Đà Nẵng cuối tuần
Xangsane hung bạo
Đã 10 năm rồi nhưng những dấu ấn tang thương của bão số 6 (Xangsane – Con Voi Lớn) vẫn còn hằn sâu trong lòng người dân miền Trung nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng.
Công nhân Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng trồng lại hàng cây bị ngã đổ sau bão số 6. (ảnh chụp chiều ngày 3-10-2006) |
Mưa và nước mắt
Khoảng 6 giờ sáng 1-10-2006, gió bắt đầu thổi mạnh kèm với mưa ngày một nặng hạt. Sau lệnh điều động của cấp trên, nhà báo Huỳnh Anh, công tác ở Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) khu vực miền Trung, cùng với một phóng viên nữ mới về, tức tốc qua Sơn Trà. Mỗi đợt mưa gió đập vào, cái cần gạt nước oằn mình như muốn bay ra khỏi mặt kính ô-tô.
Thực ra, từ tối 30-9, gió đã từng đợt nổi lên. Lúc 4 giờ sáng 1-10, theo bản tin phát trên VOV, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16° vĩ bắc, 109,1° kinh đông, cách bờ biển Đà Nẵng đến Quảng Ngãi khoảng 70km về phía đông; sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 13, giật trên cấp 13.
Trước đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn Trung ương dự báo bão số 6 sẽ đổ bộ vào Quảng Ngãi nên phóng viên nam ở VOV miền Trung được lãnh đạo cử đi hết vô trong đó, chỉ còn lại 4 phóng viên nữ là Huỳnh Anh với 2 người có con nhỏ và Tuyết Lê mới về nhận công tác.
Bầu trời “trở nước da” với màn mây xám xịt chen lẫn những mảng sáng rất kỳ lạ. Đường phố vắng người và xe, chỉ có những mảng lá cây cùng với túi ni-lông cuốn lăn lóc theo từng cơn gió. Căn phòng của Bí thư Quận ủy Nhật Thành, tại Trung tâm Hành chính quận Sơn Trà, chất đầy hồ sơ, cửa kính rung lắc cơ hồ muốn bật tung. Gió từng hồi đập mạnh, đây đó vang lên tiếng cửa kính vỡ loảng xoảng đầy đe dọa. Huỳnh Anh và Tuyết Lê leo lên ghế giữ chặt cửa, chờ ông Thành đi tìm dây thép buộc lại.
“Mưa bão đầy trời – ông Nhật Thành nhớ lại, tôn bay tới tấp như lá cây. Tôi khuyên hai chị em về bằng xe chuyên dụng chống bão lụt của cơ quan quân sự quận chứ đi xe của VOV không bảo đảm an toàn. Nhưng họ bảo, đang làm nhiệm vụ thông tin về bão nên không thể về được”.
Mà đúng thế thật, cả thành phố bị ngắt điện từ 3 giờ sáng, cả điện thoại cố định lẫn điện thoại di động đều mất tín hiệu, tất cả mọi thông tin chỉ trông cậy vào Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhiều người mở ra-đi-ô suốt, hồi hộp lắng nghe tường thuật trực tiếp diễn biến của bão qua sóng phát thanh.
Trở lại với hai phóng viên VOV. Họ xuống tầng trệt với lỉnh kỉnh máy móc chuyên dụng, ý định chạy xe một vòng qua các đường phố để làm phóng sự. Gió cùng với mưa tạt mạnh từng hồi. Ông Thành bảo hai chị em nấp dưới gầm cầu thang. Tiếng tôn bay, tiếng cây đổ hòa với tiếng gió thét gào, tiếng mưa sầm sập... khiến cô phóng viên mới vào nghề Tuyết Lê khóc như mưa.
