Đà Nẵng cuối tuần
Khó khăn cho Trung Quốc trước thềm thượng đỉnh G20
Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Hàng Châu (Trung Quốc) trong hai ngày 4 và 5-9 được coi là dịp để các quốc gia hàng đầu thế giới tăng cường hợp tác và vực dậy nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, riêng chủ nhà Trung Quốc đã gặp những khó khăn với việc đăng cai hội nghị này.
Những ống khói như thế này buộc phải “nghỉ ngơi” để cho Hội nghị thượng đỉnh G20. |
Hội nghị thượng đỉnh ở Hàng Châu vào đầu tháng 9 rất được dân chúng khắp nơi trên thế giới chờ đợi dù chỉ có 20 nước tham dự. Tuy ít nhưng đó là nhóm quốc gia chiếm tới 2/3 dân số thế giới và 85% sản lượng kinh tế toàn cầu. Những cái bắt tay, thỏa thuận ở Hàng Châu có thể vực dậy nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu suy thoái. Tuy nhiên, Trung Quốc lại đối diện với nhiều khó khăn kinh tế khi phải đăng cai hội nghị này.
Vì sao Trung Quốc gặp khó khăn khi tổ chức đăng cai Hội nghị thượng định G20? Michal Meidan là một nhà phân tích thuộc công ty tư vấn công nghiệp Energy Aspects cho biết có hai lý do là thời tiết và chính sách đang đẩy kinh tế Trung Quốc trên đà suy yếu.
Đợt lụt kéo dài và trên diện rộng tới 11 tỉnh đã làm cho kinh tế nhiều nơi trì trệ do chưa khôi phục hoàn toàn sản xuất, nhu cầu tiêu dùng cũng giảm đáng kể. Sau đợt lụt nghiêm trọng đó, Trung Quốc buộc phải có bầu trời xanh cho Hội nghị thượng đỉnh G20.
Trung Quốc có “thói quen” thực hiện các biện pháp môi trường tạm thời để có được bầu không khí trong sạch trước các sự kiện lớn. Nhưng ngược lại nó ảnh hưởng rất lớn tới giá cả hàng hóa. Trước Olympic Bắc Kinh 2008, những mỏ than nhỏ ở tỉnh phía bắc Sơn Tây và Hà Bắc đều phải đóng cửa khiến nguồn cung cấp thiếu hụt. Đó là nguyên nhân đẩy giá cả hàng hóa tăng cao khi Olympic khai cuộc. Giá quặng thép bị giảm mạnh trong năm 2014 do các công ty thép tạm dừng sản xuất để Trung Quốc tổ chức hội nghị APEC ở Bắc Kinh. Tình trạng diễn ra tương tự khi nước này đăng cai giải vô địch điền kinh thế giới hồi năm ngoái. Lần này, 255 công ty, trong đó có những nhà máy nhiệt điện, lọc dầu, ở Thượng Hải cách 180km cũng được yêu cầu cắt giảm thời gian làm việc từ ngày 24-8 tới 6-9. Trong khi đó, 445 công ty gồm hóa dầu, sản xuất thép, xi-măng, giấy ở Ninh Ba cách Hàng Châu 150km cũng được yêu cầu cắt hoặc đóng cửa tạm thời.
Tổng nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc ước tính trong năm 2016 là 11.640.000 thùng/ngày, tức nhiều thứ hai sau Mỹ. Trong nhiều thời điểm ở 6 tháng đầu năm, nhu cầu nhập khẩu dầu của Trung Quốc cao hơn cả Mỹ. Vậy mà, lũ lụt nghiêm trọng và yêu cầu cắt giảm sản xuất khiến cho nhu cầu sử dụng dầu ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm khoảng 250.000 thùng mỗi ngày. Báo cáo kinh tế tháng 7 cho thấy doanh nghiệp tư nhân không dám đẩy mạnh hoạt động và chính phủ cũng tìm kiếm cắt giảm rủi ro tài chính và giảm bớt công suất dư thừa. Ngành sản xuất công nghiệp một số nơi như phải đứng lại khiến cho nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, trong lúc giá cả hàng hóa lại đội lên. Nhưng đó là điều mà Trung Quốc đành phải chấp nhận để có bầu trời xanh cho Hội nghị thượng đỉnh G20…
ANH THƯ (Theo Bloomberg)