Đà Nẵng cuối tuần
Nghị lực của Dôm
“Sau khi thực hiện xong các ca phẫu thuật kéo, nắn chân phải, chắc chắn em sẽ trở lại trường, tiếp tục học tập và thực hiện ước mơ trở thành cô giáo để truyền con chữ lại cho con em đồng bào”, Hồ Thị Dôm, người Giẻ Triêng (nguyên học sinh lớp 9, Trường tiểu học và THCS Phước Thành, huyện Phước Sơn, Quảng Nam) bộc bạch.
9 năm lò cò đến trường, Hồ Thị Dôm nuôi ước mơ trở thành cô giáo. |
Một chân đến trường
Suốt 9 năm nay, hình ảnh cô bé Hồ Thị Dôm một chân đến trường quen thuộc với nhiều bạn bè đồng trang lứa ở Trường tiểu học và THCS Phước Thành. Bất kể ngày nắng hay ngày mưa, đôi chân chỉ còn một nhảy từng bước lò cò trên con đường đồi dốc dài ngót cây số đến trường. “Các bạn chỉ cần độ mười phút để đến lớp, còn em phải mất gấp ba thời gian và gấp nhiều lần sức lực hơn thế!”.
Dôm sinh ra là một đứa trẻ bình thường. Chưa đầy một tuổi, trong một lần sơ ý của người lớn, em bị rơi vào bếp lửa. Chân phải bị lửa cháy làm bàn chân co rút. Bà Hồ Thị Kiên, mẹ Dôm buồn buồn cho biết: “Gia đình lúc đó quá khó khăn, đến cơm ăn ngày hai bữa còn không có, dù có thương con cũng đành nuốt nước mắt để con bị tàn tật”. Trong ý nghĩ của người mẹ vùng cao ấy, chuyện đứa con út tật nguyền đến trường là điều bà chưa hề nghĩ đến: “Năm 6 tuổi, thấy các bạn trong xóm đi học, cháu cũng đòi đi. Nghe con đòi thì tui đem con đến trường xin cô giáo cho con vào lớp, nhưng đưa đón được mấy bữa đầu rồi phải lên nương lên rẫy trồng cây lúa, cây sắn kiếm ăn nên con tự đến trường”. Dôm bắt đầu những bước chân lò cò đến trường từ đó. “Ban đầu em không quen đi đường xa nên trượt ngã nhiều lắm. Mãi khi lên lớp 2 em mới quen dần với việc đến lớp. Nhưng mùa nắng còn đỡ, mùa mưa, nhiều hôm tới được lớp thì người đã lấm lem bùn đất. Có khi ngã đau chảy nước mắt nhưng vẫn đứng dậy đi tiếp”, Dôm kể. Ngoài giờ học ở lớp trở về, Dôm lại một mình xoay xở hái rau rừng, nấu cơm giúp mẹ.
Dôm là con út trong gia đình 5 anh em, bố mất sớm. Cả nhà sống chủ yếu dựa vào cây lúa rẫy, cái nghèo bám riết quanh năm. Bà Hồ Thị Kiên quần quật suốt ngày trên nương rẫy nên việc học của con cái vì thế không được quan tâm nhiều. Trong khi các anh chị lần lượt nghỉ học giữa chừng thì Dôm vẫn cần mẫn đến lớp. Những bước chân của em như những con dấu in hằn trên khắp con đường đất dẫn đến trường, gót chân tạo nên dấu xoáy vẹt mòn đất và vẹt mòn luôn cả da thịt bởi trọng lực dồn lên chiếc chân còn lại. Dẫu vậy, Dôm chưa một ngày nghỉ học. “Để đến lớp kịp giờ học, em phải đi sớm hơn các bạn. Cặp sách phải buộc thật chặt vào vai. Những lúc mỏi quá, em lại cố nhảy nhanh hơn bởi nếu dừng lại em sẽ ngã. Đường đến lớp rất mệt nhưng được học chữ cùng các bạn ở lớp lại rất vui”, Dôm nói. Cô giáo Trần Thị Thuận, giáo viên chủ nhiệm Dôm cho biết: “Dôm là học trò chăm ngoan, chịu khó học hỏi. Luôn là gương mặt học sinh khá nằm trong tốp 3 của lớp. Dù bị tật nguyền nhưng em vẫn luôn lạc quan và cố gắng theo học”.
Nuôi ước mơ làm cô giáo
Hôm tôi gặp Dôm ở Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng, em vừa trải qua ca phẫu thuật thứ 2, cắt rời các vết da dính và nắn thẳng bàn chân phải. Ca phẫu thuật do các mạnh thường quân và các nhà hảo tâm hỗ trợ hoàn toàn. Đôi mắt Dôm hằn sâu bởi những cơn đau sau ca phẫu thuật nhưng em vẫn cười thật tươi. Đã hơn 2 tháng ở viện, mỗi ngày em đến phòng tập vật lý trị liệu, qua phòng khám hay đi ăn cơm đều chỉ một mình. Thi thoảng mẹ và anh trai có xuống thăm, nhưng không ai có thể ở lại cùng em suốt mấy tháng, chờ cho đến ngày đôi chân trở nên lành lặn. Em lại một mình gắng gượng, nỗ lực như cái cách 9 năm qua em vẫn nỗ lực đến lớp. Hỏi em một mình về phố chữa bệnh dài ngày có buồn không, Dôm nói: “Đôi lúc cũng cảm thấy buồn nhưng em biết ở nhà mẹ cũng còn vất vả nên tự động viên mình cố gắng. Mong cho ngày trở lại trường sau này em có thể bước đi vững vàng trên đôi chân mà không phải lò cò một chân nữa”.
Dôm chợt ngừng câu chuyện rồi bảo: “Bác sĩ bảo, em còn một ca phẫu thuật đầu gối nữa để phục hồi chức năng chân là được về nhà. Em xuống đây cũng được 3 tháng rồi. Khai giảng năm học mới này em không về kịp. Các thầy cô ở trường cũng đã làm thủ tục bảo lưu kết quả cho em. Vào năm sau chắc chắn em sẽ trở lại trường để không phụ lòng tin của bạn bè, các thầy cô giáo đã giúp đỡ em”. Đôi mắt em hướng về phía xa xăm, nơi tiếng trống trường đâu đó len lỏi qua từng ngách phố vọng lại. Dôm nói như độc thoại, ẩn chứa nghị lực phi thường: “Mai này em sẽ ráng học giỏi để trở thành cô giáo, về làng quê mình dạy lại cái chữ cho con em đồng bào nghèo”.
THIÊN LAM