Chị Lê Thị Ánh Tuyết (trái) nay là Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Hiệp Nam, vẫn không quên cuộc “vượt cạn” trong bão Xangsane của mình 10 năm trước. Ảnh: V.T.L |
Ở hai bên cầu Nam Ô
Hơn 7 giờ sáng 1-10, khi “Con Voi Lớn” bắt đầu rùng rùng đi vào thì đột nhiên chị Lê Thị Ánh Tuyết, kế toán UBND phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, cảm thấy bụng đau râm ran. Trước đó 2 ngày, thứ Sáu 29-9, chị đi khám thai thì bác sĩ bảo khoảng 15 - 20 ngày nữa mới sinh. Gió mạnh, nhà trọ chị ở bị tốc mái, bà con tổ dân phố đến vận động mọi người sang trú bão ở Trường mầm non Hoa Hồng gần đó. Tới nơi, chị đau bụng quá, người nhà điện thoại kêu xe cấp cứu. Khoảng15 phút sau xe lên, nhưng báo lại rằng phía nam cầu Nam Ô bị ngập nước rất sâu, xe không qua được.
Chị nằm trong phòng, nghe gió rít từng cơn mà lòng dạ chẳng yên. Bão lớn thế này không biết rồi mẹ con mình sẽ ra sao? Câu hỏi cứ lảng vảng mãi trong đầu chị, thời gian như ngừng trôi mà mưa bão thì cứ kéo dài mãi không thôi.
Ngoài trời bão rít từng cơn, trong căn phòng nhỏ của trường mầm non, một nhóm người ngồi quanh chị. Cán bộ, nhân viên Công an phường, UBND phường, bà con trong tổ dân phố... đều là những người tay ngang nhưng đã giúp chị “vượt cạn” thành công. 12 giờ 30, đứa con đầu lòng của chị chào đời, cất tiếng khóc nghe rất đỗi yếu ớt giữa tiếng mưa gió gầm rú ngoài trời, trong niềm vui khôn xiết của mọi người.
Ở phía nam cầu Nam Ô, bão vào, cả một vùng trắng xóa mưa và gió. Anh Trần Lê Văn ở tổ 26 (nay là tổ 78) khu vực Nam Ô 1, phường Hòa Hiệp Nam, thấy mái tôn căn nhà cấp 4 của mình có mấy tấm rung giật liên hồi, không bao lâu nữa là sẽ bị tốc mái nên leo lên tìm cách chằng chống. Bất ngờ một cơn gió khủng khiếp lướt qua, thổi tốc cả tôn và người bay lên trời, vút qua ngôi nhà 4 tầng gần đó và biến mất giữa mưa gió. Trong nhà, ai cũng nhốn nháo nghĩ đến một điều không may...
Một lát, thấy Văn lọ mọ quay về. Thì ra, anh chàng ngồi trên tấm tôn như ngồi trên tấm thảm bay trong truyền thuyết xứ Ba Tư, mặt cắt không còn một giọt máu. Cũng may, cả người và “thảm tôn” sau một hồi vi vu bất đắc dĩ trên không trung đã “hạ cánh an toàn” xuống mặt đất.
Những chuyện nhớ đời
Khoảng tầm hơn 9 giờ, bão số 6 bắt đầu đổ bộ vào Đà Nẵng. Nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam mô tả: “Trong không trung như một cuộc khiêu vũ của đủ các thứ tôn, ván, gỗ, cánh cửa ni-lông, cành lá cây và mưa”.
Ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, một cơn gió mạnh khiến toàn bộ mái tôn nhà vợ chồng anh Lê Văn Minh bị hất tung lên trời. Con trai anh lúc đó mới 13 tháng tuổi đang nằm trong nôi buộc bằng dây treo trên xà ngang của sườn nhà cũng bay theo. Chỉ sau một tích tắc bị cuốn lên trời, mái nhà bị gãy làm đôi, một nửa rơi xuống trường học gần đó, một nửa mang chiếc nôi bay tiếp rồi rơi xuống ao nước phía sau trường học. Anh Minh tức tốc chạy theo, thấy chiếc nôi đang chìm dần trong đám bèo, bèn bơi ra cứu được con mình. “Chỗ thằng nhỏ rơi cách bờ ao 50 mét, cách nhà tôi hơn 150 mét. Thiệt là nhờ ông trời còn thương...”, anh Minh giọng chưa hết hốt hoảng.
