Đà Nẵng cuối tuần
Tổ quốc trong ký ức một binh nhì
Cuốn sách Được sống và kể lại (Nxb Văn hóa-Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2014) vừa là tự truyện, vừa là hồi ký của nhà điêu khắc Trần Luân Tín, từng được trao Giải thưởng của Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh (2009-2010) và Giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam (2009).
Ký ức của Trần Luân Tín được xe thành sợi, kết thành chuỗi, trải dài gần 400 trang sách, ghi dấu một quãng đời trai trẻ đi qua trong chiến tranh, may mắn còn sống sót có cơ hội kể lại, với động cơ hết sức bình dị là “Tín viết, với mục đích giản dị ban đầu là kể cho hai đứa con của mình nghe về một quãng đời cha đã trải qua…” (Lời tựa, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình, tr.6).
Là tự truyện, nên nhân vật trung tâm là nhân vật “tôi”. “Tôi”/Trần Luân Tín sinh ra ở Tuy Hòa, chưa đầy bốn tuổi đã theo gia đình tập kết ra Bắc. Năm 1971, chàng trai hai mươi tuổi ấy phải bỏ dở việc học hành ở một trường mỹ thuật để nhập ngũ lên đường vào Nam chiến đấu, không phải bằng khí thế hừng hực cờ giong trống gõ, cái không khí của “những ngày vui sao, cả nước lên đường” mà với tâm trạng đượm buồn đầy trách nhiệm, trước khi lên đường anh nhìn lại: “Lớp điêu khắc rộng thênh, im lìm. Bức tượng nghiên cứu toàn thân của tôi vẫn phủ ni-lông đứng đó.
Tôi mở tấm ni-lông ra, chợt trào nước mắt. Mùi của đất thân quen. Phải xa rồi, dường như xa chính mình. Mọi thứ trong lồng ngực tôi chợt dựng ngợp lên, không thể nhận ra là cảm xúc gì, cứ tràn ngập rồi lẳng lặng… và rất buồn/ Những năm tháng học trò đã qua mất rồi. Một quãng đời vất vả, đói và thiếu thốn vô cùng, nhưng kỷ niệm thì tròn đầy. Thầy trò, bè bạn đùm bọc nhau, trau dồi nghề nghiệp say sưa trong niềm yêu nghề, yêu cuộc sống. Tuổi thơ của chúng tôi thật nhiều gian lao nhưng chật đầy ưu ái. Nó sinh động và thiết tha, mãi mãi là nguồn sinh lực của mỗi người”. (tr.16-17).
Sự chân thực đến mức chân phương trong miêu tả thể hiện đặc điểm bút pháp của một người được đào tạo từ trường nghệ thuật tạo hình, tư duy bằng hình khối, đường nét, màu sắc, trở thành chất liệu nghệ thuật xuyên suốt tác phẩm.
Chỉ bằng những nét phác thảo thô mộc, tác giả “vẽ” lại nơi đóng quân trong thời gian huấn luyện, khiến cho người đọc hình dung ra khung cảnh hậu phương miền Bắc trong chiến tranh phá hoại, nghèo đói thiếu thốn nhưng vẫn nền nếp và thấm đẫm tình người: “Bác Tập dành toàn bộ ba gian nhà cho lính, gia đình bác ở dồn cả vào căn nhỏ bên bếp. Ngôi nhà xây bằng đá ong xù xì. Cửa ra vào không có cánh, chỉ có một tấm phên tre dựng nghiêng. Sân đất rộng, một giếng nước trong, một cái vại sành hơi méo và một cây bưởi đang kỳ ra hoa thơm ngát/Thi thoảng bác gái luộc cho anh em tiểu đội một rá sắn, sai bé út con bưng sang.
Nó đặt nhanh cái rá ngút khói xuống vệ cửa rồi ù chạy lên nhà. Bác gái ngồi dưới bếp nói vọng ra: Sắn nhà mới đào đấy, các chú ăn đi cho nóng” (tr.38). Đơn vị giao đi kiếm tre về làm lán trại, thì “Đi qua đồi, chui vào làng rồi lại qua đồi, vào làng, hết làng này qua làng khác. Gặp sân kho hợp tác xã, các cô gái Yên Thế đang làm lúa buông lời cợt nhả… Chúng tôi nhảy vào sân, mỗi thằng dắt một con trâu hì hụi bừa rơm cùng các cô gái. Các bà xởi lởi gán cho bộ đội những cô gái xinh nhất (…). Đến tối, khi trở về, hai thằng đã có hai vác tre của các cô gái làng chặt cho” (tr.28).
