Đà Nẵng cuối tuần

Phương hay Thuốc quý

Chát ngấy hay Ngấy hương

16:31, 09/09/2016 (GMT+7)

Có lần về quê, ghé nhà anh Cao Văn Thuận chuyên khai thác thuốc nam ở xã  Hòa Khương, huyện Hòa Vang, tôi được mời một ly nước lá có vị chát đậm, mùi thơm thoang thoảng, gợi nhớ một hương vị nổi trội trong nước lá mùng năm mà tuổi thơ chúng tôi một thời gắn bó. Tần ngần một lúc, tôi mới gọi được tên, đó là cây Chát ngấy.

Ngấy hương còn gọi là Chát ngấy. Ảnh : P.C.T
Ngấy hương còn gọi là Chát ngấy. Ảnh : P.C.T

Chát ngấy là tên xứ Quảng hay dùng, các địa phương khác thường gọi Ngấy hương, Đùm đũm hương, Ngũ gia bì hương; tên  khoa học là  Rubus cochinchinensis Tratt., thuộc họ Hoa hồng - Rosaceae.

Có một điều thú vị là mặc dù cây này có ở Lào, Campuchia và miền nam Trung Quốc, nhưng có lẽ do phân bố tập trung và có trữ lượng rất dồi dào ở Việt Nam nên tài liệu nước ngoài thường gọi cây này gắn với tên Việt Nam, như Việt Nam huyền câu tử (越南悬钩子) trong tiếng Trung; South Vietnam roseberry (tiếng Anh); Ronce du Sud Vietnam, framboisier de Cochinchine (tiếng Pháp).

Ngấy hương là cây bụi, mọc dựa vào cây khác, phân cành nhiều, cành vươn dài, có gai nhỏ cong về phía gốc. Lá kép có 5 lá chét, lá chét giữa lớn hơn cả; những lá ở trên có 3 lá chét hình mũi mác; mặt trên lá màu xanh, mặt dưới có lông màu trắng ngà hoặc vàng sẫm, mép lá khía răng cưa; cuống chung dài, có gai. Hoa trắng mọc thành chùm ở nách lá gần ngọn. Quả hình cầu gồm nhiều quả hạch con, màu đỏ. Mùa hoa quả tháng 5-7. Để làm thuốc, người ta thu hái thân lá quanh năm, phơi khô dùng dần, quả cũng được thu làm thuốc bổ.

Theo Đông y Việt Nam, Ngấy hương có vị chua, hơi ngọt, tính bình, mùi thơm nhẹ; có tác dụng giúp tiêu hóa, bổ ngũ tạng, ích tinh khí, mạnh chí, thêm sức, giải độc, tiêu phù. Quả Ngấy hương ăn ngon và bổ dưỡng. Thân lá cắt nhỏ sao thơm nấu uống thay chè, dùng cho sản phụ chóng lại sức, ăn được, và cho người tiêu hóa kém, ăn không tiêu, đầy bụng, phù thũng, viêm gan vàng da. Uống lâu thì trừ được hàn thấp, đẹp da, đen tóc, nhẹ mình, sống lâu. Thân lá không sao sắc uống để giải nhiệt và phối hợp các vị thuốc khác chữa đái vàng, đái buốt. Liều dùng: 15-30g thân lá, 6-12g quả.

Theo Hải Nam đảo thường dụng trung thảo dược thủ sách, thì Ngấy hương có tên Ngũ diệp bào (五叶泡), có vị đắng cay, tính ấm; có tác dụng khu phong, trừ thấp, hành khí; chủ trị lưng đùi đau nhức, tay chân đau tê, đau nhức xương do phong thấp.

Đơn thuốc:

1. Chữa cảm thấp, nôn mửa, ớn lạnh, ăn uống không tiêu: Dùng 40-50g thân và lá Ngấy hương khô sắc uống. Có thể phối hợp với Gừng sống 3g và lá Sả 20g sắc uống.

2. Chữa phù thũng, tiểu vàng, tiểu buốt: Thân lá Ngấy hương 20g,  rễ Cỏ tranh 10g, Cỏ mần trầu 10g; tất cả cắt nhỏ, sao vàng, sắc với 400ml nước, còn 100ml, chia uống 2 lần trong ngày. Nếu tiểu ra máu gia thêm 10g cây Dừa cạn.

3. Chữa vàng da: Thân lá Ngấy hương 20g, Chè vằng 10g, sắc uống, ngày 1 thang trong 7-10 ngày.

4. Chữa viêm gan, đau gan: Ngấy hương 30g, Khúc khắc 20g, Đảng sâm 20g, Rau má 20g, Râu bắp 15g, Vỏ núc nác 15g, Lá chanh 5g. Nếu có sốt thêm Kim ngân hoa 20g. Tất cả cắt nhỏ, sao vàng, sắc uống. Liều trẻ em tùy tuổi bằng 1/3 – 2/3 liều lượng nói trên.

5. Chữa tóc khô cằn, hay rụng: Dùng lá Ngấy hương hãm nước uống đồng thời dùng quả Ngấy hương ăn và ép dầu bôi vào chân tóc hằng ngày.

6. Chữa sưng đau do đánh ngã: Lá Ngấy hương lượng vừa đủ giã nhuyễn  đắp chỗ sưng, băng lại. Ngày thay thuốc 1 lần.

Cần lưu ý nước ta có trên 50 loài thuộc chi Rubus L., trong đó  có 13 loài có quả ăn được và có thể dùng làm thuốc như Mâm xôi, Ngấy tía, Ngấy tuyết,… nên tránh nhầm lẫn Ngấy hương với một số loài cùng chi đó.

Tại Đà Nẵng, Ngấy hương có trữ lượng rất dồi dào, nhất là trên bán đảo Sơn Trà, cây có gai mọc ven đường, bò trườn xâm lấn cả các tuyến đường du lịch, thường níu móc áo quần, có khi làm rách da thịt cho du khách bất cẩn đi qua. Vì vậy các cơ quan quản lý rừng và du lịch nên có kế hoạch định kỳ cho phát quang kết hợp khai thác loài dược liệu này để cung cấp cho các cơ sở cấp phát thuốc nam nhân đạo trên địa bàn thành phố.

PHAN CÔNG TUẤN

.