều thời gian và tiền bạc…

Ngồi quanh bếp lửa mới nhóm, ăn con cá, củ khoai thơm lựng hương đồng nội trong lòng hồ Hòa Trung. Ảnh: V.T.L
Ngồi quanh bếp lửa mới nhóm, ăn con cá, củ khoai thơm lựng hương đồng nội trong lòng hồ Hòa Trung. Ảnh: V.T.L

“Đời là những chuyến đi” là khẩu hiệu của một nhóm sinh viên yêu thích du lịch đang theo học tại các trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, sinh viên lại luôn gắn liền với chữ nghèo. Nghèo thời gian, nghèo tiền bạc nhưng lại ưa đi đây đi đó để khám phá cuộc sống tươi đẹp. Đây là bài toán khó không chỉ của sinh viên, học sinh mà còn của không ít những gia đình công chức trẻ có khát vọng được cân bằng giữa công việc bộn bề nơi bốn bức tường và thú ung dung tự tại trong bao la trời đất.

Để thỏa mãn niềm vui tinh thần này, nhiều người đã chọn cách du lịch tại chỗ. Nghĩa là đi đâu cho ngái cho xa, chỉ cần loanh quanh nội thành Đà Nẵng cũng đủ cho những chuyến lên rừng xuống bể để đời mà không phải tốn nhiều thời gian và tiền bạc…

Trong chuyến đi khám phá “thảo nguyên xanh” tại hồ Hòa Trung, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang trong mùa nước cạn năm ngoái, bạn Lê Văn Thắng, sinh viên năm hai, khoa Xã hội nhân văn Trường Đại học Duy Tân cho biết bạn và những người trong nhóm của mình đều thích đi du lịch. Nhưng du lịch, với Thắng, không có nghĩa là đến những địa danh nổi tiếng, thưởng thức những món đặc sản đắt tiền, tận hưởng những dịch vụ cao cấp mà là đi và khám phá, là trải nghiệm cuộc sống. Nếu những chuyến đi có thêm mùi vị mạo hiểm thì càng thêm phần hấp dẫn…

Quả thật, lòng hồ Hòa Trung chiều hạ ấy đã làm hài lòng du khách, đa số là thanh niên tuổi chừng 16 đến 25. Họ dựng lều, nhặt củi… chuẩn bị cho một đêm lửa trại tưng bừng. Có lẽ không có hạnh phúc nào bằng được ngồi quanh bếp lửa mới nhóm, ăn con cá, củ khoai thơm lựng hương đồng nội do tự tay mình nướng trên lớp than hồng, được ôm cây ghi-ta ngồi hát giữa một đêm đầy trăng và cảm nhận rằng quê mình đẹp lắm!

Đối với cô giáo Trần Thị Tường Vy ở Trường THPT Phan Châu Trinh, sự dịch chuyển ở nội thành mang một nhu cầu khác. Những chuyến đi vội vã trong ngày rảnh rỗi mang đến cho cô sự cân bằng trong tâm hồn. Là mẹ của hai con nhỏ, là nội tướng của một gia đình nhỏ đầy vất vả, lo toan, rồi công việc dạy học ở trường khiến đầu óc cô đôi lúc muốn... nổ tung! Cô chọn cách đi loanh quanh Đà Nẵng như một cách thưởng thức cuộc sống. Ngày nghỉ, cô gửi con cho ngoại, rủ rê anh chồng mang bánh mì, nước uống lên Nam Ô ngược dòng Cu Đê, qua Sơn Trà để đổi gió…

Những chuyến du-lịch-bỏ-túi này ít tốn tiền, kiệm thời gian nhưng lại mang đến cho cuộc sống của vợ chồng cô một hơi thở mượt mà, thơm tho đến không ngờ. Cách đây dăm bữa, vợ chồng cô cùng nhau lội núi, băng rừng tìm đến Mũi Nghê bên bán đảo Sơn Trà để tận mắt chứng kiến và cảm nhận nơi đón tia nắng mặt trời đầu tiên của thành phố Đà Nẵng.

Câu thơ của nhà thơ Ngân Vịnh được nhạc sĩ Đình Thậm phổ nhạc “Núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển khơi...” đã phác họa vẻ đẹp trời cho của Đà Nẵng, đủ để người dân thành phố không cần đi đâu xa vẫn cảm nhận được hơi thở, vẻ đẹp của thiên nhiên quanh mình. Chỉ cần bỏ ra một ngày, một buổi, thậm chí vài giờ đồng hồ là có thể có một chuyến du lịch rẻ tiền nhưng đầy ấn tượng. Chúng tôi có quen biết vợ chồng một người bạn lớn tuổi.

Anh còn đang công tác tại một ngân hàng ở Đà Nẵng, chị là giáo viên vừa nghỉ hưu. Những chiều nắng đẹp, anh đèo chị trên chiếc xe máy lên đỉnh Hải Vân Quan… chỉ để uống cà-phê và ngắm hoàng hôn trôi dần về phía cuối trời. Chỉ để có cái cảm giác tĩnh tại trên đỉnh núi ngàn năm mây bay gió thổi, nhấm nháp vị biển mằn mặn dưới chân đèo theo gió tràn ngập không gian hư ảo. Trên đường về Nam Ô, anh chị ghé làm một tô “cháo chờ”, một món bánh canh cá đậm đà dành cho người bình dân của người dân xứ biển.

Nếu một ngày nào đó, chúng ta bức bối vì trời nóng, vì bộn bề công việc mà không rộng rãi thời gian và rủng rỉnh tiền bạc, thì hãy nổ máy, lên xe về với làng cổ Phong Nam, xã Hòa Châu. Ở đó, bạn sẽ tìm lại tuổi thơ với những con đường làng rợp bóng tre xanh mướt, đâu đó tiếng chân trâu gõ móng trở về chuồng... Hay đơn giản là ghé qua thăm ngôi nhà cổ Tích Thiện Đường làng Thái Lai, xã Hòa Nhơn, ngồi dưới gốc cây mai trăm tuổi để nghe thời gian ngưng đọng trên mái ngói rêu phong. Rồi trên đường trở về, đừng quên ghé ăn  tô mì Quảng bà Tĩnh ở Túy Loan đậm đà hương vị Quảng.

“Trước khi có đủ sức đi du lịch xa thì hãy trải nghiệm hết vẻ đẹp của quê hương Đà Nẵng” – sinh viên Lê Văn Thắng chia sẻ với bạn học. Du lịch tại chỗ, nói theo ngôn ngữ thời thượng nay là “phượt nội thành”, là một trong những kiểu du lịch đang trở thành xu hướng ưa chuộng của người dân thành phố. Điều này không chỉ góp phần kích thích cho ngành du lịch Đà Nẵng – bởi mỗi người dân sẽ trở thành một tuyên truyền viên tích cực cho vẻ đẹp quê hương – mà còn giúp người dân thêm gắn bó với thành phố thân yêu sắp bước qua tuổi 20 vậy.

NHƯ HẠNH

.