Trần Luân Tín là một binh nhì thuộc tiểu đoàn 18 thông tin, sư 325, quân đoàn 2, chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị năm 1972, rồi theo chiến dịch Hồ Chí Minh, qua Huế, Đà Nẵng, Quảng Tín, Quảng Ngãi… rồi vào giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975. Khác với thông tin vô tuyến, ở chiến trường thông tin hữu tuyến buộc người lính phải rải đường dây trên mặt đất, bất kỳ có sự cố nào làm đứt đường dây, bất chấp ngày đêm, bất chấp bom B.52 rải thảm, pháo bầy, đại liên chớp giật, người lính thông tin không thể lưỡng lự, chần chừ mà phải xông ngay đến nơi ấy, tìm cho ra nơi dây bị đứt, nối lại cho bằng được để bảo đảm được thông tin liên lạc cho trận đánh: “Tôi gỡ dây rồi quỳ xuống kéo, khi được một đống dây dưới chân, vừa đứng định chạy tới thì thoáng một tiếng xòa mát rợn, vụt ngang đầu” (tr.151). “Đạn pháo tiếp tục dập xuống. Tiếng nổ chát chúa từ từ đánh thức cái đầu tê liệt của tôi, sực nhớ, là phải tìm hầm để chui vào. Hầm ở đâu. Ba bề bốn bên đều là những đống đổ nát. Tôi chạy, cứ chạy một chặp lại nằm xuống, cố sức gào thật to: Ơi… Ơi… Ơi!” (tr.166).
Cái chất hiện thực ngồn ngộn hiện ra đằng sau câu chữ thể hiện hơi thở của tinh thần thời kỳ đổi mới, khác với tâm thế sáng tạo một thời ở chiến trường như nhật ký của Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Đặng Thùy Trâm… Nếu không tính khúc quành trở lại trong tiến trình phát triển của phương pháp nghệ thuật trong những năm gần đây, với các thứ chủ nghĩa thời thượng như hiện đại/hậu hiện đại, chỉ tính riêng các kiểu chủ nghĩa hiện thực thôi, thì những dòng miêu tả thời gian tâm trạng người lính ở chiến trường sau đây là hiện thực đến mức trần trụi, là chân thực với tất cả tấm lòng mà chỉ có những ai đã từng tham chiến mới thấu hiểu và đồng cảm, sẻ chia: “Bắt đầu những ngày rất dài.
Từ buổi sáng này đến buổi sáng kia là một chặng đường quá vất vả của cỗ xe thời gian, nó bò chậm đến mức như là không hề nhúc nhích. Sáng hay tối cũng chẳng khác gì nhau, sáng hay tối cũng ùng oàng, cũng lợm tanh, cũng chớp giật nhì nhằng… Ngồi trong hầm không thấy không gian, cũng chẳng có thời gian, chẳng có gì “trôi qua” như cách mà mọi người thường hay nói/Như ngồi trước một bức tường trống hoang, nó chặn đứng mà vô hình, lại không trọng lượng. Ở bên kia bức tường đó, ngoài tầm tay của mình, là cuộc sống.
Những ngày dài đứng im như vậy, rồi cũng từ từ trở nên bình thường” (tr160-161). Người lính binh nhì đã vượt qua tất cả những hiểm nguy, thử thách, bám trụ vững vàng suốt những ngày máu lửa ấy, không phải bằng sức mạnh vật chất/súng đạn, vũ khí tối tân, cũng không phải bằng những trói buộc về tinh thần/lý tưởng, lên gân, lên cốt và ý chí lập chiến công. “Tôi”/binh nhì tự nhiên đi vào cuộc chiến, chấp nhận những thử thách bằng sức mạnh tinh thần từ tình yêu cha mẹ, anh em, đồng chí đồng đội, làng quê sông bãi… những gì thân thương, gần gũi, bình dị nhưng cũng hết sức cụ thể, mà tượng hình nên thành hình hài sống động, lộng lẫy như một khối kim cương trong suốt, đó chính là Tổ quốc!
Điều cần lưu ý, Được sống và kể lại là văn chương của một nhà điêu khắc. Tư duy tạo hình giúp cho anh phát hiện ra những hình khối, đường nét, màu sắc và đem so sánh, ví von để tạo nên hình tượng sống động và sắc nét. Người viết không quá giàu có về câu chữ nên không lập luận về ngôn từ. Nhờ thế mà tránh được bệnh công thức, giáo điều, lên giọng giáo dục về lập trường, tư tưởng, chính trị hóa văn chương như không ít tác phẩm viết về chiến tranh lâu nay.
Chỉ là ký ức của một binh nhì, được kể theo trật tự thời gian, không có kết cấu được đẩy mức cao trào, với các tình tiết được tổ chức dàn dựng công phu, nhưng sách vẫn cuốn hút người đọc từ trang đầu đến trang cuối, bởi mỗi câu chữ như một viên gạch xây trên nền vách của thời gian, tạc nên bức tượng đài người lính thật hoành tráng, chiều kích thật nguy nga, sống mãi với non sông đất nước và trong lòng mỗi người dân Việt.
PHẠM PHÚ PHONG