Đà Nẵng cuối tuần
Sách mới, sách hay
1.“Chuyện ngõ nghèo” (NXB Hội Nhà văn) của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh vẽ ra bức tranh về những năm tháng khốn khó của Hà Nội xưa. Đó là thời kỳ nhà nhà, người người nuôi lợn làm kế mưu sinh. Từ anh thương binh đến cô giáo viên hay ông nhà văn cũng đều đi nuôi lợn. Họ nuôi, yêu quý và trân trọng con vật đã đem lại cho họ nguồn sống đến nỗi nhân cách hóa; đặt tên cho từng chú lợn nuôi trong nhà. Anh thương binh gọi lợn bằng những cái tên hào hùng: Tên Lửa, Xung Kích, Thần Sấm,... Cô giáo dạy sinh vật cấp ba ấp ủ viết cả một Bách khoa lợn. Ông nhà văn ngày ngày ngó ra chuồng lợn mà ngẫm ngợi, triết lý,… Bằng lối viết hài hước mà ẩn ý sâu xa, “Chuyện ngõ nghèo” được đánh giá là tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.
2. Với “Công lý thảo nguyên” (NXB Lao động), tác giả người Pháp Ian Manook chọn vùng đất đầy huyền bí Mông Cổ làm bối cảnh chính cho tác phẩm trinh thám của mình. Cách xây dựng tuyến nhân vật của tác giả cốt yếu làm nổi bật lên văn hóa, tập quán, lối sống của người dân Mông Cổ trong thế kỷ 21. Đó là một xã hội đã không còn như cái thời hoàng kim của Thành Cát Tư Hãn, hiện đang bị tác động của Trung Quốc và các giá trị truyền thống đang dần mai một. Cuốn sách này đặc biệt thích hợp với những bạn thích phiêu lưu mạo hiểm, khám phá những vùng đất mới.
3. Bạn đã từng đọc một cuốn sách không có… một dòng chữ nào chưa? Đừng vội vàng bỏ qua cuốn sách này khi bạn không tìm thấy chữ bởi đó chính là điều đặc biệt của nó. Một tựa đề đầy chất thơ “Trước sau tháng ngày và đổi thay” (NXB Hội Nhà văn) đã đoạt giải thưởng Bologna Ragazzi năm 2015. Thông điệp mà cặp họa sĩ tài năng Anne-Margot Ramstein và Matthias Aregui muốn gửi gắm tới độc giả chính là những bức tranh, tựa như những câu chuyện, và khi kết đôi, chúng tạo nên những cặp tranh ấn tượng lý giải về sự biến hóa của vạn vật trước thời gian, về quy luật nhân quả và cả những triết lý sâu xa.
Hải Âu