Chuyện may rủi trong thiên tai như thế không ai lường trước được. Như ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà, một gia đình đưa đá lên chằng mái tôn, đến khi bão đến, chính mấy hòn đá này đã rơi xuống làm đứa con 6 tuổi tử nạn. Nhà báo Huỳnh Anh, lúc đó đang tác nghiệp ở quận Sơn Trà, đưa tin trực tiếp câu chuyện thương tâm về người chết đầu tiên do bão số 6 ở Đà Nẵng này trên sóng VOV. Để đưa tin nóng hổi về bão, chị và Tuyết Lê chạy xe của cơ quan qua một số tuyến đường chính của Đà Nẵng. “Khi qua đường Nguyễn Tất Thành, mỗi khi gió giật là cả người và xe nhẹ hẫng như đi trên mây, không ai ngờ bão mạnh đến thế. Đó là một kỷ niệm nhớ đời, khó thể nào quên”, chị Huỳnh Anh nhớ lại.
Mãi đến chiều 9-10, sau gần 10 ngày cơn cuồng phong Xangsane đã dịu lắng nhưng trên địa bàn phường Hòa Hải (quận ngũ Hành Sơn) vẫn còn đến gần một nửa số khu dân cư mất điện. Phó ban Tổ chức Quận ủy Ngũ Hành Sơn Ngô Thanh Xuân, chia sẻ một kỷ niệm khi còn là Chủ tịch UBND phường: “Lúc đó, dân Hòa Hải không đói ăn, chỉ đói điện. Để giải quyết tình thế cấp bách, chúng tôi đưa máy phát điện của phường cùng với 2 máy khác của tư nhân luân chuyển đến các địa bàn bị mất điện”.
Điều ở lại
Nếu Hòa Hải “đói điện” thì Hòa Hiệp Nam và Hòa Hiệp Bắc “đói nhà kiên cố”. Ông Lê Duy Du, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Hòa Hiệp Nam, cho biết, trước đây, mỗi khi có bão là cả hai địa phương nằm bên cầu Nam Ô phải di tản cả nghìn hộ dân. Nay thì một phần nhà cửa đã kiên cố, một phần đã di dời các hộ vùng thấp trũng lên cao nên số lượng hộ dân di tản ít dần. Mỗi trận bão là một bài học nhớ đời, từ đó ý thức phòng chống thiên tai từ cán bộ đến người dân một nâng cao. Giờ thì không cần phường phải bắc loa thông báo, kêu gọi – thậm chí cưỡng chế – dân sơ tán, chỉ cần nghe ti-vi dự báo có bão là mọi người phản ứng có điều kiện, lập tức lo liệu các công việc cần thiết để “đón” bão.
Nhìn lại cơn bão 10 năm trước, bão số 6 dự kiến có sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 13, giật trên cấp 13, nhưng thực tế khi vào Đà Nẵng thì sức gió đạt cấp 15, cấp 16. Cơn bão hung bạo này đã càn quét các tỉnh thành miền Trung với mức thiệt hại gần 10.000 tỷ đồng, trong đó Đà Nẵng thiệt hại lên đến hơn một nửa. Các số liệu thống kê sau đó cho thấy bão Xangsane có thể kéo lùi sự phát triển của Đà Nẵng đến 10 năm. Thực tế thì sức người đã mạnh hơn, chỉ trong vòng 3 năm, người Đà Nẵng đã lấy lại hình ảnh chính mình như khi chưa có Xangsane.
Những ngày qua, bão số 6 (Aere) vừa tan thì cơn bão số 7 (Sarika) đang gầm gừ ngoài Biển Đông với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16-17, được cho là không thua gì Xangsane hung bạo 10 năm trước. Bão số 6 gây lụt lội lớn, Tuyết Lê lo lắng vì nhà cha mẹ cô ở Quảng Bình bị lũ cuốn trôi nhiều vật dụng. 10 năm trước cô khóc như mưa khi lần đầu gặp bão lớn, nay thì không cầm được nước mắt với nỗi đau thương của bà con quê mình.
Với chị Ánh Tuyết, đứa con ra đời trong bão được chị đặt tên con là Lê Văn Vũ Bão. Nhưng rồi, nghe người ta bảo, đặt tên con như thế sau sẽ bị... vũ bão, nên chị đổi thành Lê Văn Minh Trí. Tên con đã đổi, nhưng mỗi lần nhắc đến “Con Voi Lớn” là chị vẫn không sao quên được cái sự hung bạo ghê hồn của nó…
Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